Thử sức với đề thi môn Tiếng Việt trong kỳ thi đại học ở Hàn Quốc khiến sĩ tử "toát mồ hôi"


Thứ 5, 14/01/2021 | 08:09


Tuy chỉ là kiến thức ngữ pháp, từ vựng thông thường nhưng đề thi môn Tiếng Việt lại khiến người Hàn Quốc vò đầu bứt tóc vì không làm nổi.

Tuy chỉ là kiến thức ngữ pháp, từ vựng thông thường nhưng đề thi môn Tiếng Việt lại khiến người Hàn Quốc vò đầu bứt tóc vì không làm nổi.

Hàn Quốc là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á. Những thành tựu này có sự góp công rất lớn từ những cải cách giáo dục trong suốt nhiều năm qua khi tỉ lệ người trưởng thành có bằng cao đẳng trở lên ở đất nước này luôn cao.

Tuy nhiên, có một điều ít thay đổi đó là hệ thống thi cử của Hàn Quốc vẫn phức tạp và khó đến nỗi được xếp vào hàng bậc nhất thế giới.

Sau khi hoàn thành cấp THPT, các học sinh muốn học cao hơn bắt buộc phải tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào đại học, gọi là Suneung hay CSAT.

Bắt đầu từ năm 2013, Tiếng Việt được Bộ Giáo dục Hàn Quốc đưa vào danh sách các môn thi Ngoại ngữ 2 để thí sinh tự lựa chọn đăng ký dự thi cùng với 7 ngoại ngữ khác là tiếng Đức, Pháp, Nga, Trung, Nhật, Tây Ban Nha, Ả Rập.

Môn Tiếng Việt được đưa vào đề thi trong kỳ thi đại học ở Hàn Quốc. Ảnh: Doanh nghiệp và Tiếp thị

Đề thi Tiếng Việt gồm 30 câu trắc nghiệm, mục đích kiểm tra ngữ pháp, từ vựng, cách sử dụng tiếng Việt. Thí sinh có thời gian làm bài 40 phút. Đề thi được trình bày bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Hàn.

Năm 2021, đề thi môn học này trong kỳ thi CSAT vừa qua cũng vẫn giữ "phong độ" là khó không tưởng.

Đề thi bao gồm các dạng điền âm tiết còn thiếu vào từ vựng; Chọn từ đúng để hoàn thành câu; Chọn cả cụm từ để hoàn thành câu; Trả lời câu hỏi với gợi ý; Chọn câu hỏi thích hợp để hoàn thành bài đọc; Chọn nội dung đúng nhất của bài đọc; Sắp xếp thứ tự đoạn hội thoại sao cho logic và phù hợp; Chọn câu đúng miêu tả bức tranh; Chọn nội dung không có trong bài đọc.

Đề thi môn Tiếng Việt khiến bao sĩ tử "toát mồ hôi hột" khi đọc đề. Ảnh: Doanh nghiệp và Tiếp thị 

Theo đó, dù người bản địa đọc đề cũng phải mất thời gian suy nghĩ khá lâu mới đưa ra được đáp án đúng. Điều này cho thấy sự khốc liệt trong kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh ở Hàn.

Trước đó, năm 2018, đề thi Tiếng Việt tại Hàn Quốc cũng được biết đến với độ khó cao. Đề thi với các câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, văn hóa, ẩm thực Việt khiến không chỉ các thí sinh Hàn bối rối mà ngay cả người Việt cũng nhận xét là khó.

Cụ thể, Vua Hùng, bánh tôm Hồ Tây, lễ đầy tháng trẻ con... là những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam được đưa vào đề.

Thậm chí, nhiều người còn nhận xét rằng, nếu là người Việt khi xem đề cảm giác rất đơn giản, nhưng là người Hàn Quốc sẽ cảm thấy khó khăn vì "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" - chỉ cần đổi vị trí một chữ, nghĩa của câu trong đề và trong đáp án để chọn đã khác nhau hoàn toàn.

Những nét đặc trưng văn hóa Việt Nam được đưa vào đề thi môn Tiếng Việt tại Hàn Quốc. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến 

Bên cạnh sự phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều mặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc, nhu cầu học tiếng Việt của các sinh viên và người Hàn cũng tăng cao.

Thậm chí, học tiếng Việt còn trở thành "cơn sốt" tại xứ sở kim chi, ngày càng nhiều người, đặc biệt dân văn phòng lựa chọn ngôn ngữ thứ 2 này.

Năm 2018, chỉ riêng một khu vực sầm uất gần ga tàu điện ngầm Gangnam, phía Nam thủ đô Seoul đã có tới 8 trung tâm dạy tiếng Việt được mở. Năm 2017, toàn đất nước Hàn Quốc có khoảng 800 người tham gia cuộc thi nói thạo tiếng Việt, tăng 15% so với năm 2016.

Thủy Tiên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-suc-voi-de-thi-mon-tieng-viet-trong-ky-thi-dai-hoc-o-han-quoc-khien-si-tu-toat-mo-hoi-a352613.html