Góc tối của trường ĐH “thoi thóp” tuyển sinh kiểu “vơ bèo vạt tép”


Thứ 7, 24/08/2019 | 01:03


Cùng sự kiện

Bên cạnh những trường đại học có điểm chuẩn xét tuyển cao chót vót, nhiều trường chỉ cần chưa đến 5 điểm/môn là trúng tuyển.

Bức tranh tuyển sinh đại học 2019 xuất hiện những “màu buồn” về chất lượng thí sinh. Bên cạnh những trường đại học với điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển điểm thi THPT Quốc gia cao chót vót, có những trường chỉ cần chưa đến 5 điểm/môn là trúng tuyển hầu hết các ngành.

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh minh họa

Tình trạng “thoi thóp” đã kéo dài?

Theo số liệu thống kê của bộ GD&ĐT về bức tranh tuyển sinh đợt I năm 2019, khoảng 49% đơn vị tuyển sinh có số thí sinh trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Có 26% đơn vị tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% đơn vị không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo.

Theo đó, với 334 mã trường xét tuyển từ điểm thi THPT Quốc gia 2019, có khoảng hơn 20 trường không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo.

Năm nay, nhiều trường đại học như đại học Lâm nghiệp, đại học Phương Đông và một số trường đại học địa phương có chút cải thiện so với năm ngoái nhưng điểm chuẩn vẫn rất thấp.

Có thể điểm qua một số trường đại học lấy điểm chuẩn chỉ từ 13-14 điểm, tức là chưa đến 5 điểm/môn đã có thể trở thành tân sinh viên đại học. Cụ thể, chỉ với 14 điểm/3 môn, thí sinh có thể tự tin đỗ hầu hết các ngành trường đại học Lâm nghiệp. Đại học Phương Đông cũng lấy điểm chuẩn xét tuyển kết quả thi THPT Quốc gia là 14 điểm.

Phân hiệu đại học Thái Nguyên tại Lào Cai lấy điểm chuẩn tất cả các ngành từ 13- 13,5, trung bình mỗi môn thí sinh chỉ cần đạt 4,5 điểm là đỗ. Phân hiệu đại học Huế tại Quảng Trị, đại học Khoa học (đại học Huế), đại học Nông lâm (đại học Huế) đều lấy điểm chuẩn từ 13-15 điểm.

Điểm chuẩn đại học Hải Dương, đại học Xây dựng miền Trung, đại học Xây dưng miền Tây đều ở mức 13 điểm. Đại học Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) lấy điểm chuẩn tất cả các ngành là 13,5 điểm.

Đại học Bạc Liêu, đại học Phan Thiết, đại học Công nghệ Sài Gòn, đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh (Hưng Yên) đều lấy điểm chuẩn là 14 điểm.

Trường đại học Quảng Nam đào tạo 13 ngành hệ đại học chính quy thì chỉ có 6 ngành đào tạo sư phạm với điểm chuẩn bằng đúng điểm sàn quy định của bộ GD&ĐT, trong khi 7 ngành đào tạo cử nhân còn lại đều lấy 13 điểm. Đặc biệt, mức điểm chuẩn này đã bao gồm cả điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng. Như vậy, với mức điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng cao nhất mà thí sinh được hưởng là 2,75 điểm thì chỉ cần đạt 10,25 điểm/3 môn là đã trúng tuyển.

Đáng nói, tình trạng “thoi thóp” trên của một số trường đại học đã bắt đầu từ vài năm trở lại đây. Có thể kể đến, đại học Kinh tế công nghiệp Long An, điểm chuẩn năm 2019 hầu hết các ngành là 14 điểm, điểm chuẩn năm 2018 cũng hầu hết ở mức 13-14 điểm. Đại học Hải Dương, điểm chuẩn năm 2018 hầu hết các ngành ở mức 13-14 điểm, còn điểm chuẩn năm 2019 đối với các ngành là 13 điểm.

Mức điểm chuẩn mà các trường đại học công bố đã tính cả điểm cộng ưu tiên khu vực (nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú) và đối tượng (con thương binh, liệt sĩ, người dân tộc thiểu số...).

Tự hạ thấp đẳng cấp, đưa mình vào “chỗ chết”?

Theo đánh giá của vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT, đề thi THPT Quốc gia 2019 đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông. Phân tích phổ điểm cho thấy đề có độ phân hóa tốt. Nếu căn cứ vào tỉ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay 13 điểm chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018.

