Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT: Nên hay không?


Thứ 6, 23/10/2015 | 00:29


(ĐSPL) - Mới đây, dự thảo Chương trình GDPT tổng thể đưa môn học lịch sử thành “môn tự chọn” ở bậc THPT còn dưới bậc THPT, môn sử sẽ là môn học tích hợp trong môn KHXH.

(ĐSPL) - Mới đây, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa môn học lịch sử thành “môn tự chọn” ở bậc THPT (cấp III) còn dưới bậc THPT, môn sử sẽ là môn học tích hợp trong môn khoa học xã hội.

Vấn đề này đã đẩy sự lo ngại bấy lâu nay của xã hội về vấn đề dạy và học môn lịch sử. Và hơn cả, dư luận đang lo ngại việc đưa môn lịch sử vào môn học tự chọn sẽ gây ra những hệ quả khó lường cho nhiều thế hệ học sinh tương lai...

Thí sinh ngại học sử, lỗi thuộc về ai?

Tại sao lịch sử lại chỉ là môn học thứ yếu?

Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được bộ GD&ĐT lấy ý kiến, bên cạnh những ý kiến đánh giá tích cực về việc xác định chương trình trọng điểm cho học sinh, thì vẫn còn những ý kiến trái chiều. Theo dự thảo, hệ thống các môn học được thiết kế tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.

Theo dự thảo cho thấy, Lịch sử và Địa lý chỉ tách thành môn học độc lập ở cấp THPT, còn cấp tiểu học và trung học cơ sở thì các môn này được lồng ghép vào môn học “Cuộc sống quanh ta” (các lớp 1, 2, 3), “Tìm hiểu xã hội” (các lớp 4, 5) và “Khoa học xã hội” (cấp trung học cơ sở). Ở bậc THPT, ngoài 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Công dân với Tổ quốc thì học sinh được chọn 3 đến 4 môn tự chọn trong tổng số 11 môn.

Lịch sử là 1 trong số 11 môn này. Với học sinh định hướng khoa học tự nhiên, các em sẽ không bắt buộc học Lịch sử ở bậc THPT mà chỉ học lồng ghép trong môn Khoa học xã hội và cũng chỉ học ở lớp 10 và 11. Không biết con số hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử ở các kỳ thi quốc gia, cả một hội đồng thi chỉ có một thí sinh chọn Lịch sử hay việc học sinh nhận định rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em mà báo chí vẫn phản ánh có làm cho những nhà soạn thảo tính toán đến không?

Trước khi đi đến những vấn đề nóng của việc dạy và học Lịch sử cần nhớ đến con số sửng sốt cả nước tại kỳ thi tuyển sinh năm 2011. Năm đó, với 98\%, thậm chí có địa phương đến 99\% thí sinh bị trượt môn sử, thậm chí có hằng hà sa số thí sinh bị điểm 0.

Từ đó đến nay, với nhiều góp ý phản biện của các nhà khoa học, báo chí và các chuyên gia, nhưng việc dạy và học môn Lịch sử không có nhiều dấu hiệu khả quan. Nguyên nhân dẫn đến việc học và dạy môn lịch sử được viện ra rất nhiều nhưng nguyên nhân lớn nhất khiến lịch sử trở thành gánh nặng cho cả người học vẫn là bài toán khó giải.

Đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, bộ GD& ĐT quy định ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ Văn, thí sinh được quyền lựa chọn 2 môn thi trong số các môn thi: Ngoại Ngữ, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, Địa Lý, Lịch Sử. Được quyền lựa chọn 2 trong số 4 môn thi nên ở tất cả các trường THPT đều xảy ra tình trạng chênh lệch số lượng thí sinh đăng ký dự thi giữa các môn xã hội và môn tự nhiên.

PGS.TS Nguyễn Duy Bính, Trưởng bộ môn Sử Việt Nam, trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Không bắt buộc sẽ là một “thảm họa”?

PGS.TS Nguyễn Duy Bính cho biết: “Cả khoa Lịch sử của trường ĐH Sư phạm HN đã lên bộ GD&ĐT ý kiến về vấn đề này. Quốc sử, sử Việt Nam là phải bắt buộc học trong chương trình học phổ thông, không bắt buộc sẽ là một “thảm họa”, có tội đối với đất nước, với dân tộc. Vì sao?. Mỹ, các nước phương Tây phát triển, Nhật Bản, Canada... quốc sử còn là môn thi bắt buộc chứ không chỉ là bắt buộc học trong chương trình giáo dục.

Nếu tích hợp môn Sử với các môn khác ở bậc học dưới và là một môn học tự chọn ở cấp 3 theo dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” thì coi như là khai tử môn Sử luôn. Lịch Sử là một môn khoa học và còn mang tính chính trị. Một đất nước mà trong lịch sử luôn phải đối mặt với hoạ xâm lăng, thù trong giặc ngoài nếu không giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc thì sẽ là có tội với tương lai dân tộc.

