Nghịch lý toán học ở Việt Nam: Học chỉ để... đếm tiền


Thứ 6, 30/05/2014 | 11:27


Ngành toán đang đối mặt khủng hoảng nhân lực nhưng toán học thiếu sự gắn bó với đời sống, môn toán kém hấp dẫn với học sinh - sinh viên…

Ngành toán đang đối mặt khủng hoảng nhân lực nhưng toán học thiếu sự gắn bó với đời sống, môn toán kém hấp dẫn với học sinh - sinh viên… là những nội dung được đề cập trong cuộc tọa đàm “Toán học, cơ hội và thách thức”.

Nghịch lý toán học ở Việt Nam: Học chỉ để... đếm tiền
“Tái cấu trúc” nguồn nhân lực toán nhưng tình hình không chuyển biến khi thực tế môn toán trong các nhà trường thiếu hấp dẫn. 

Những nghịch lý

GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán cho rằng, hiện ngành toán đang đối mặt với khủng hoảng thiếu nguồn lực. Không chỉ thiếu những nhà toán học uy tín, tên tuổi mà còn thiếu về số lượng những người làm toán chuyên nghiệp. Thực trạng này vừa là nguyên nhân và cũng là hệ quả của những nghịch lý trong lĩnh vực giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu toán học hiện nay.

Nghịch lý đầu tiên, trong khi ở các nước công nghiệp phát triển, những người tốt nghiệp ĐH ngành toán rất “đắt hàng” khi đi xin việc thì ở ta hàng loạt cử nhân ngành toán thất nghiệp.

Nghịch lý thứ hai, có thể xin được học bổng ở trường ĐH danh tiếng, có cơ hội được học với những thầy giỏi bậc nhất thế giới, nhưng không dễ tìm được người để giới thiệu đi học.

Một nghịch lý nữa, ở Mỹ cũng như nhiều nước châu Âu, chỉ khoảng 1/4 số tiến sĩ ngành toán được nhận vào giảng dạy trong các trường ĐH (số còn lại làm cho các doanh nghiệp) thì ở ta, cứ có bằng tiến sĩ toán là các trường ĐH nhận ngay!

PGS Bùi Xuân Hải, Khoa Toán Tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng nêu thực trạng khủng hoảng thiếu nhân lực chất lượng cao ở đơn vị mình mà chủ yếu do không có cơ chế thu hút người giỏi trở về.

Theo thầy Hải, ngành toán của trường mình đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng thiếu người học. Mỗi năm trường có khoảng 300 sinh viên theo học ngành toán, dù chất lượng đầu vào không cao nhưng may mắn thay vẫn có một số em giỏi vượt trội.

Những em này đều được nhà trường giữ lại, nhưng chỉ một vài năm sau các em đều tìm đường du học và phần lớn không trở về. Một số có trở về nhưng chỉ làm được một thời gian ngắn lại bỏ đi, chủ yếu vì thu nhập quá thấp.

Ông Nguyễn Hữu Dư, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Cao cấp về toán cũng cho rằng, việc đối mặt với sự thiếu hụt người làm toán chuyên nghiệp là tình trạng chung của tất cả các trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu. Hiện nay, những nhà toán học tuổi 58 - 60 rất nhiều, trong khi tuổi 40 - 58 rất ít.

Ứng dụng môn toán chỉ là… đếm tiền?

Tuy nhiên, theo các nhà toán học, dù các sơ sở đào tạo, nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp nhằm “tái cấu trúc” nguồn nhân lực cho ngành toán nhưng tình hình sẽ không chuyển biến bao nhiêu một khi thực tế môn toán trong các nhà trường phổ thông thiếu hấp dẫn, đào tạo ngành toán trong các trường ĐH thiếu thiết thực. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến ngành toán không đủ sức thu hút giới trẻ trong con đường lập nghiệp.

Ở nhiều nơi có tình trạng chỉ những em không đủ điểm vào các ngành khác (tài chính, kinh tế…) thì mới đăng ký học ngành toán. Vì thế, học xong ĐH các em cũng khó học lên cao nữa, một phần vì không đủ năng lực, một phần vì không đủ đam mê.

Được mời tham gia cuộc tọa đàm, em Nguyễn Huy Tùng, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, Hải Phòng cho biết, sau khi được chọn vào đội tuyển quốc gia chuẩn bị dự kỳ thi Olympic toán học quốc tế 2014 sắp tới, nhiều bạn bè đặt câu hỏi với em: “Đạo hàm, tích phân, số phức… liệu có giúp ích gì cho cuộc sống không?”.

Em Tùng chia sẻ: “Nghe các bạn hỏi mà em cảm thấy hẫng. Em học chuyên nên học chương trình riêng. Nhưng em được biết các bạn không học chuyên cũng đều được học kỹ các kiến thức này. Sách giáo khoa cũng có một cuốn Giải tích, hai cuốn Đại số. Em xem thì thấy trong đó có rất nhiều bài tập bắt học sinh làm mà rất ít nội dung giúp học sinh thấy được giá trị ứng dụng của các kiến thức đã học.

Có lẽ đó là lý do để các bạn em thấy tích phân, đạo hàm… chỉ là những thứ tự nhiên nhảy vào SGK, các bạn ấy buộc phải học và học xong thì tất cả những thứ đó trở thành dĩ vãng. Và rốt cục, sau 12 năm học, với nhiều bạn toán chỉ là môn giúp người ta… đếm tiền chứ không phải là một môn giúp con người có những suy luận logic trong đời sống”.

Trước đó, nhiều nhà toán học đã cho rằng, nên đặt lại vấn đề dạy học môn toán trong trường phổ thông cũng như trong các trường ĐH. Thậm chí, cần nhìn lại trách nhiệm của các nhà toán học trong vấn đề này.

GS Phạm Thế Long, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự nói: “Lỗi một phần chính do những người làm toán. Những người làm toán chuyên nghiệp không góp phần làm cho xã hội hiểu được vẻ đẹp của toán. Những người dạy toán thì không giúp người học nhận thấy sự thiết thực của những gì mình dạy; sa đà vào việc tìm cách chứng minh, lập luận chặt chẽ mà ít chú ý tới việc giới thiệu tính ứng dụng của toán”.

Còn GS Ngô Việt Trung, nguyên viện trưởng Viện Toán học cũng nhận xét ứng dụng là cái yếu trong ngành toán, tuy nhiên giải quyết được bài toán này lại phụ thuộc vào… nhà nước.

Hôm qua, tại Hà Nội, Viện Toán học Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động đại chúng nhằm giới thiệu và quảng bá Toán học với tiêu đề “Một ngày với Toán học”. Đây là sự kiện hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tọa đàm “Toán học, thời cơ và thách thức” (Viện Toán phối hợp tổ chức với Tạp chí Tia sáng) nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động này.  

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghich-ly-toan-hoc-o-viet-nam-hoc-chi-de-dem-tien-a33483.html