Ngày 20/11: Chân dung người thầy, nhà giáo nhân dân 95 tuổi


Thứ 6, 14/11/2014 | 05:06


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tối qua (13/11), tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm và trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú 2014.

(ĐSPL) - Tối qua (13/11), Giáo sư Lê Quang Long vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân ở tuổi 95.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tối qua (13/11), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm và trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2014.
Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tích nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch TƯ MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cùng đại điện lãnh đạo các bộ ban ngành TƯ, các thế hệ nhà giáo cùng các nhà giáo tiêu biểu được trao tặng danh hiệu.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời chúc 20/11 tới toàn thể các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và trao trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 39 thầy, cô giáo. Đồng thời, gửi lời chúc mừng tới 680 thầy, cô giáo trên cả nước được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2014.
Trong số 39 Nhà giáo Nhân dân được phong tặng năm nay, Giáo sư Lê Quang Long (95 tuổi) là người cao tuổi nhất.
Chuyện học đường - Ngày 20/11: Chân dung người thầy, nhà giáo nhân dân 95 tuổi

GS Lê Quang Long nhận danh hiệu từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. (Ảnh: Vietnamnet).

Với đất nước Việt Nam chúng ta, GS.TS Lê Quang Long là người thầy tiêu biểu trong thế hệ giáo viên đầu tiên ở các cấp trung học dưới chế độ mới. Những cựu học sinh của thầy Lê Quang Long tại các trường trung học sau này đều trở thành những nhà hoạt động chính trị, xã hội, quân sự và khoa học, nhà giáo dục thành đạt.
Với đào tạo đại học, Thầy cũng là thế hệ giảng viên đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – đào tạo nên thế hệ các nhà Sinh học Việt Nam đầu tiên. Nhiều sinh viên của thầy đã trở thành những nhà khoa học Sinh học đầu ngành, công tác tại những trung tâm khoa học lớn của đất nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam…
Là học trò của GS Lê Quang Long, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn (Trưởng khoa Sinh học – trường Đại học Sư phạm Hà Nội), kể lại: "Được thầy dạy dỗ trực tiếp, vô cùng ấn tượng với cuốn sách đầu tiên mà tôi đã học được từ thầy: Hóa điện phản xạ và trí nhớ. Tôi không rõ đấy là giáo trình khoa học hay là tác phẩm nghệ thuật, bởi tính hấp dẫn, cách giải thích đơn giản nhưng rất sâu sắc làm cho sinh viên chúng tôi thấy nội dung khó học nhất là về môn thần kinh học lại trở thành nội dung học hấp dẫn nhất, dễ học và dễ nhớ nhất.
Có lẽ một phần cũng vì tài năng dạy học của thầy, thầy giảng thì thú vị đến nỗi chúng tôi chỉ biết nghe, nghe đến say mê mà quên cả ghi chép bài.
Tôi học thầy cũng đã 41 năm rồi (vào những năm 1972 – 1973), thế mà đến giờ vẫn còn nhớ những ví dụ thầy dạy: Tại sao ion K lại đi qua màng tế bào dễ hơn ion Na – bởi thầy dạy tôi, giống như hai người, một béo, một gầy tranh nhau đi qua một cái cửa hẹp. Anh gầy bé – nhẹ nhàng có ưu thế, còn anh to béo tranh mãi mà vẫn bị mắc lại. Và cứ những ví dụ như vậy, chúng tôi mới hiểu nguyên lý của dẫn truyền xung thần kinh là thế nào.
Do vậy, với chúng tôi đã 30 – 40 năm đi dạy học, cho dù bây giờ người ta nói nhiều tới đổi mới phương pháp dạy học thì cách dạy của thầy và dạy được như thầy vẫn là điều mơ ước".
Tính từ năm 1970 đến nay, ông đã viết gần 100 đầu sách, chỉ riêng trong những năm về hưu gần đây, đã viết trên 50 đầu sách, trong đó có các Giáo trình đại học và chuyên đề sau đại học, nhiều sách tham khảo và phổ biến về Sinh học. Về khoa học cơ bản, công trình đáng nói nhất của Thầy là cuốn Hoá điện phản xạ và trí nhớ xuất bản năm 1973 và được tái bản năm 2003.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch hội Các ngành Sinh học Việt Nam, là học trò của GS Long, cho biết: "Ít có ai biết đến 8 ngoại ngữ như Thầy vì vậy Thầy đã dịch khá nhiều sách từ ngoại ngữ sang tiếng Việt và ngược lại. Thầy còn đi dạy học ở Châu Phi và tham dự nhiều Hội nghị khoa học quốc tế".
Trong thời gian công tác, GS Long là một trong những nhà khoa học đã nêu gương trong việc áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống, như góp phần nâng cao sản lượng cá rô phi, thụ tinh nhân tạo cho lợn, đặc biệt còn tham gia 3 đề tài nghiên cứu “tuyệt mật” của Bộ Quốc phòng. Ông đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương của Nhà nước, của ngành Giáo dục và nghiên cứu khoa học nhưng lớn hơn cả vẫn là sự cảm phục, ngưỡng mộ của đông đảo mọi người.
Có người gọi ông là "vị giáo sư không có tuổi già", còn đối với GS Nguyễn Khắc Phi, một người em thân thiết với GS Long lại nói như thế này: "Anh Lê Quang Long là người như vậy đó! Luôn giữ ngọn lửa trong trái tim mình và luôn muốn tiếp lửa cho bao thế hệ học trò; luôn ủ ấp hi vọng đẹp đẽ và luôn muốn truyền niềm hi vọng bất diệt ấy cho bao thế hệ trẻ.
Chính ngọn lửa ấy, niềm hi vọng ấy đã làm cho sức xuân còn mãi ở trong anh!"

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-2011-chan-dung-nguoi-thay-nha-giao-nhan-dan-95-tuoi-a69055.html