+Aa-
    Zalo

    Giữa trời Âu, giữ bản sắc Việt trong tâm hồn người xa xứ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại vùng đất châu Âu xa xôi, có những cô gái cùng nhau xây dựng chuỗi tiệm sách tiếng Việt để gìn giữ nét đẹp văn hóa quê hương trong tâm hồn mỗi người con xa xứ.

    Tiệm sách Việt có tên Mọt được khởi xướng từ Quỳnh Hạnh, một “bà mẹ bỉm sữa” đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan. Ý tưởng sau đó được những người bạn cũng đều là các bà mẹ bỉm sữa đang sinh sống ở nhiều nước châu Âu khác nhau nhiệt tình hưởng ứng, nhờ đó mà Tiệm Mọt đã dần có mặt tại Pháp, Thụy Điển, Anh, Đức,...

    Độc giả có thể tìm thấy ở Tiệm Mọt những cuốn sách đậm chất văn hóa Việt; hay cả những cuốn sách đang là xu hướng ở nước ngoài đã được Việt Nam mua bản quyền, dịch thuật và xuất bản. Cũng chính tiệm sách yêu thương ấy đã phần nào giúp vơi đi nỗi nhớ nhà trong trái tim bao người con xa xứ; khơi gợi tình yêu với văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam dù sinh sống ở đâu.

    anh 1
    Quỳnh Hạnh sáng lập nên Tiệm Mọt với mong muốn gìn giữ nét đẹp ngôn ngữ và văn hóa Việt.

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, Quỳnh Hạnh cho biết, chính thiên thần nhỏ trong gia đình là nguồn động lực giúp chị quyết định thành lập và phát triển Tiệm Mọt.

    “Sau khi sinh, cơ quan Chăm sóc sức khỏe mẹ và bé tại địa phương đã sắp xếp cho tôi buổi tư vấn làm cách nào để giữ ngôn ngữ mẹ đẻ cho con. Trong những buổi tư vấn đó, chuyên gia nhận mạnh rằng, ngoài việc thường xuyên nói tiếng mẹ đẻ, thì cách tốt nhất chính là đọc sách tiếng Việt cho con nghe”, chị Hạnh cho hay.

    Tuy nhiên, việc tìm kiếm một quyển sách tiếng Việt với chị Hạnh khi đó lại chưa bao giờ khó đến thế. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 “bủa vây” khắp mọi nơi, khiến chị không thể trở về Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng, chắc chắn có nhiều ông bố bà mẹ Việt Nam ở nước ngoài cũng đang khao khát có một cuốn sách tiếng Việt cho con như vậy. Đó cũng là lý do chính để Tiệm Mọt được ra đời”, chị Hạnh nói.

    Cũng xuất phát từ nhu cầu được nghe, được đọc sách tiếng Việt của con, Thu Mai đã tìm tới chị Hạnh để có thể đưa Tiệm Mọt tới gần hơn với cộng đồng người Việt tại Pháp.

    “Khi đó, tôi cũng mới sinh em bé và đang rất cần sách tiếng Việt để dạy con. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy nhu cầu học tiếng Việt ở Pháp rất cao, nên đã chủ động liên hệ với Hạnh để đưa Tiệm Mọt đến đất nước hình lục lăng”, chị Mai chia sẻ.

    “Thoát” phong tỏa, cách ly nhờ... sách

    Khó khăn là điều không thể tránh khỏi trong quá trình xây dựng và phát triển của Tiệm Mọt. Đặc biệt là với những "tấm chiếu mới" trong lĩnh vực kinh doanh như Quỳnh Hạnh và Thu Mai, hơn nữa họ lại còn ở nơi đất khách xứ người.

    Theo chia sẻ của chị Mai, Tiệm Mọt ban đầu gặp rất nhiều trở ngại trong việc tìm kiếm các nhà xuất bản, nhà cung cấp bên Việt Nam, khi không ít đối tác đều bày tỏ sự nghi ngờ về tính thực tiễn của dự án. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và nhiệt huyết của mình, Tiệm Mọt đã thành công trong việc tạo dựng được các mối quan hệ hợp tác.

    Chưa kể, thời điểm khởi nghiệp cũng vô cùng căng thẳng vì quá nhiều việc, quá nhiều quy trình. Từ khâu thiết kế, kế toán, xuất nhập khẩu,... cho đến phân tích thị trường, bán hàng, ship hàng... tất cả đều được các “bà mẹ bỉm sữa” của Tiệm Mọt đích thân thực hiện.

