+Aa-
    Zalo

    Giọng hát Việt nhí và những trùng hợp thú vị qua 4 mùa giải

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tối 29/10, đêm chung kết Giọng hát Việt nhí đã gọi tên Nhật Minh của đội Đông Nhi - Ông Cao Thắng cho vị trí Quán quân.

    Tối 29/10, đêm chung kết Giọng hát Việt nhí đã gọi tên Nhật Minh của đội Đông Nhi - Ông Cao Thắng cho vị trí Quán quân. Trong 4 mùa giải thì có tới 3 thí sinh chiến thắng thuộc về đội giám khảo đôi và phần lớn đều đã có nhiều kinh nghiệm ca hát từ khi còn nhỏ. Đó là một trong những sự trùng hợp thú vị.

    Quán quân Nhật Minh chinh phục khán giả bằng trích đoạn chèo. ảnh: tư liệu

    Chiến thắng của Nhật Minh không bất ngờ

    Mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí diễn ra vào năm 2013, ngôi vị Quán quân thuộc về cậu bé Quang Anh của đội Lưu Hương Giang -Hồ Hoài Anh. Hai mùa tiếp theo, cặp đôi này vẫn giữ vị trí HLV và thu nạp thêm một Quán quân nữa cho đội mình là Trịnh Nguyễn Hồng Minh (2015). Năm 2016, “lịch sử lặp lại” với thí sinh của đội giám khảo đôi Đông Nhi - Ông Cao Thắng.

    Điều này có thể chỉ là tình cờ ngẫu nhiên và ít nhiều mang lại sự thú vị cho chương trình. Nhưng ở cuộc thi này đang thể hiện “mẫu số chung” là các thí sinh chiến thắng đều là con nhà nòi hoặc đã có kinh nghiệm biểu diễn nhiều năm trước đó. Quang Anh, Quán quân mùa đầu tiên có mẹ là nghệ sỹ chèo. Anh trai của Quang Anh cũng là diễn viên của đoàn chèo Thanh Hóa và là người đã dẫn dắt em trai theo nghề hát từ khi còn nhỏ. Thế nên, trước khi đến với cuộc thi thì cậu bé này đã nổi danh vì gặt hái được nhiều giải thưởng ở cấp trường và cấp thành phố. Tương tự, Quán quân mùa 3 Trịnh Nguyễn Hồng Minh có năng khiếu sử dụng tới 3 nhạc cụ: 5 tuổi học đàn organ, 7 tuổi còn học đàn tranh và 8 tuổi học piano. 9 tuổi nhưng những giấy khen, huy chương mà Hồng Minh có được trong các cuộc thi âm nhạc đã lên đến hàng chục.

    “Khủng” nhất là Quán quân vừa đoạt giải Nhật Minh. Sinh ra trong gia đình có bố là diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội, mẹ là ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam nên Nhật Minh sớm thừa hưởng tố chất của con “nhà nòi”. Theo lời gia đình thì từ lúc 2 tuổi, Nhật Minh đã có thể hát và đánh một khổ trống dài từ vở chèo nổi tiếng “Phù thủy sợ ma”. 3 tuổi, em bắt đầu chơi được trống quan họ. Cho đến thời điểm hiện tại, số loại trống mà cậu bé tài năng này có thể chơi đã lên tới con số 10.

    Tài năng thiên bẩm nên việc cậu bé giành được các giải thưởng là điều không quá ngạc nhiên: Giọng ca nhí VOV 2013, Quán quân Đồ Rê Mí 2013, Á quân Young Hit Young Beat 2015. Đến với Giọng hát Việt nhí 2016, sẵn tài năng thiên bẩm lại được sự trợ giúp của ê - kíp chuyên nghiệp, Nhật Minh còn thể hiện được khả năng đọc rap, chơi beatbox. HLV Đông Nhi gọi “chiến binh” của mình là viên ngọc quý mà cô may mắn có được. Xem Nhật Minh biểu diễn, người ta thấy đó như một nghệ sĩ chuyên nghiệp chứ không còn là một thí sinh nhí dự thi. Em chinh phục những ca khúc “khó nhằn” nhất, từng làm nên tên tuổi của các ca sĩ, từ “Đá trông chồng”, đến “Bác làm vườn và con chim sâu”, “Tình ca”... Minh hát nhuần nhuyễn các trích đoạn truyền thống cho đến nhạc hiện đại như để minh chứng sự đa dạng và đa năng trong giọng hát. Nhưng kết thúc mùa giải, nhiều khán giả vẫn cho rằng, Giọng hát Việt nhí năm nay thiếu “lửa” hơn hẳn các mùa trước. Hơn nữa, mang tài năng sẵn có để thi thố trong một sân chơi đại trà cũng dấy lên sự tranh luận về sự thiệt thòi với những thí sinh thiếu cơ hội trau dồi khi còn nhỏ.

    Tài năng cũng cần đặt đúng sân chơi

    Không phải ngẫu nhiên mà HVL Vũ Cát Tường đi ngược lại quan điểm của số đông khi quyết định loại đi thí sinh tài năng của đội mình để giữ lại thí sinh “dưới cơ” hơn. Trong đêm liveshow 4, cô bé Chiara Falcone đã trình bày ca khúc "My Story". Phần trình diễn của Chiara nhận được nhiều lời khen ngợi tích cực đến từ 4 HLV. Tuy nhiên, đến với phần công bố kết quả, khi Chiara và Thảo Nguyên bị rơi vào vòng nguy hiểm thì Vũ Cát Tường đã loại Chiara với lý do: “Tài năng của con đã vượt xa so với khuôn khổ cuộc thi này, đã đến lúc dừng lại việc thi thố và sẵn sàng trở thành một nghệ sĩ thực thụ”. Trước làn sóng tranh cãi về quyết định này, Vũ Cát Tường cho rằng, Chiara đến với cuộc thi để khẳng định tài năng nhưng theo cô thì cô bé không cần phải làm thế vì đã quá tài năng. Khi làm HLV, phương châm của cô là không đi tìm Quán quân mà chỉ giúp các em nhỏ tìm được chính mình trong âm nhạc. Chiara được khuyên là đi theo con đường sáng tác – sản xuất hơn là “so kè” giọng hát.

    Ngay sau đó, Vũ Cát Tường bị chê trách khá nhiều vì áp đặt quan điểm cá nhân lên thí sinh và khán giả, khi tiêu chí với mỗi cuộc thi là tìm ra người giỏi nhất và xứng đáng nhất. Nhưng nếu nhìn lại 3 mùa giải thì giọng hát được khán giả nhớ nhất lại không phải là những Quán quân. Nhiều năm qua, các cuộc thi đều đi tìm người giỏi nhất, thế nên, khi Uyên Linh hay Phương Mỹ Chi cất lên giọng hát hoàn toàn bằng bản năng, hồn nhiên và trong trẻo đã ngay lập tức tạo nên hiệu ứng và phá bỏ những giới hạn về tiêu chuẩn thanh nhạc kinh viện.

    Nhạc sĩ Quốc Trung khi còn làm HLV của Giọng hát Việt cũng đã từng có quan điểm tương tự như Vũ Cát Tường: “Điều tôi hướng đến là làm sao các bạn có thể tìm cho mình một phong cách âm nhạc dựa trên tài năng của họ, giúp họ định hướng con đường âm nhạc của mình để trở thành những nghệ sĩ có cá tính chứ không phải là những người thợ hát”. Người mẫu Xuân Lan khi còn làm giám khảo Vietnam next top model cũng đi ngược lại số đông, đó là tìm những viên ngọc thô với những tiềm năng chưa khai phá, nhằm mang đến sự mới mẻ chứ không phải là những người đã có sẵn tố chất và kinh nghiệm. Việc đi ngược lại với số đông bao giờ cũng dẫn tới những tranh cãi và cả sự phản ứng, nhưng có một điều chắc chắn, các nghệ sĩ ở vai trò giám khảo đều mong muốn làm những điều tốt nhất cho thí sinh. Có những cái tốt thấy ngay trước mắt, nhưng cũng có những điều cần sự trải nghiệm để chứng minh”.

    Dù bị đánh giá là thiếu màu sắc và nhân tố nổi bật nhưng Giọng hát Việt nhí 2016 được đánh giá là văn minh và “sạch sẽ” nhất khi “nói không” với các chiêu trò. HLV Noo Phước Thịnh còn đặt ra điều kiện không khai thác thân phận và hoàn cảnh của các thí sinh để “câu view” cho chương trình, ít nhất là trong đội của mình. Kết quả có thể chưa làm hài lòng tất cả, nhưng việc giữ cho một mùa giải không có những lùm xùm, kiện cáo cũng được coi là một thành công khi mà các chương trình truyền hình thực tế luôn phải “đau đầu” nghĩ cách để có raiting cao.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giong-hat-viet-nhi-va-nhung-trung-hop-thu-vi-qua-4-mua-giai-a168575.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.