Gần 200 đại học công bố điểm chuẩn năm 2019: Trường nào có điểm chuẩn cao nhất?


Thứ 3, 13/08/2019 | 04:21


Cùng sự kiện

Trong khi nhiều trường đại học tốp đầu lấy điểm chuẩn từ 24-28 điểm thì đa số trường đại học ở địa phương lại có mức điểm chuẩn rất thấp chỉ từ 13 – 15 điểm.

Trong khi nhiều trường đại học tốp đầu lấy điểm chuẩn từ 24-28 điểm cho 3 môn thi THPT quốc gia thì nhiều trường đại học ở địa phương lại có mức điểm chuẩn rất thấp, chỉ từ 13 – 15 điểm.

Thí sinh TP HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Vnexpress.

Hiện tại, có khoảng gần 200 trường đại học đã công bố điểm chuẩn vào trường năm 2019. Xét theo ngành nghề, Công nghệ thông tin, Y khoa, Kinh tế của những đại học có tên tuổi vẫn thu hút học sinh, điểm trúng tuyển dao động 24 đến 27,42.

Các trường khối quân đội, công an điểm chuẩn thấp hơn năm ngoái và có sự chênh lệch lớn giữa các trường cũng như các ngành.

Năm nay, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn đầu về điểm chuẩn năm 2019. Điểm chuẩn vào khoa Đông Phương học của trường, thí sinh thi khối C00 (Văn, Sử, Địa) là 28,5 điểm.

Khoa Luật (Đại học Kiểm sát Hà Nội) lấy 28 điểm, cao thứ hai cả nước và chỉ tuyển thí sinh nữ khối C00 từ Quảng Bình trở ra Bắc. Còn thí sinh nữ từ Quảng Trị trở vào Nam có điểm đầu vào thấp hơn - 25,25, trong đó Văn phải từ 7,5 trở lên.

Tiếp đến, khoa Khoa học máy tính (Đại học Bách khoa Hà Nội) có mức điểm chuẩn cao thứ ba với 27,42 khối A00 (Toán, Lý, Hóa). 54 ngành, chương trình đào tạo của trường đều lấy từ 20 điểm trở lên, cao hơn năm ngoái 2 điểm.

Khoa Luật kinh tế (Đại học Luật Hà Nội) lấy 27,25 điểm cho ba môn khối C00, đứng thứ tư trong top điểm chuẩn cao nhất cả nước năm nay, tăng 0,75 so với năm 2018.

Các ngành có điểm chuẩn cao là ngành Y đa khoa, cao nhất  là Y khoa của Đại học Y Hà Nội lấy 26,75 điểm; kế tiếp là Y khoa của Đại học Y dược TP HCM lấy 26,7.

Trong khi đó nhiều trường đại học ở địa phương lại có điểm chuẩn khá thấp. Cụ thể, 8/11 khoa, trường của Đại học Thái Nguyên; 3/11 khoa, trường của Đại học Huế lấy chuẩn là 13-13,5, trung bình mỗi môn thí sinh chỉ cần đạt 4,5 điểm.

Nhóm đại học địa phương như Quảng Nam, Xây dựng miền Trung, Xây dựng miền Tây, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang... trừ sư phạm phải lấy theo điểm sàn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ngành còn lại đều lấy 13-14 điểm.

Theo báo Tuổi Trẻ, nguyên nhân tụt điểm chuẩn của một số trường trong khi đề thi năm nay được nhiều thí sinh cho là dễ thở là do chỉ tiêu được xác định lớn, do "khát" về tài chính, do sự cạnh tranh nguồn tuyển sinh, do xu hướng tự chủ thoát khỏi sự kiểm soát của Nhà nước, do hệ thống các trường nghề chưa đủ sức thu hút người học để có thể lập thân lập nghiệp trong tương lai.

Điểm chuẩn là tổng điểm ba môn thi THPT quốc gia theo tổ hợp xét tuyển với thang 30, một số ngành thi Ngoại ngữ, Năng khiếu nhân hệ số 2, thang 40. Khối công an kết hợp cả học bạ, điểm thi THPT quốc gia; trường Luật TP HCM xét học bạ, thi đánh giá năng lực và điểm thi THPT quốc gia, quy về thang 30.

Điểm chuẩn đã tính cả điểm cộng ưu tiên khu vực (nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú) và đối tượng (con thương binh, liệt sĩ, người dân tộc thiểu số...).

Theo kế hoạch tuyển sinh, trước 17h ngày 9/8, các trường sẽ công bố điểm chuẩn đợt 1, thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trước 17h ngày 15/8. Nếu chưa đủ chỉ tiêu, các trường xét tuyển bổ sung vào ngày 28/8.

Thanh Tùng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gan-200-dai-hoc-cong-bo-diem-chuan-nam-2019-truong-nao-co-diem-chuan-cao-nhat-a288479.html