Báo động đỏ tình trạng những người trẻ hành xử như xã hội đen


Thứ 2, 27/10/2014 | 06:45


(ĐSPL)- Từ vụ nữ sinh lạnh lùng giết người tình, cho đến vụ cả nhóm thanh niên mặc nguyên đồng phục nhà trường cầm hung khí truy sát người dân... đang khiến dư luận bàng hoàng.

(ĐSPL) - Từ vụ nữ sinh lạnh lùng giết người tình rồi dựng hiện trường xóa dấu vết, cho đến vụ cả nhóm thanh niên mặc nguyên đồng phục nhà trường cầm hung khí truy sát người dân... đang khiến dư luận bàng hoàng, dấy lên nỗi lo về cách hành xử kiểu máu lạnh, giang hồ đậm kiểu xã hội đen của một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay.

Liệu cánh cổng nhà trường và gia đình có đủ sức ngăn chặn những hệ lụy tất yếu của mặt trái xã hội này hay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải...

Khi học trò phân chia đẳng cấp "anh chị"

Xin được bắt đầu bằng dẫn chứng của một sự vụ mới nhất vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, khiến không ít người dân phải hoảng hồn tìm nơi ẩn trú vì một nhóm người hung hãn cầm hung khí trên tay truy sát hai người dân. Khi mọi người đủ cam đảm nhìn kỹ, hóa ra đó không phải là dân anh chị, giang hồ thứ thiệt, mà chỉ là ba cậu học sinh mang đồng phục trên người. Đáng lo sợ là trên tay chúng vẫn lăm lăm dao, "xử" người lớn vì lỡ... va chạm giao thông.

An ninh - Hình sự - Báo động đỏ tình trạng những người trẻ hành xử như xã hội đen

Nạn nhân của vụ truy sát do 3 học sinh gây ra.

Khi PV bản báo tiếp cận sự vụ mới chính thức nhận được thông tin từ đại diện Công an phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TP.HCM), hiện cơ quan này đang điều tra làm rõ nhóm học sinh dùng hung khí truy sát khiến hai người đàn ông phải nhập viện trong tình trạng bị thương rất nặng. Thông tin ban đầu xác định, nạn nhân là anh Vũ Đình S. (SN 1970) và anh Vũ Đức G. (SN 1969), cùng ngụ tại Hà Nội, hiện đang làm công nhân thợ mộc trên địa bàn quận. Hung thủ gây án lại chính là nhóm học sinh đáng tuổi con, cháu của nạn nhân hiện đang ngồi trên ghế nhà trường.

Những người dân chứng kiến vụ truy sát trên kể lại: Vào sáng 16/10, bất ngờ xuất hiện cảnh hai người đàn ông chạy thục mạng, phía sau là một nhóm ba học sinh mang theo dao, mã tấu rượt đuổi. Hai học sinh ép hai người đàn ông vào lề đường, học sinh khác đã lao tới chém tới tấp. Khi thấy hai người đàn ông đã bị thương, nhóm học sinh vẫn chưa buông tha mà tiếp tục truy sát. Khi đó, rất nhiều người dân đã tri hô, nên sau khi chém xong, thấy đông người, nhóm học sinh lên xe bỏ chạy. Người dân đã báo lên cơ quan công an và đưa nạn nhân S. đến bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn (TP.HCM) cấp cứu trong tình trạng đâm thấu xương ở vùng ngực bên trái, rộng gần 10cm và đứt gân ngón tay giữa bên trái. Ngoài ra, anh S. còn rất nhiều vết thương trên cánh tay và có nguy cơ phải tháo khớp ngón tay trên. Còn anh G. phải khâu hàng chục mũi ở cánh tay trái.

Cùng thời điểm trên, thêm một thông tin khác cũng khiến dư luận nhức nhối là ngày 18/10, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hồng Minh (18 tuổi), ở thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, Bắc Giang vì đã dùng dao đâm chết anh Nguyễn Văn T. (24 tuổi), ở thôn Bo Chợ, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế. Minh là học sinh lớp 12 trường THPT Bố Hạ, Yên Thế.

Nguyên nhân được xác định do em họ của Minh mâu thuẫn với Đinh Đức D., học sinh lớp 10 cùng trường nên Minh bênh em. Vì muốn giải quyết mâu thuẫn theo kiểu dân anh chị, D. đã rủ thêm Nguyễn Văn T.; Trần Quang H. (18 tuổi) và Phạm Văn Th. (16 tuổi), ở Suối Dọc, xã Đồng Hưu (cùng ở huyện Yên Thế) đón đường để "nói chuyện" với Minh ở gần cổng trường. Tại đây, giữa hai bên lời qua tiếng lại. Minh bị anh T. cho vài cái bạt tai vì thái độ hỗn láo với người lớn, Minh rút dao đâm anh T. rồi bỏ chạy. Mặc dù nạn nhân được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương trúng vào tim nên anh T. đã không qua khỏi. Sau khi gây án, Minh ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.

Đáng nói, những sự vụ nêu trên chỉ là những điển hình trong rất nhiều vụ xảy ra trên cả nước trong thời gian gần đây. Thậm chí, có những vụ án khiến không ít người phải giật mình vì động cơ và hành động phạm tội của các học sinh này quá đơn giản, mang tính côn đồ. Cũng trong ngày 18/10, TAND tỉnh Hải Dương đã xét xử nhóm học sinh nữ gồm Bùi Thị Thu Hoài, Nguyễn Thị Yến, Vũ Thị Dịu về tội danh giết người. Hoài, Yến, Dịu đã dùng guốc mộc đánh bạn (tên L.) đến chết do mâu thuẫn cá nhân. Hội đồng xét xử tuyên phạt Hoài 9 năm tù; Yến và Dịu mỗi bị cáo 6 năm tù giam.

