Cuộc sống của du học sinh nghèo trong mùa dịch: Không nơi ở, không trợ cấp, đi ăn xin


Thứ 3, 28/04/2020 | 11:08


Nhiều du học sinh và sinh viên nhập cư thiếu giấy tờ không được nhận trợ cấp từ khoản ngân sách 6 tỷ USD.

Dù chính phủ Mỹ đã có những can thiệp kịp thời để giúp đỡ các sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tuy nhiên du học sinh và sinh viên nhập cư thiếu giấy tờ không được nhận trợ cấp từ khoản ngân sách 6 tỷ USD.

"Giấc mơ Mỹ" của du học sinh sụp đổ vì Covid-19. 

Khi mọi trường học đóng cửa vì dịch Covid-19, nhiều du học sinh ở Mỹ không biết sống nơi đâu hoặc liệu họ có được quay trở lại lớp học hay không. Những sinh viên năm cuối còn không được dự một lễ tốt nghiệp tử tế.

Trước cơn khủng hoảng dịch Covid-19, nhiều gia đình giàu có đưa con cái về nước trước lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, còn nhiều bạn trẻ kém điều kiện hơn, sống tại ký túc xá nhiều năm qua hiện phải lặn lội tìm nhà để thuê, theo New York Times.

Không chỉ vậy, vấn đề tài chính của các du học sinh ngày càng trở nên khó khăn. Vốn dĩ khoản tiền học mà họ phải trả cao hơn nhiều so với sinh viên quốc tịch Mỹ.

Nguồn thu nhập của nhiều bạn trẻ cũng mất trắng do nhiều nơi làm thêm đóng cửa do dịch bệnh. Một số người phải tới những nơi phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo để xin thực phẩm.

Ngoài ra, những du học sinh kịp trở về quê hương trước lệnh phong tỏa cũng không chắc có được quay trở lại Mỹ để học tiếp không.

Anna Scarlato, một sinh viên người Italy ở Đại học Chicago (Mỹ), hoảng hốt khi nhận tin phải rời khỏi ký túc xá. Không biết phải đi đâu, cô đành dọn sang ký túc xá của bạn trai ở một trường đại học khác. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, trường của bạn trai Anna cũng đóng cửa.

Trước tình thế khó khăn này, đôi bạn trẻ phải tìm thuê được một phòng nhỏ trong một căn hộ ở Chicago. Nhưng phụ huynh Anna chẳng thể tới ngân hàng để gửi cô tiền thuê nhà do quê hương Italy của cô cũng phong tỏa. Trong phút chót, mẹ của bạn trai Anna mua giúp cô một vé máy bay về California sống cùng gia đình bà.

“Giấc mơ Mỹ” không chỉ sụp đổ với các du học sinh mà còn với nhiều người lao động khác.

Nhiều người trẻ đang làm việc ở New York đã phải rời đi. Một trong số đó là Em Bartlett, giám đốc marketing người Úc đã sống và làm việc ở New York được 9 năm. Cô thừa nhận quyết định rời đi rất đau lòng nhưng cô cảm thấy nhẹ nhõm khi được trở về Úc. Em Bartlett vô cùng lo lắng cho những người bạn của cô ở New York, đã và đang có biểu hiện bệnh.

Những người có thể rời đi thì buộc phải làm việc xuyên đêm vì chênh lệch múi giờ với Mỹ để bắt kịp tiến độ công việc của đồng nghiệp.

Clare Rawlinson, 33 tuổi, nhà sản xuất podcast, cùng với người yêu và 2 người bạn cùng nhà khác đã đáp chuyến bay trở về Úc từ New York.

Cả 4 người buộc phải làm việc từ 3-5h  để phục vụ công việc ở New York.

Thanh Tùng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-song-cua-du-hoc-sinh-ngheo-trong-mua-dich-khong-noi-o-khong-tro-cap-di-an-xin-a321212.html