Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo tiến sĩ Phật học


Thứ 2, 28/11/2016 | 23:56


(ĐSPL) - Chương trình đào tạo tiến sĩ Phật học của đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến bắt đầu từ năm 2017 do Viện Trần Nhân Tông trực thuộc trường đào tạo.

(ĐSPL) - Chương trình đào tạo tiến sĩ Phật học của đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến bắt đầu từ năm 2017 do Viện Trần Nhân Tông trực thuộc trường đào tạo.

Theo tin tức trên báo Dân trí, thông tin trên được Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn đưa ra tại hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” tổ chức vào chiều ngày 27/11/2016, tại Thiền Viện Sùng Phúc Hà Nội.

Báo Vietnamnet cũng đưa tin, hội thảo trên là một trong chuỗi sự kiện chào đón lễ ra mắt và đi vào hoạt động của Viện Trần Nhân Tông, đồng thời nhằm hướng tới lễ kỷ niệm 708 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2016).

Hội thảo Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm. (Ảnh: Vietnamnet)

Mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu, đánh giá các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, phân tích, làm rõ thêm giá trị của hệ thống các di tích liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, qua đó nêu lên các quan điểm và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, Viện Trần Nhân Tông là nơi để các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước triển khai các hoạt động nghiên cứu và đào tạo không chỉ riêng về tư tưởng thiền học của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, mà còn nghiên cứu về đời Trần, về Phật học Việt Nam, Phật giáo nói chung và ảnh hưởng tới đời sống chính trị - xã hội Việt Nam.

Ông Sơn khẳng định, ĐH Quốc gia Hà Nội quyết tâm xây dựng Viện Trần Nhân Tông trở thành Viện nghiên cứu chuyên sâu, đào tạo nhân lực bậc cao về Phật học có chất lượng quốc tế. Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” được xem là một trong những hoạt động có tính chuyên môn đầu tiên và là bước tạo đà cho các hoạt động nghiên cứu đào tạo chuyên sâu tiếp theo của Viện.

Giám đốc ĐH Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết thêm, hiện nay ĐH Quốc gia Hà Nội đang chuẩn bị cho viện Trần Nhân Tông ra mắt và đi vào hoạt động chính thức trong thời gian ngắn sắp tới, phấn đấu tới giữa năm 2017, chương trình đào tạo tiến sĩ Phật học của Viện sẽ thông báo tuyển sinh. Chương trình đào tạo tiến sĩ của học viện sẽ phát huy lợi thế liên ngành và quan hệ quốc tế sâu rộng của VNU.

Ngoài định hướng đào sâu và nâng cao tri thức Phật học và các tri thức khoa học tương thông liên đới, chương trình sẽ tăng cường các định hướng nghiên cứu theo hướng giải quyết các vấn đề hiện đại, tư vấn chính sách và định hướng xã hội, cung cấp kỹ năng giải quyết các vấn đề Phật sự cho tăng ni theo kỹ năng quản trị tự viện hiện đại.

Đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam,Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tháng 11/1981, hiện có trên 50 nghìn tăng ni, trên 16 nghìn ngôi chùa, 4 học viện Phật giáo trực thuộc. Tuy nhiên suốt thời gian qua, tại Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo nào có đào tạo về nhân lực sau đại học ngành Phật học. Việc ĐH Quốc gia Hà Nội mở ra hướng đào tạo tiến sĩ Phật học là cần thiết và đáp ứng được mong mỏi của đông đảo sư tăng Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Điều 2, Luật Giáo dục năm 2005 quy định: “Mục tiêu giáo dục

Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

Nhân Văn (tổng hợp)

Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]ETO2Z6yF3s[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-dao-tao-tien-si-phat-hoc-a172037.html