Kẻ phạm tội đã bị pháp luật trừng trị thích đáng nhưng điều dư luận đang quan tâm nhất hiện nay là trách nhiệm để xảy ra những chuyện đau lòng này thuộc về ai? Nhà trường, gia đình hay xã hội?

Rùng mình bức tranh tội phạm vị thành niên

Để làm rõ được nguyên nhân sâu xa khiến học sinh phạm tội, PV báo Đời Sống và Pháp Luật đã cất công thu thập những số liệu trong nhiều năm qua nhằm đưa ra một bức tranh toàn diện đến độc giả về vấn đề này. Có thể những con số dưới đây chưa phải là tất cả, nhưng nó cho thấy một gam màu tối đang lấn át "thế giới" ngây thơ và hồn nhiên của các em.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đề án IV - Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, từ năm 2007 - 6/2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Số vụ phạm pháp tăng gần 4.300 vụ, bằng 6,72\% so với 6,5\% của năm trước đó. So với tổng số vụ phạm pháp hình sự trong toàn quốc thì số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20\%.

Tội phạm do người chưa thành niên gây ra chủ yếu là các tội: Trộm cắp tài sản (21.812 vụ/33.010 đối tượng, chiếm 34,30\%); Cố ý gây thương tích (5.692 vụ/9.588 đối tượng, chiếm 8,95\%); Gây rối trật tự nơi công cộng (4.870 vụ/8.768 đối tượng, chiếm 7,65\%); Cướp giật tài sản (3,76\%); Cướp tài sản (1,43\%); Đánh bạc; Hiếp dâm, cưỡng dâm; Cưỡng đoạt tài sản; Giết người và một số tội danh khác.

Hầu hết người chưa thành niên phạm tội đều là nam giới, chiếm đến 96,87\% tổng số người vi phạm. Độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, trong đó dưới 14 tuổi chiếm 13\%; từ 14 - 16 tuổi chiếm 34,7\%, từ 16 - 18 tuổi chiếm 52\%. Điều đặc biệt, gần một nửa số đối tượng phạm tội đều đã bỏ học (chiếm 45\%), có học lực yếu, kém (chiếm 60,7\%).

Một số liệu khác từ Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (bộ Công an) cho thấy, từ năm 2002 đến tháng 6/2013, 4 trường giáo dưỡng gồm trường giáo dưỡng số 2 - Ninh Bình; số 3 - Đà Nẵng; số 4 - Đồng Nai và số 5 - Long An đã tiếp nhận 21.836 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong đó có 21.335 nam, chiếm 97,93\%; nữ có 501 em, chiếm 2,07\%.

Số liệu thống kê còn cho thấy, 70\% đối tượng người chưa thành niên phạm tội sống tại thành phố, thị xã, thị trấn; 24\% sống ở nông thôn. Có tới 34,4\% các em sống trong hoàn cảnh thiếu hẳn sự chăm sóc của bố mẹ đẻ, trong đó có 4,8\% sống với ông bà; 2,4\% sống với anh chị; 14,5\% sống lang thang; có 80\% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, gia đình thường xảy ra bạo lực thiếu sự quan tâm đến trẻ em, sự giáo dục chưa phù hợp, để các em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức. Trong số 15.736 vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra thì có tới 85\% các em vi phạm pháp luật là do bản thân thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi bời, hưởng thụ, đua đòi các thói hư tật xấu của xã hội...

"Rất nhiều vụ, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người do ám ảnh bởi những trò chém giết trên game hay phim bạo lực. Sự bùng nổ công nghệ thông tin là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội, các trang web, blog cá nhân. Các thông tin mang tính bạo lực, giật gân liên tục xuất hiện trên các trang báo mạng, các video bạo lực, đặc biệt là những vụ án xâm phạm nhân thân bằng bạo lực được các trang báo mạng khai thác, mô tả chi tiết, tác động không nhỏ tới tâm lý của đối tượng, gây hoang mang trong dư luận”.

(TS. Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân)

Ghê rợn những nhát dao lạnh lùng của học sinh trung học

Nguyễn Hữu Trí (SN 1996), ngụ ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, học lớp 12A2 trường THPT Kế Sách đến nhà bà Nguyễn Thị Sành (là cô ruột của Trí) nhưng bà Sành đã đi làm. Nhà chỉ có Nguyễn Thị Thu H. (SN 1991), ngụ tại ấp An Định, thị trấn Kế Sách. Vào nhà, Trí nói mất chìa khóa, nhờ chị H. kiếm giùm. Khi lên cầu thang, Trí có hành vi sàm sỡ với chị H., bị chị phản ứng, dọa sẽ mách lại với bà Sành. Sợ bị lộ, Trí đè chị H. ngã xuống sàn nhà rồi lấy dây trói quặt tay chị H. ra sau lưng và nói nếu mách thì Trí sẽ giết chết. Sau đó Trí ra tay hạ sát chị H..

Vụ án Nguyễn Thị Thu Trang, 15 tuổi, học lớp 9, trường THCS Phùng Chí Kiên (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) do có mâu thuẫn với em Nguyễn Thị Th., 15 tuổi, học sinh lớp 9, trường THCS Dị Sử (Mỹ Hào - Hưng Yên). Mâu thuẫn lên đỉnh điểm, Trang đến trường của Th. cãi lộn. Lời qua tiếng lại, Trang đã giơ dao đâm trúng tim Th., dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng nạn nhân đã tử vong do vết thương quá nặng.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-dong-do-tinh-trang-nhung-nguoi-tre-hanh-xu-nhu-xa-hoi-den-a62989.html