Nhiều giáo viên phản đối xóa bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông


Thứ 3, 17/11/2015 | 06:05


(ĐSPL) - Tại Hội thảo sáng 15/11 của hội Khoa học lịch sử Việt Nam, một bộ phận giáo viên Sử phản ứng dữ dội với “số phận” môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông.

(ĐSPL) - Tại Hội thảo Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông, một bộ phận giáo viên Sử phản ứng dữ dội với “số phận” môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông.

Những ngày qua dư luận xôn xao về vấn đề “số phận” môn Lịch sử khi Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc.

Hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng nhiều đại diện. (Ảnh: P.H)

Tại Hội thảo “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông”, thầy giáo Trần Văn Hiếu (dạy Sử 1 trường phổ thông tại Nghệ An) cho rằng, giáo viên Sử trên toàn quốc phản ứng rất dữ dội về chủ trương này. Nhiều giáo viên tỏ ra buồn bã, thất vọng. 

Thầy Trần Văn Hiếu trong phần tham luận.

Thầy giáo này đặt vấn đề: “Về các trường phổ thông, các trường ở tỉnh lẻ mà xem thái độ của các học sinh như thế nào về việc bỏ hay tích hợp môn Lịch sử. Hầu hết các giáo viên Sử phổ thông không thể dạy tích hợp môn Sử. Chúng tôi hy vọng sau hội thảo này môn Lịch sử sẽ được “trả lại tên cho em” với vị thế là môn học độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông.”

Một giáo viên dạy Sử trường phổ thông ở Vĩnh Phúc cũng cho biết, suốt 20 năm trong nghề, bà chưa hề thấy học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử. Theo bà giáo, hiện nay có rất ít trường đại học tuyển khối C. Vì vậy, học sinh không học để thi, chứ không phải vì chán học.

"Môn Lịch sử chưa hề được đối xử công bằng như những môn khác”, cô giáo này nhấn mạnh.

Tiến sĩ Tưởng Phi Ngọ (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dư luận chỉ chê trách chương trình sách giáo khoa và năng lực của một bộ phận giáo viên. Tuy nhiên một lí do khác là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc mở trường học tràn lan. Rất nhiều trường học đào tạo môn Lịch sử không thành công. Học sinh không học Lịch sử không phải vì chương trình và năng lực của giáo viên không tốt mà do các em còn tính toán đến tương lai, chọn các ngành nghề dễ phát triển kinh tế sau này.”

Quang cảnh buổi Hội thảo sáng 15/11.

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt nam đề nghị giữ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông.

Hà Phương

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-giao-vien-phan-doi-xoa-bo-mon-lich-su-o-truong-pho-thong-a119752.html