+Aa-
    Zalo

    Thầy giáo cận kề tử thần ở Thủy điện Sông Tranh 2 kể chuyện

    ĐS&PL Thoát chết trong vụ sạt lở Thủy điện Sông Tranh 2, thầy giáo miền xuôi tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) ngược thời gian kể về 20 năm cắm bản của mình.

    Thoát chết trong vụ sạt lở Thủy điện Sông Tranh 2, thầy giáo miền xuôi tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) ngược thời gian kể cho PV ĐS&PL nghe câu chuyện đầy cảm hứng về 20 năm cắm bản của mình.

    Thầy Nguyễn Trần Vĩ đến trường.

    Thoát chết trong gang tấc...

    Trong cơn bão số 9 và 12 vừa qua, huyện Nam Trà My bị thiệt hại rất nặng nề cả về người và của. Tận mắt chứng kiến những hình hài bị vùi lấp trong đổ nát, chính bản thân mình cũng trải qua những giây phút cận kề cái chết trong trận sạt lở ở gần Thủy điện Sông Tranh 2, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ (41 tuổi, người Quảng Nam) không khỏi cảm thấy rùng mình.

    Đã đồng hành cùng bà con vùng núi Nam Trà My 20 năm, nhưng lúc đó hoảng hốt quá, thầy tự nhủ: “Xong chuyến này chắc nghỉ”. Tuy nhiên, khi trấn tĩnh lại, thấy bà con chịu mất mát tang thương, thầy lại xông xáo lên kế hoạch cho những ngày tiếp theo.

    “Suốt hơn một tháng bão lũ dồn dập đổ vào miền Trung, tôi không có mặt ở nhà. Dù ruột gan cũng rối bời lo âu khi biết vợ con vất vả tự xoay xở chống bão, nhưng về nhà lúc này sao đặng khi bà con ở Trà Leng đang rất cần đến mình”, thầy Vỹ nhớ lại.

    Và thế là, thầy giáo tiểu học đã dẫn hàng ngàn đoàn thiện nguyện tiếp cận với bà con cần giúp đỡ ở Nam Trà My. Thầy tích cực kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây sửa tạm, chỉnh trang lại cơ sở vật chất để nhiều điểm trường được khoác lên màu tôn mới, thầy cô và học sinh quay lại trường học.

    Giờ đây, các em học sinh đến trường không sợ lạnh, sợ trơn vì đã có áo ấm mùa đông cùng giày dép, mũ, tất từ các nhà hảo tâm. Ngay sau bão lũ, nhiều điểm trường đã rộn rã tiếng cười nói của trẻ thơ.

    Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ (bìa phải) trao tặng tiền hỗ trợ bà con xã Trà Leng, Quảng Nam, bị bão số 9 làm hư hại tài sản.

    Vừa cầm phấn, vừa cầm xẻng

    Dù đỗ đại học Nông lâm Huế (Thừa Thiên-Huế), nhưng Nguyễn Trần Vỹ phải rẽ ngang học trường trung học Sư phạm Quảng Nam vì học sư phạm không mất tiền học phí. Sau khi tốt nghiệp, Vỹ được phân công về giảng dạy trường tiểu học Kim Đồng, tại huyện miền núi Nam Trà My. Ngày nhận nhiệm vụ, thầy giáo trẻ đi bộ suốt 6 tiếng, háo hức vượt con đường núi hiểm trở để đến ngôi trường đầu tiên.

    Nhưng mọi thứ khác xa so với tưởng tượng. Những lớp học tạm bợ lợp bằng tranh, ngày mưa nước dột xuống, ngày lạnh phải nhóm lửa giữa lớp để sưởi ấm. Trang thiết bị, đồ dùng học tập thì vô cùng thiếu thốn. Cuộc sống cơm không đủ ăn áo không đủ mặc.

    Chấp nhận hiện thực, thầy Nguyễn Trần Vỹ nỗ lực làm việc, giảng dạy cho các em bằng tất cả sự tận tâm của mình. Ngày qua ngày, càng gắn bó với các em thầy Vỹ dần tìm thấy niềm vui khi nhận ra sự hồn nhiên, trong sáng của các em. Thầy cũng cảm thông với những khó khăn mà các em đang phải vượt qua mỗi ngày. “Có những em còn rất nhỏ nhưng vẫn đi bộ hàng giờ đồng hồ, vượt đèo lội suối để đến trường với đôi chân trần không dép, quần áo không lành, mái đầu cháy nắng... Khó khăn thiếu thốn là vậy, nhưng nhìn các em vẫn nô đùa bên những con dốc cao, tôi đã có một cái nhìn khác, có động lực để tiếp tục cống hiến tại đây”, thầy Vỹ chia sẻ.

    Với mong muốn thầy cô giáo có một nơi ở ổn định để tập trung giảng dạy, học sinh tới trường có một chỗ sạch đẹp hơn, từ đó thầy Vỹ thực hiện ước mơ xây trường. Vậy là thầy giáo cầm phấn nay cầm xẻng, cầm cuốc vào mỗi thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần để láng những nền xi măng tại các lớp học, điểm trường. Từ người rèn nét chữ, thầy thành người lo từ nồi cháo dinh dưỡng, cho đến bộ đồng phục, áo ấm, áo mưa, từng đôi ủng, ô che mưa... cho các em nhỏ.

    Đến nay, thầy Vỹ cùng những thành viên trong câu lạc bộ Kết nối yêu thương đã vận động tài trợ và xây dựng 4 khu nội trú học sinh trị giá 3,4 tỷ đồng, xây dựng 50 điểm trường với gần 100 phòng học và 50 phòng ở giáo viên, điện năng lượng mặt trời, đồ dùng sinh hoạt cho học sinh và thầy cô giáo trị giá 11 tỷ đồng...

    Không chỉ xây trường, xây lớp, thầy Vỹ cùng với câu lạc bộ còn xây dựng những dự án như: Dự án nuôi em với 1.500 em, Bầu sữa yêu thương, Những ngôi nhà tình nghĩa để giúp đỡ người dân nơi đây.

    Năm nay, để tạo cho các em học sinh có cái Tết Tân Sửu ấm cúng, thầy Vỹ lên kế hoạch vận động nguồn kinh phí để tặng bánh chưng cho học sinh. Sau 20 năm kiên trì cắm bản, thầy giáo tiểu học này luôn ước mình có “thêm tay, thêm chân” để thực hiện nhiều hơn những kế hoạch giúp học sinh và thầy cô bớt gian nan, vất vả.

    Phương Quế

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 11 số

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-giao-can-ke-tu-than-o-thuy-dien-song-tranh-2-ke-chuyen-a354978.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan