+Aa-
    Zalo

    Giáo viên phải đọc 32 đầu sách: Hóc búa bài toán chọn sách giáo khoa và nỗi lo chất lượng giáo dục

    • DSPL
    ĐS&PL Mấy năm gần đây, chất lượng giáo dục chưa hề có cải thiện nhiều, nay lại thêm bài toán hóc búa không kém mang tên chọn sách giáo khoa.

    Ngày 30/1, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM cho biết, các trường sẽ mua 32 đầu SGK lớp 1 vừa được Bộ GD&ĐT phê duyệt làm dữ liệu dùng chung cho giáo viên, đồng thời là cơ sở cho việc dạy học sau này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mấy năm gần đây, chất lượng giáo dục chưa hề có cải thiện nhiều, nay lại thêm bài toán hóc búa không kém mang tên chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa thay đổi liên tục liệu có gây lãng phí, gây xáo trộn tâm lý cho phụ huynh, học sinh?

    Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM.

    Chọn đầu sách cho năm học 2020-2011

    Ông Hiếu cho biết theo chỉ đạo của bộ GD&ĐT, việc chọn lựa SGK cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 chưa thực hiện theo luật Giáo dục, nên việc lựa chọn Sách giáo khoa sẽ do UBND các tỉnh lựa chọn. Năm học 2020-2021, quyền lựa chọn SGK sẽ do các trường thực hiện, theo Nghị quyết 88. Như vậy hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp 1 cùng tập thể giáo viên sau khi tham khảo ý kiến của học sinh, phụ huynh.Việc kiểm tra đánh giá sẽ dựa trên hướng phát triển năng lực học sinh, không kiểm tra đánh giá theo kiến thức nội dung trong SGK nên nhà trường lựa chọn sách làm sao phát triển được năng lực yêu cầu Bộ đề ra trước đó.

    Thạc sĩ Phan Hoài, chuyên gia gia xã hội học cho biết, việc thay đổi SGK là việc cần thiết, một thời gian khá dài, khoa học nhất là lĩnh vực xã hội và công nghệ đã có những thay đổi đáng kể mà kiến thức trong sách chưa theo kịp. Và, thực tế, không riêng gì bậc tiểu học mà cả bậc THCS, THPT kiến thức trong sách giáo khoa đều hàn lâm, quá tải và cũ kỹ khiến cho học sinh chán học, mất hứng thú trong học tập. Từ đó, để nắm vững kiến thức, học sinh phải học thêm khắp nơi. Cùng với đó là việc thi cử nặng nề khiến cho cả giáo viên học sinh đều mệt mỏi, nhọc nhằn. Bên cạnh đó, sách cũ khiến học sinh thiếu trải nghiệm thực tế, dẫn đến các em yếu về kỹ năng sống. Và học sinh phải học dàn trải, không chọn được môn học mà mình yêu thích.

    Cũng theo thạc sĩ Phan Hoài, chất lượng giáo dục có thay đổi hay không là do người thầy quyết định chứ không phải do đổi giáo án. Thực tế, thầy giỏi mới có trò giỏi. Sách giáo khoa chỉ mang tính bổ trợ mà thôi. Nếu sách giáo khoa có hay đến mấy nhưng năng lực chuyên môn, khả năng sư phạm người thầy hạn chế thì chất lượng không thể thay đổi. Trong khi đó, hiện nay, giáo viên bậc tiểu học tại TP.HCM trình độ chênh lệch nhau quá lớn. Vì trước đây, thầy cô lớn tuổi đa phần học trung cấp sư phạm, sau này mới nâng chuẩn bằng cấp. Ngoài ra, việc giáo viên hệ tại chức (nay là hệ vừa học vừa làm) chuyên tu, từ xa dạy tiểu học không ít, nên cũng gặp một số hạn chế. Chưa kể, có tình trạng nhiều giáo viên ỷ lại biên chế suốt đời nên sức ì của họ rất lớn. Liên quan đến kinh tế, hiện này thu nhập giáo viên thấp, đồng lương eo hẹp khiến nhiều giáo viên không nhiệt tình trong giảng dạy, họ phải dành thời gian kiếm nghề tay trái.

