Cảnh báo nạn bạo lực học đường trong nữ sinh, băn khoăn thiếu “rào chắn” và thói vô tâm


Thứ 6, 01/05/2020 | 23:45


Liên tiếp các vụ nữ sinh đánh hội đồng bạn học diễn ra ở Nghệ An, Thanh Hóa trong thời gian nghỉ dịch Covid-19 khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ.

Liên tiếp các vụ nữ sinh đánh hội đồng bạn học diễn ra ở Nghệ An, Thanh Hoá trong thời gian nghỉ dịch Covid-19 khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ. Từ đây, nhiều câu hỏi được đặt ra: “Vì sao nữ sinh đánh đội đồng bạn học diễn ra ngày càng nhiều? Cần xử lý thế nào để giảm tải tình trạng này?”.

Chuyện học đường - Cảnh báo nạn bạo lực học đường trong nữ sinh, băn khoăn thiếu “rào chắn” và thói vô tâm

Nữ sinh bị đánh hội đồng gây xôn xao trên mạng xã hội (ảnh được cắt ra từ clip). 

Xu hướng nữ sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực?

Mới đây, thông tin từ Công an thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, đơn vị đã xác định được danh tính nhóm nữ sinh tham gia đánh hội đồng một nữ sinh lớp 8 gây xôn xao. Theo đó, ngày 18/4, trên trang “Thị xã Hoàng Mai” đăng clip có thời lượng hơn 2 phút ghi lại một nhóm nữ sinh đang đánh bạn học tại địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai. Theo clip, nhóm học sinh tập trung, vây quanh nữ sinh mặc đồng phục. Một nữ sinh mặc áo hồng đã chửi bới, mắng bạn nữ sinh mặc đồng phục thậm tệ.

Tiếp đó, một nữ sinh mặc áo đen chạy tới, cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu, dúi học sinh mặc áo đồng phục nhào xuống đất rồi đấm đá. Thấy thế, nữ sinh áo hồng cũng lao vào để ra tay. Khi bạn nữ áo đồng phục ôm mặt khóc lóc và van xin nhóm này mới chịu dừng tay. Sự việc được một học sinh trong nhóm ghi lại rồi đăng tải lên mạng.

Ngay sau đó, Công an thị xã Hoàng Mai đã triệu tập các em có liên quan lên trụ sở để làm việc. Bước đầu, các em đã khai nhận do mâu thuẫn cá nhân, em Đ.T.K.H., học sinh lớp 8, trường THCS Quỳnh Dị đã nhắn tin cho em Q.T.M., học sinh lớp 8, trường THCS Mai Hùng để hẹn nói chuyện. Khi hẹn được M., H. liền nhắn tin trên nhóm facebook rủ “ai có xe đi đánh M. không?”. Thấy H. nhắn, N.T.Y.N., học sinh lớp 8, trường THCS Quỳnh Phương và 4 người (đều là học sinh) đồng ý tham gia. Sau đó, 2 em trong nhóm rủ thêm 8 người khác (4 nam, 4 nữ) tham gia cùng. Đến khoảng 15h30, ngày 12/4/2020, nhóm của H. đã đi xe máy đến tại khu vực cầu Quỳnh Vinh, thôn 11, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai. Tại đây, Đ.T.K.H. và N.T.Y.N có chửi bới và lao vào đánh Q.T.M..

Nói về sự việc, ông Lê Hữu Trung, Chủ tịch UBND phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai cho biết, sau khi xảy ra sự việc, phía cơ quan công an đã vào cuộc để điều tra và đã xác định được các em học sinh tham gia trong vụ việc. Còn sức khỏe của em Q.T.M., học sinh bị đánh đã bình thường trở lại. Công an cũng xác định em T.T.T. (học sinh lớp 8, trường THCS Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) là người đăng tải đoạn clip lên mạng xã hội.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Thái Văn Thành, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại, các nữ sinh này đã được giao về gia đình và chính quyền địa phương xử lý, giáo dục. Bên cạnh đó, các phòng GD&ĐT tại các huyện cũng sát sao hơn, đồng thời, các nhà trường phối hợp với gia đình có những biện pháp giáo dục, răn đe, ngăn chặn những vụ việc tương tự từ phía nhà trường.

Sau khi clip đánh nhau của nữ sinh ở thị xã Hoàng Mai chưa lắng xuống, cư dân mạng lại được phen hoảng hốt khi thông tin hai nhóm nữ sinh hỗn chiến ở Thanh Hoá được đăng tải. Theo đó, cũng trong ngày 18/4, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh hơn 20 cô gái sử dụng gậy sắt, gậy gỗ lao vào đánh nhau giữa đường. Sự việc được cho xảy ra tại xã Thanh Sơn (huyện Như Xuân), nơi giáp ranh với xã Xuân Chinh (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa).

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an huyện Thường Xuân cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin sự việc trên và đang vào cuộc phối hợp xác minh làm rõ. Bước đầu, công an đã xác định được danh tính một số nữ sinh tham gia vụ việc trên.