Thực tế đã chứng minh, môn Ngoại ngữ cũng đã được là môn tự chọn cho học sinh vậy có bao nhiêu em chọn học môn Ngoại ngữ và bao nhiêu em sau 12 năm học phổ thông nói được một ngoại ngữ. Hàn Quốc cũng đã từng “tích hợp” môn học nhưng Hàn Quốc cũng đã bỏ rồi.

GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam: Cần sự nghiên cứu có trách nhiệm

"Cá nhân tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi học sinh sẽ bỏ môn Sử, Địa và chọn các môn tự nhiên. Nhưng ở phương diện khác, tôi nhấn mạnh, cách đổi mới của Bộ sẽ làm cho môn Sử nói riêng và các môn xã hội nói chung bị hạ thấp, coi đó là những môn phụ. Học sinh xác định không thi môn Sử sẽ không học môn này.

Hiện chúng ta chưa thực hiện phân ban, cấp trung học phổ thông vẫn yêu cầu phải giáo dục toàn diện. Chúng ta hình dung như thế nào nếu học sinh lớn lên trở thành công dân mà hiểu biết về sử mờ mịt, thiếu hệ thống và thiếu căn bản? Từ đó không chỉ thiếu kiến thức mà còn liên quan đến vấn đề tính cách, ý thức công dân, dân tộc, theo tôi vấn đề này hết sức cơ bản và cần có sự nghiên cứu có trách nhiệm”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Nếu không thay đổi, dù có là môn bắt buộc, học sinh cũng không thể yêu Sử

Môn Lịch sử là kiến thức nền tảng, phải được “ngấm” chứ không phải là học vẹt, phải thay đổi, để học sinh thể hiện chính kiến thay vì nhớ sự kiện. Nếu không thay đổi, dù có là môn bắt buộc, cũng không thể bắt học sinh yêu và hiểu Lịch sử. Với tầm quan trọng của môn Lịch sử, nên bố trí môn này theo cách học cuốn chiếu, đủ điểm thì mới được lên lớp như cách nhiều nước vẫn áp dụng. Tuy nhiên, không nên trải dài cả 12 năm vì nên để học sinh tập trung vào những môn phù hợp định hướng nghề nghiệp, năng lực trong những năm cuối bậc THPT”.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Sử, trường chuyên Phan Bội Châu, Vinh, Nghệ An: Dự thảo bộc lộ rất nhiều bất cập.

Thầy Hiếu cho biết: “Với góc độ là một giáo viên Sử ở bậc THPT khi được xem kỹ bản Dự thảo này, với cách nhìn nhận của cá nhân tôi thì đó là một Dự thảo bộc lộ rất nhiều sự bất cập, rất cần sửa chửa và bổ sung. Đổi mới là tất yếu và phù hợp với xu thế nhưng không có nghĩa là bê nguyên xi hay “nhào nặn” những cái từ nước ngoài vào trong điều kiện, hoàn cảnh của nền giáo dục còn có nhiều sự khác biệt. Đổi mới không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn tất cả những gì mà chúng ta đã làm được để bê vào đó một cái xa lạ.

Về mặt thuật ngữ, khái niệm, trong Dự thảo này đã diễn đạt nhiều câu không chặt chẽ và phức tạp, dễ gây tranh cãi và hiểu sai. Ban thường trực soạn thảo Dự thảo đã không minh bạch hóa được các vấn đề về cái gọi là các môn học “bắt buộc” và “tự chọn”, giữa “tích hợp” bên dưới với “phân hóa” bên trên.

Thứ hai, tôi hoàn toàn phản đối Dự thảo về môn Sử sẽ là “môn tích hợp” trong bộ môn KHXH trong chương trình THCS. Thứ ba, tôi muốn biết và cần biết: Ban soạn thảo ra Dự thảo này là bao nhiêu người, bao gồm những ai, cần có danh tính cụ thể và công khai trên phương tiện truyền thông để chúng tôi có thể phản biện đúng người, đúng việc và đúng trách nhiệm.

Trước “trấn an” của đại diện bộ GD&ĐT về những ý kiến lo lắng học sinh sẽ hổng kiến thức nước nhà nếu thực hiện theo kiến nghị. Tôi cho rằng, đây chắc chắn là một lời giải trình và biện minh của một thành viên trong Ban soạn thảo Dự thảo. Mỗi môn học đều có vai trò và vị trí quan trọng trong việc cung cấp các kiến thức phổ thông.

Xét về góc độ khoa học,  không có chuyện là môn chính hay phụ. Lịch sử là một môn học đặc thù và đó phải là một môn học không thể “tích hợp” và tôi phản đối việc Dự thảo này trong vấn đề “tích hợp” môn Sử. Trong nội dung và chương trình sách giáo khoa môn Sử ở nhiều nước tiên tiến, Lịch Sử là môn học bắt buộc từ phổ thông đến đại học. Lẽ nào, nền giáo dục của các nước đó lại kém hơn nền giáo dục của Việt Nam sao?

  Lại Cường – Đỗ Thơm

Xem thêm video tin tức:

[mecloud] lAbR21JghK[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lich-su-la-mon-hoc-tu-chon-o-bac-thpt-nen-hay-khong-a116113.html