    Các trường chọn SGKcho năm học mới - Ảnh: Vietnamnet

    Gây lãng phí lớn

    Việc thay đổi sách giáo khoa sẽ vô nghĩa khi hiệu trưởng không do giáo viên bầu, mà được điều động từ cấp trên, dẫn đến mất dân chủ trong trường, mất đoàn kết, có thể dẫn đến tình trạng kéo bè phái. Chưa kể, sự thay đổi nhiều cũng gây lãng phí rất lớn cho Nhà nước, cho người dân. Điều đó đã được phụ huynh lên tiếng từ nhiều năm nay.

    Để cải thiện chất lượng giáo dục, theo thạc sĩ Phan Hoài, tới đây, giáo viên được trả lương theo vị trí việc làm, còn giáo viên được tuyển dụng mới hợp đồng có thời hạn thì họ sẽ cạnh tranh chuyên môn, từ đó, người có năng lực, có tâm huyết sẽ có cơ hội ở lại với nghề. Khi đó, giáo dục mới có phần thay đổi, chất lượng mới được nâng cao.

    Mặt tích cực và những nỗi lo

    Đánh giá về sự thay đổi sách giáo khoa cho năm học tới, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: “Trên nền tảng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất dùng chung trong cả nước do bộ GD&ĐT ban hành, SGK là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông...

    Do vậy, mỗi bộ sách đã được thẩm định đều phải đáp ứng yêu cầu về nội dung chương trình nhưng chất liệu có thể khác nhau, cách tiếp cận khác nhau. Cái hay của chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ SGK là huy động được trí tuệ của nhiều giáo viên, nhà khoa học... tham gia soạn sách. Những sẽ là lãng phí nếu chỉ dựa hoàn toàn vào một bộ sách. Về nguyên tắc, bộ sách nào phù hợp, dễ hiểu nhất thì chọn nhưng sẽ tốt hơn nếu bài giảng của giáo viên chọn lọc được những cái hay của từng bộ sách. Giáo viên là những người được đào tạo có đủ trình độ nên để cho họ được quyền chọn sách, không nên áp từ trên xuống”.

    Cũng theo ông Ngô Văn Tuyên, trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, hiện nay tình trạng thiếu giáo viên diễn ra khá lớn tại TP.HCM nói chung, quận Bình Tân nói riêng. Đặc biệt, là tình trạng giáo viên các môn Tin học, Âm nhạc, Tiếng Anh... không thể tuyển do vướng quy định giáo viên phải tốt nghiệp đúng chuyên ngành sư phạm của bộ GD&ĐT. Do vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài thay đổi sách giáo khoa cần linh động thay đổi nâng cao chất lượng giáo viên để phù hợp.

    Khó nâng cao chất lượng khi quá tải học sinh

    Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, một lãnh đạo phòng giáo dục tại TP.HCM khẳng định, hiện nay tình trạng quá tải học sinh, nhất là các quận huyện ngoại thành. Tình trạng gần 70% học sinh bậc tiểu học được học hai buổi một ngày, còn lại phải học một buổi, giáo viên chịu áp lực rất lớn. Đó là phải phụ trách lớp học có tới 55-60 học sinh, gần gấp đôi so với quy định chuẩn là chỉ 35 học sinh/lớp. Sĩ số đông dẫn tới giáo viên áp lực là chấm bài cho nhiều học sinh, dạy thứ 7, phụ trách nhiều việc liên quan sổ sách... Chưa kể cơ sở vật chất khó khăn... Như thế, chất lượng giáo dục không thể nâng cao, dù có thay đổi sách giáo khoa mới.

    Nguyễn Lành

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 149

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-vien-phai-doc-32-dau-sach-hoc-bua-bai-toan-chon-sach-giao-khoa-va-noi-lo-chat-luong-giao-duc-a303618.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan