+Aa-
    Zalo

    Giật mình những vụ tàng trữ, sử dụng súng như "đồ chơi"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) Việc sử dụng các loại súng tự chế, vũ khí quân dụng... vốn được quy định rất chặt chẽ. Nhưng nhiều trường hợp, coi những loại vũ khí này là món đồ để tặng, biếu.

    (ĐSPL) Việc sử dụng các loại súng tự chế, vũ khí quân dụng... vốn được quy định rất chặt chẽ. Song trên thực tế, trong nhiều trường hợp, từ cán bộ đến người dân đều không lường hết được sự nguy hiểm của những loại vũ khí này mà coi đó như những món đồ để cho tặng. Hậu quả sau đó là những vụ việc nghiêm trọng,  suýt cướp mất sinh mạng của người thân.

    Dùng súng quân dụng làm... quà tặng

    Mới đây, theo thông tin từ phía cơ quan công an TP.Cà Mau, sáng 22/2, tại nhà ông Ngô Văn Kiệt (56 tuổi), ngụ ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm đã xảy ra một vụ việc đáng tiếc. Khi ông Kiệt cùng vợ là bà Nguyễn Khánh Ly đi ra ngoài thì Tòng (10 tuổi, con trai ông Kiệt) và Nghĩa (9 tuổi, em ruột bà Ly) đã phát hiện ra khẩu súng K54 trong tủ. Theo lời kể của các bé, khi phát hiện súng, Tòng đã kêu Nghĩa giả bộ bắn để Tòng giả ngất. Nhưng khi thấy Nghĩa không dám bắn, Tòng tự chĩa vào bụng bóp cò vì tưởng súng đồ chơi nhưng không ngờ súng phát nổ. Nghe tiếng nổ lớn từ nhà ông Kiệt, hàng xóm đã phá cửa xông vào để đưa Tòng đi cấp cứu. Phát súng khiến cháu bé bị thủng dạ dày, ruột non, ruột già.

