Học hộ thi thuê: Sự im lặng đáng sợ của bộ GD&ĐT


Thứ 4, 29/04/2015 | 00:45


(ĐSPL) - Suốt 3 năm trời âm thầm thâm nhập vào các nhóm thi thuê, học hộ, PV báo ĐS&PL đã vạch mặt tất cả chiêu thức hết sức tinh vi trong quá trình hoạt động.

(ĐSPL) - Suốt 3 năm trời âm thầm thâm nhập vào các nhóm thi thuê, học hộ, PV báo ĐS&PL đã vạch mặt tất cả chiêu thức hết sức tinh vi trong quá trình hoạt động, giao dịch đưa người vào phòng thi của các băng nhóm thi thuê tại hơn 20 trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng cầm đầu còn móc nối với các giáo viên hám tiền, biến chất, để thực hiện trót lọt hàng loạt các lần thi trong những căn phòng được kiểm soát nghiêm ngặt, bằng thẻ từ, dấu vân tay.

Trước nguy cơ nền giáo dục bị hủy hoại bởi loại dịch vụ này, PV báo ĐS&PL đã nhiều lần liên hệ với bộ GD&ĐT để tham khảo ý kiến về giải pháp cho vấn đề này, nhưng không hiểu sao Bộ này lại im lặng một cách đáng sợ và cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin phản hồi nào. Sự im lặng đáng sợ này khiến cho dư luận đặt câu hỏi về hai chữ trách nhiệm của một bộ chủ quản về vấn đề giáo dục và đào tạo của đất nước…

Học hộ - Thi thuê vẫn hoành hành

Theo ghi nhận của PV, sau khi đăng tải loạt bài “Học hộ thi thuê và chân dung những kẻ hủy hoại nền giáo dục”, nhiều trường đại học tại Hà Nội đã sớm ban hành quy chế, kiểm tra chặt chẽ hoạt động thi cử tại hầu hết các kỳ thi do trường tổ chức. Những động thái này ít nhiều đã mang lại hiệu quả, ngăn chặn được đáng kể tình trạng thi thuê đang hoành hành tại các trường. Trên các nhóm: Học hộ & Thi hộ (hơn 12.000 thành viên); Học thuê (5.500 thành viên); Học hộ - Học thuê khắp Hà Nội (11.000 thành viên), số lượng sinh viên có nhu cầu tìm người thi thuê, học hộ mình giảm đi đáng kể.

Cuộc trao đổi giữa sinh viên và đối tượng thi thuê.

Thực tế trên các nhóm thi thuê, học hộ, lượng sinh viên có nhu cầu vào thuê người thi thuê sẽ tăng. Dân thi thuê, học hộ kháo nhau, vào những tháng cao điểm của mùa thi (thi kết thúc các môn học tại các trường ĐH) một đầu thi thuê chuyên nghiệp có thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền thực mà các đầu “cò mồi” “cắt phế”  trước khi trả cho người đi thi có thể cao hơn gấp 2, thậm chí 3 lần. Vào những ngày cao điểm, một người thi thuê phải chạy đến 5 trường ĐH, làm bài cho 5 người khác nhau, tại nhiều khoa khác nhau. Những ngày này một đầu đi thi kiếm ít nhất là 1 triệu đồng. Còn những ngày bình thường trong năm, trung bình một tuần, một đầu đi thi chỉ nhận 3-5 ca thi giữa kỳ, mỗi ca giá chỉ dao động từ 100 – 200 nghìn đồng. Còn đến lớp điểm danh, ngồi cho có mặt (gọi là học hộ), mỗi buổi được trả 50.000 đồng. Vì siêu lợi nhuận từ dịch vụ này, nhiều sinh viên ra trường, lập gia đình và cả hai vợ chồng lao vào nghề này kiếm bộn tiền.

Không chỉ hoạt động tinh vi, các ông, bà “trùm” trong lĩnh vực này còn tỏ ra hết sức manh động, sau khi những bài phóng sự đầu tiên trong loạt bài: “Điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức Học hộ - Thi thuê ở hàng loạt trường đại học” được đăng tải, một trong số các nick facebook của các nhóm phóng viên cài cắm trong các tổ chức này bị phát hiện. Nhanh chóng admin của các nhóm Học hộ - Thi thuê trên mạng xã hội truất quyền thành viên của nick này nhằm mục đích bảo mật cho các thành viên và hoạt động bí mật của mình.

Cùng thời điểm đó, nhiều nick lạ nhảy vào kết bạn, nhắn tin cho nick facebook chúng tôi bị phát hiện, với nội dung lên mặt dạy đời, rồi đe dọa... facebook có tên Cường Xu (https://www.facebook.com/cuong.xu.73?fref=ts) ban đầu nhảy vào dùng những lời mang đậm chất phật pháp để giáo huấn: “Trong phúc đã chứa sẵn mầm họa. Trong họa luôn chứa sẵn mầm phúc. Phúc càng lớn, họa càng lớn và ngược lại họa càng lớn, phúc càng lớn. Trong cái được có cái mất. Trong cái mất có cái được. Đó là tính hai mặt của phúc họa, được mất. Bạn nên biết rằng hai chữ danh và lợi làm hại tất cả người đời”.

Nhưng sau một hồi lảm nhảm mà không thấy tôi trả lời, Cường Xu hiện nguyên hình là tay anh chị có liên quan đến các đối tượng thi thuê, học hộ. Ngoài việc đăng lên face tôi tên bài phóng sự: Học viện Ngân hàng và “kỳ tích” một ngày trót lọt 3 ca thi gian lận, Cường Xu thẳng thừng đe dọa: “Nhận cả tiền lại còn viết cả báo à em. Gan em hơi bị to đấy em à... Anh không biết em là cái loại người như thế nào nữa, nhưng em cứ liệu hồn... em còn cứ ở trên mảnh đất Việt Nam này thì bọn anh sẽ không ngừng truy tìm em đâu... Cứ chờ mà xem”.

Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm còn bị cảnh báo trên toàn diễn đàn. Một facebook có tên là Tăng A Ngưu, người tự xưng là một dân thi thuê chuyên nghiệp cảnh báo các thành viên: “Các anh chị em cẩn thận, dạo này nhà báo làm ác lắm. Chính tôi suýt bị nhà báo cho vào tròng”.

Khi được nhiều thành viên hỏi về lai lịch các nhà báo đang mật phục trong các hội, Tăng A Ngưu cảnh giới: “Nếu ông bạn muốn biết nó như thế nào, thì cứ đăng tin lên rồi ông bạn sẽ biết. Thôi nốt môn TCDN1 nữa là mình cũng nghỉ. Out nhóm cho lành. Đau tim lắm rồi. 1,5 năm tù treo + 15 triệu đồng tiền phạt. Muốn biết chi tiết thì hỏi vụ 20 ông KTQD bị đuổi 1 năm + 3 ông ra phường nhé”.

Sự im lặng khó hiểu

Trước thực tế đáng báo động này, bản báo đã có công văn gửi bộ GD&ĐT yêu cầu trả lời về vấn nạn học hộ, thi thuê đang hoành hành tại khắp các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhưng Bộ chưa có lời phúc đáp. Thậm chí, khi PV liên hệ cán bộ chuyên trách cũng khất lần khất lượt. Cho đến nay, đã hơn 3 tháng kể từ ngày công văn được gửi đi, bộ GD&ĐT vẫn im lặng đến lạ thường.

PV báo ĐS&PL trong một lần theo dõi đường dây học hộ thi thuê.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ vụ Giáo dục Đại học sau khi nhận được câu hỏi của phóng viên gửi qua mail, ông cho biết, ông đã chuyển mail cho ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng để trả lời, tuy nhiên PV nhiều lần liên lạc với ông Trần Anh Tuấn nhưng không được.

Trước sức ép của dư luận, cuối cùng một cán bộ chuyên trách có liên lạc với chúng tôi cho biết, lãnh đạo bận họp hết rồi, nếu báo có hỏi gì thì gửi trước câu hỏi để chúng tôi thu xếp trả lời. Trước tình hình hết sức cấp bách, cần Bộ có ý kiến và đưa ra một giải pháp tối ưu, chúng tôi lập tức gửi những câu hỏi vào mail của cán bộ này. Thế nhưng, những ngày sau đó, chúng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Bộ GD&ĐT lại khất lần khất lượt?.

Đến sáng ngày 23/4, PV tiếp tục liên lạc hỏi về câu trả lời từ phía Bộ và lại được họ khất đến ngày mai sẽ có?

PV báo ĐS&PL sẽ tiếp tục phản ánh khi có phản hồi mới nhất từ phía bộ GD&ĐT.      

SA HÀ - DIỆU NAM

Xem thêm video: Ẩu đả tại nhà trọ học sinh, 1 người chết, 1 người bị thương

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-ho-thi-thue-su-im-lang-dang-so-cua-bo-gddt-a92548.html