Ông Trịnh Văn Tâm – Chánh Văn phòng sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa cho biết, Sở đã nắm được thông tin vụ việc và đã chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn tiến hành rà soát, xác định danh tính những nữ sinh tham gia để có biện pháp xử lý.

Ông La Thế Hiếu – Hiệu trưởng trường THPT Thường Xuân 2 cho biết, nhà trường đã nắm được thông tin trên mạng xã hội về 2 nhóm nữ sinh đánh nhau. Nhà trường đã làm việc với giáo viên chủ nhiệm các lớp, cho các giáo viên này xem clip để nhận dạng xem phải học sinh của mình không. Nếu phát hiện có học sinh của trường, nhà trường sẽ phối hợp với gia đình, công an và chính quyền địa phương để đưa ra biện pháp xử lý, hành vi nào vi phạm quy định pháp luật thì do chính quyền xử lý, cái gì liên quan thẩm quyền của nhà trường thì trường sẽ xử lý nghiêm.

Cũng theo ông Hiếu, ngày 21/4, sau khi học sinh đi học trở lại, nhà trường đã làm việc với các giáo viên chủ nhiệm các lớp cho học sinh của mình viết bản tự khai về những việc làm trong thời gian nghỉ dịch và cam kết không tham gia vào vụ đánh nhau trên. Ngoài ra, trong bản tự khai này cũng có mục để các em “thông tin tới nhà trường” nếu phát hiện hoặc nghi ngờ bạn nào tham gia vụ việc, nhưng không tiện nói công khai. Kết quả rà soát bước đầu đã xác định được một em nghi vấn tham gia vụ việc trên và đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ.

Thiếu “rào chắn” từ gia đình

Có thể nhận thấy, thời gian gần đây, đa số “nhân vật chính” trong clip đều là nữ sinh. Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng: “Thực ra, từ trước đã có những vụ nữ sinh đánh nhau, sử dụng bạo lực với nhau. Gần đây xu hướng bạo lực của nữ sinh tăng lên một số học sinh mà gia đình không thể làm “rào chắn” đã bị tác động bởi nhiều yếu tố nên mới xảy ra những sự việc tiêu cực như vậy”.

“Nguyên nhân sâu xa là ở nền tảng xã hội, khi người ta quá đề cao cá tính mà không kiểm soát được, rất dễ dẫn đến những tình huống “thể hiện cá tính một cách sai lầm” tương tự như vậy. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ quên trách nhiệm của gia đình, nhà trường, bỏ quên vai trò của tiết chế văn hóa và giáo dục xã hội... Để thay đổi, cần tìm ra “gốc” để sửa từ “gốc”, giải quyết bằng những chế định từ nhà trường, xã hội, và xử lý theo pháp luật. Hiện nay, vấn đề khiến chúng ta thêm phiền não, chính là trong nhiều cuộc đánh nhau, rất nhiều người có mặt nhưng không can thiệp, giúp đỡ mà chỉ đứng quay clip, tung lên mạng xã hội để câu view, câu like. Tôi cho rằng, tất cả những người tung tin sai sự thật, tung tin “nhảm nhí”, không có trách nhiệm xã hội... cần được xử lý nghiêm để làm gương”, chuyên gia Lê Thị Túy nhấn mạnh.

Chuyện học đường - Cảnh báo nạn bạo lực học đường trong nữ sinh, băn khoăn thiếu “rào chắn” và thói vô tâm (Hình 2).

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.

Theo ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, giảng viên khoa Công tác xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội, để giảm thiểu những vụ việc tương tự, cần sự quan tâm sát sao, phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh, đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm và có biện pháp quản lý học sinh sử dụng Internet, mạng xã hội. Theo đó, bản thân mỗi nhà trường cần chú ý, thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh; xây dựng có hiệu quả trường học an toàn; môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường theo quy định. Có thể tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường vào nội dung một số môn học và chương trình ngoài giờ chính khóa.

Đồng thời, nhà trường kịp thời ban hành bộ quy tắc ứng xử trong trường học phù hợp với đặc điểm cụ thể có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đúng quy định đối với học sinh vi phạm bộ quy tắc ứng xử cũng như gây ra các vụ bạo lực học đường, bảo đảm tính răn đe đối với học sinh. Mỗi nhà trường cần chủ động cao hoạt động của tổ tư vấn tâm lý, kịp thời nắm bắt các thông tin cũng như nguy cơ xảy ra các vụ bạo lực học đường để kịp thời ngăn chặn.

Rất nhiều người, trong đó có đàn ông chứng kiến cuộc ẩu đả trên nhưng không ai vào can ngăn. Clip trên được 1 người dân chứng kiến quay lại rồi đăng trên Facebook. Khi phát hiện có người quay clip, nhiều cô gái đã chửi bới, đe dọa yêu cầu tắt máy quay. Thay vì can ngăn, người quay clip còn có lời nói “ kích động để các nữ sinh tiếp tục đánh nhau.

Hằng - Tiên - Chinh

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Cuối tuần số Chủ nhật (17)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-nan-bao-luc-hoc-duong-trong-nu-sinh-ban-khoan-thieu-rao-chan-va-thoi-vo-tam-a321681.html