    Giật mình những vụ tàng trữ, sử dụng súng như
    Những đối tượng sử dụng súng trái phép sẽ bị xử lý trước pháp luật. Ảnh minh họa.
    Sau khi sự việc xảy ra, tại cơ quan công an, ông Ngô Văn Kiệt khai nhận, ông được một người tên Vẹn, cán bộ Trại giam Cây Gừa (Bạc Liêu, nay đã về hưu) cho khẩu K54 trên và dùng từ năm 1994. Đến năm 1998, Kiệt đưa khẩu súng trên lại cho Ngô Văn Chệch (nguyên là công an viên xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời). Vào ngày 20/2, Kiệt đến gặp Chệch lấy lại khẩu súng và đem về cất trong tủ quần áo. Đến ngày 22/2 thì sự việc đáng tiếc xảy ra.
    Trước đó, dư luận cũng chứng kiến một vụ tử vong đáng tiếc liên quan đến súng bút (loại vũ khí theo CQĐT là bị cấm tàng trữ và sử dụng). Nạn nhân là ông Huỳnh Văn Giao (46 tuổi, ngụ đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Khi ngồi chơi cùng một  người bạn, ông đã khoe với họ về việc sở hữu cây súng bút. Ông Giao kéo chốt ở giữa thân súng để lên đạn, nhưng không may trượt tay chiếc chốt bật xuống, gây nổ, viên đạn găm vào ngực ông Giao dẫn đến tử vong.
    Và tính sát thương của súng tự chế
    Không chỉ người dân không hiểu về việc sử dụng các loại vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế; trên thực tế, không hiếm những vụ cán bộ xã, công an viên tự chế súng và sử dụng một cách thiếu cẩn trọng. Mới đây, Công an huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho hay đang yêu cầu ông La Văn Bình, Trưởng công an xã Châu Lộc tường trình cụ thể về việc ông Bình đã nổ súng tự chế (để bắn chim - theo ông Bình giải thích), làm hai người bị thương. Trước đó, vào đêm 3/2 (tức mồng 4 Tết Giáp Ngọ), ông Bình và hai công an viên khác đi tuần. Khi đến đoạn đường đê thuộc làng Châu Tử, nghe có tiếng chim kêu trên lùm cây, ông Bình liền rút khẩu súng tự chế (loại súng bắn đạn ria) bắn lên lùm cây. Tuy nhiên, viên đạn ria lại găm vào người anh Nguyễn Đăng Thi (28 tuổi) và chị La Thị Hải (24 tuổi, đều ngụ tại xã Châu Lộc) đang đi gần đó (tất nhiên là đi ở dưới đất - PV) khiến hai người bị thương.
    Trao đổi với PV, luật sư Hà Đăng, đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Theo quy định, những người trong lực lượng vũ trang được đơn vị cấp phát mới có quyền sử dụng vũ khí quân dụng. Khi hết thời gian công tác, người đó phải nộp lại vũ khí cho đơn vị. Nếu đơn vị không thu lại là làm sai quy định. Chính vì vậy, muốn kiểm soát được tình trạng này, cần có sự quản lý chặt chẽ đối với những đối tượng thuộc tiêu chuẩn được dùng súng, vũ khí quân dụng. Trong trường hợp ở Bạc Liêu, muốn xử lý nghiêm, cần phải truy lại nguồn gốc của khẩu súng đó. Bên cạnh đó, người dân cất giữ khẩu súng đó là có hành vi tàng trữ vũ khí trái phép, nếu gây hậu quả thì khởi tố, còn không thì sẽ bị xử lý hành chính và thu hồi.
    Luật sư Hà Đăng cũng cho hay, hiện nay trên thực tế, việc kiểm soát súng, vũ khí ngoài luồng vẫn còn là bài toán khó. Nhiều trường hợp, người dân đã mua, bán súng bất hợp pháp từ nước ngoài về để sử dụng, trao tặng nhau như những món quà.
    Công tác quản lý còn kẽ hở
    TS. Hồ Trọng Ngũ- Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội cho biết, việc quản lý, sử dụng vũ khí nói chung và vũ khí thô sơ nói riêng có liên quan chặt chẽ tới tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh tình trạng sử dụng vũ khí (súng tự chế, súng mua ngoài thị trường trôi nổi...) khá phổ biến. Đi tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này thì thấy, ngoài các nguyên nhân về thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý liên quan thì các quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng các loại vũ khí cũng có kẽ hở.
    Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Pháp lệnh 16) và Điều 7 của Nghị định số 25/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Nghị định 25) quy định rõ trách nhiệm của người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Theo đó, người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 8, Pháp lệnh và có trách nhiệm bàn giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép sử dụng trong trường hợp chuyển công tác khác, nghỉ hưu, nghỉ thôi việc, chuyển ngành khác hoặc không đủ tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;  Cơ quan, đơn vị chủ quản có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản việc giao, nhận số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép sử dụng nêu tại khoản 1 điều này.
    TS. Ngũ cũng cho hay, ngoài các đối tượng thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân thì còn một số đối tượng khác cũng được trang bị vũ khí thô sơ như các hãng phim, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn... (Điều 13, Thông tư 30/2012/TT-BCA ngày 29/5/2012 của bộ Công an). Không phải tất cả những đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ đều được cơ quan có thẩm quyền cấp vũ khí thô sơ mà họ phải tự tìm nguồn để mua sau khi được cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ, sau đó các đối tượng này phải tiến hành việc đăng ký để được cấp Giấy xác nhận đăng ký.                                                           
    Nguồn gốc súng ở đâu?
    Theo một cán bộ PC45 (công an Hưng Yên), Nghị định 25 nghiêm cấm việc giao cho người chưa qua đào tạo về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, liên quan đến vụ việc cháu bé  nghịch súng và bị thương ở Bạc Liêu, cần phải làm rõ nguồn gốc súng ở đâu. Việc quản lý, sử dụng vũ khí nói chung và vũ khí thô sơ được quy định rất chặt chẽ. Cá nhân chỉ được sở hữu vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc. Các hành vi mang theo người, phương tiện, đồ vật, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ bị pháp luật nghiêm cấm.
    Hạnh Lan
    Xem thêm Clip "Lê Văn Luyện nói lời xin lỗi sau vụ thảm án làm 3 người chết":
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giat-minh-nhung-vu-tang-tru-su-dung-sung-nhu-do-choi-a23605.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan