+Aa-
    Zalo

    Giữ lại cây đa trăm tuổi trên đường Bưởi là hợp lý

    • DSPL
    ĐS&PL Việc Hà Nội quyết định bảo tồn cây đa hàng trăm năm tuổi trên tuyến đường Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy đang thi công, đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trong xã hội.

    Việc Hà Nội quyết định bảo tồn cây đa hàng trăm năm tuổi trên tuyến đường Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy đang thi công, đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trong xã hội.

    Có ý kiến cho rằng đây là “cây thiêng” nên các đơn vị thi công không dám hạ dù có ảnh hưởng tới công trình; cũng có ý kiến khác cho rằng có thể di dời cây sang vị trí khác để bảo tồn...

    Cây đa trăm tuổi có thân và bộ rễ gồm hơn 15 thân lớn nhỏ rất đẹp.

    Sáng 21/9, chúng tôi có mặt tại công trường thi công tuyến đường, nơi có cây đa trăm tuổi. Cây đa rất xum xuê cành lá, phủ bóng mát cả một khoảng đường tới hơn 100m2, với 2 thân lớn và hơn 15 bộ rễ lớn, nhỏ cắm xuống đất. Vị trí cây đa nằm đúng giữa tâm của tuyến đường đang thi công.

    Tuy nhiên, theo anh Phạm Văn Hóa, chỉ huy công trình Vinaconex E&C, một trong những đơn vị thi công tại đây, việc bảo tồn cây đa không gây trở ngại nào trong việc triển khai hoàn thiện mặt bằng, lắp cống thoát nước quanh khu vực.

    “Rất may, với bộ thân và rễ cây đa hơn 15 thân lớn, nhỏ như một sự ngẫu nhiên, đã mọc theo chiều dọc tuyến đường. Nếu bộ rễ và thân cây nằm ngang, vấn đề bảo tồn chắc chắn sẽ nan giải. Chính vì nằm dọc, nên diện tích chiếm đất của cây đa cũng chỉ bằng đúng khoảng lưu không giữa hai làn đường, không ảnh hưởng đến thiết kế, cũng như những trở ngại về giao thông khi tuyến đường được đưa vào sử dụng”, anh Hóa cho biết.

    Cây đa và cổng làng cổ nằm giữa tâm của tuyến đường Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy đang thi công.

    Về phía người dân, chị Lưu Thu Hồng, một trong những hộ dân có nhà gần cây đa cho rằng, việc bảo tồn cây đa là hợp lý. Cũng theo chị Hồng, hàng chục năm qua, dân làng xem cây đa là cây “thiêng”, nên nhiều người hay thắp hương ở gốc với quan niệm thờ thần đa. Bên cạnh cây đa là chiếc cổng làng cổ, người dân cũng xem đó như biểu tượng của Thành hoàng làng.

    Bà Nguyễn Thị Yến, hơn 70 tuổi, người làng Nghè cũng đồng quan điểm này. Theo bà Yến, việc Hà Nội bảo tồn cây đa là phù hợp với mong muốn của người dân trong khu vực. Cùng với bà Yến, nhiều người cao tuổi của làng Nghĩa Đô còn muốn bảo tồn cả cây đa và cổng làng cổ, bởi nó giống như một biểu tượng của khu vực này.

    Như vậy, xét về lý, về tình; việc bảo tồn cây đa trăm tuổi trên tuyến đường này là hợp lý, vì không ảnh hưởng tới công tác thi công, không phải “nắn đường” hay có bất cứ một sửa đổi nào so với bản thiết kế ban đầu; đồng thời với bề dày lịch sử, việc cây đa tồn tại cũng sẽ tạo thêm một điểm “nhấn” cho Thủ đô.

    Theo baotintuc.vn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giu-lai-cay-da-tram-tuoi-tren-duong-buoi-la-hop-ly-a111597.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.