Qua đó, có thể nói, với mức điểm chuẩn chỉ 13 điểm hay 13,5 điểm thì năng lực của thí sinh chưa đạt được mức kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng trường đại học Phạm Văn Đồng, nguyên nhân dẫn đến việc các trường đại học địa phương hiện nay khó tuyển sinh, chưa hẳn là do chất lượng đào tạo không tốt:

“Đa số thí sinh có điểm cao thường chọn những trường ở các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp, các em ở lại đó công tác. Vì vậy, các trường đại học ở địa phương, sẽ mất đi một nguồn tuyển sinh, có lẽ vì vậy phải hạ tiêu chuẩn xuống”.

Bày tỏ quan điểm trước bức tranh tuyển sinh năm nay, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Để đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên, trường đại học không chỉ phụ thuộc quá trình đào tạo mà ở toàn bộ quá trình, từ khi sinh viên vào trường, thậm chí trước khi vào trường, đồng thời phải theo dõi sinh viên đến cả sau khi tốt nghiệp. Nói vậy để thấy được rằng, muốn có được chất lượng cử nhân tốt thì phải đảm bảo tất cả các khâu phải tốt!

Theo ông, hiện nay, trường đại học Bách khoa Hà Nội rất tích cực trong công tác truyền thông, tuyển sinh nhưng không chạy theo số lượng: “Tất nhiên, phải đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh và đạt mục tiêu nhất định, nhưng đại học Bách khoa Hà Nội luôn luôn đặt số lượng xuống hàng thứ hai mà mục tiêu chính của trường là phải chọn những sinh viên có chất lượng tốt”.

Chia sẻ thêm về hiện tượng “hạ mình” tuyển sinh hiện nay, PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết: “Bên cạnh một số trường đại học chú trọng chất lượng sinh viên, cũng có một số trường tuyển sinh được sinh viên rất khó, mà tuyển sinh đủ lại càng khó, nên mới dẫn đến câu chuyện “vơ bèo vạt tép”, thậm chí gửi giấy báo trúng tuyển nhập học đến cả những thí sinh không đăng ký nguyện vọng.

Các trường đại học nếu không tuyển sinh được thì hãy nghĩ đến việc tái cấu trúc, tăng cường đầu tư, tăng cường đội ngũ, sáp nhập thậm chí đi đến mức cực đoan là giải thể. Nếu chỉ lo tuyển sinh “bất chấp” cho đủ số lượng thì không thể tồn tại lâu bền được”.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cho biết: “Đối với việc đưa ra điểm chuẩn xét tuyển quá thấp thì tất nhiên chất lượng đầu vào sẽ thấp. Tuy nhiên, để đánh giá, còn tùy thuộc vào phương pháp và trình độ đào tạo của từng trường đại học.

Chẳng hạn, nếu trường đó có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thật tốt, đảm bảo chất lượng đầu ra, cử nhân có đủ năng lực, trình độ để làm việc thì không có gì đáng nói. Còn nếu như song hành với việc “vơ vét” để có thật nhiều sinh viên mà không có biện pháp để nâng cao chất lượng đầu ra, không đảm bảo thì hoàn toàn không thể được”.

Theo TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cho rằng, việc đánh giá điểm chuẩn cao hay thấp phải dựa trên phổ điểm. Nếu điểm 13-14 chiếm khoảng 50% thí sinh đăng ký xét tuyển thì được đánh giá là rất thấp. Điểm 13-14 là đạt mốc thấp nhất.

“Tùy theo thương hiệu của các trường đại học để đưa ra điểm chuẩn. Những trường đại học thuộc top trên vẫn lấy điểm chuẩn cao, còn những trường đại học nằm top dưới lại chọn điểm thấp, vừa với “mức sàn” của bộ GD&ĐT của những năm trước. Việc những trường đại học đưa mức điểm chuẩn xét tuyển thấp chính là thể hiện “tự hạ thấp” đẳng cấp của trường”, TS. Lê Viết Khuyến phân tích.

Nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học cũng bày tỏ: “Bộ GD&ĐT cũng nên đưa ra ràng buộc về chất lượng đầu ra đối với các trường đại học lấy điểm chuẩn thấp để đảm bảo chất lượng tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo nhân lực”.

Hiện nay, việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Bộ GD&ĐT chỉ có vai trò giám sát, định hướng. Chính vì vậy, các trường lấy điểm chuẩn thấp, bộ GD&ĐT không có quyền can thiệp mà chỉ khuyến cáo các trường cân nhắc trong việc quyết định chính sách chất lượng của trường mình. Xác định điểm quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống.

Cẩm Mịch

Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 33

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/goc-toi-cua-truong-dh-thoi-thop-tuyen-sinh-kieu-vo-beo-vat-tep-a290047.html