    “Chúng tôi may mắn khi gặp được những người đồng hành phù hợp, mỗi người đều có thế mạnh về chuyên môn riêng và hợp lại thành một bộ máy hoàn thiện, giúp Tiệm Mọt có thể phát triển đến ngày nay”, chị Mai chia sẻ.

    anh 2
    Sự ủng hộ của những người yêu sách chính là động lực giúp Thu Mai cũng những người đồng hành của Tiệm Mọt vượt qua mọi khó khăn.

    Một trong những thách thức lớn nhất với Tiệm Mọt trong năm qua chính là đại dịch COVID-19, khiến các khâu vận chuyển bị chậm, ngắt quãng hay khách không thể trực tiếp đến tiệm để tận hưởng “hương vị” của sách. Dẫu bộn bề khó khăn, nhưng chỉ cần nơi nào có người Việt - có nhu cầu sách Việt, Tiệm Mọt đều muốn đặt chân tới để lan tỏa năng lượng tích cực.

    “Đại dịch khiến tâm trạng mọi người bị ảnh hưởng, cần có điểm tựa để vượt qua quãng thời gian khó khăn này và sách là một giải pháp được nhiều người lựa chọn. Nhiều khách hàng tâm sự, nhờ có sách của Tiệm Mọt mà vượt qua được giai đoạn khó khăn về mặt tâm lý. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy công việc của mình càng có ý nghĩa hơn. Do đó, dù có gặp khó khăn, nhưng Tiệm Mọt luôn tìm cách tháo gỡ và sẽ cố gắng nhất có thể để mang sách đến với những người yêu sách”, chị Mai bày tỏ.

    Không chỉ hướng tới cộng đồng người Việt xa xứ, Tiệm Mọt còn muốn thông qua các tác phẩm song ngữ để có thể quảng bá văn hóa Việt Nam đến với người nước ngoài. Chị Quỳnh Hạnh cho biết: “Để biến giấc mơ này thành hiện thực, thì yếu tố quan trọng nhất chính là việc chuyển ngữ. Do đó, Tiệm Mọt cố gắng hợp tác với những dịch giả uy tín, có kinh nghiệm dịch, làm việc trong lĩnh vực sách/văn hóa, tiếp xúc nhiều với trẻ em, sống ở nước ngoài lâu năm, hiểu rõ văn hóa nước sở tại... để có thể chuyển ngữ một cách sát nghĩa và gần gũi nhất. Sau đó, các bản dịch sẽ được tham khảo ý kiến của nhiều người bản địa về chất lượng văn phong hay cách gieo vần, trước khi được đưa vào xuất bản chính thức”.

    anh 3
    Tiệm Mọt – “chuyến bay” đưa hương vị Tết truyền thống đến với mỗi người con xa xứ.

    Cuối tháng 11 vừa qua, Tiệm Mọt đã triển khai dự án Tết song ngữ với sản phẩm Đón Tết về nhà. Ý tưởng xuất phát từ việc đã 2 năm không thể về quê ăn Tết do đại dịch COVID-19, các cô gái của Tiệm Mọt muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa nhân dịp Tết nhằm kéo cộng đồng người Việt xa xứ đến gần nhau hơn, mang cái Tết tới cho những người xa quê cũng như giới thiệu Tết truyền thống đến với bạn bè quốc tế.

    “Nội dung gồm những bài thơ 4 chữ, với nhịp đọc ngắn và vui giống như các bài đồng dao, giúp các bạn nhỏ chóng thuộc dễ nhớ. Kèm với đó là những tranh vẽ minh họa đậm chất dân gian Việt Nam để không chỉ các bạn nhỏ, mà ngay cả những người nước ngoài cũng có thể dễ dàng cảm nhận không khí Tết truyền thống của người Việt”, chị Mai bật mí.

    Được biết, “Tết song ngữ” là dự án đầu tiên của Tiệm Mọt nhằm đưa văn hóa Việt ra thế giới, được sản xuất với 3 phiên bản Việt-Anh, Việt-Pháp và Việt-Đức.

    “Hy vọng sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ để chúng tôi có thể tựa vào đó làm bước đệm cho những dự án tiếp theo. Mong muốn của chúng tôi là tiếp tục mở rộng Tiệm Mọt xa hơn nữa, nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt trong tâm hồn mỗi người con xa xứ, cũng như có thể kết nối với những độc giả quốc tế quan tâm đến Việt Nam”, chị Hạnh bày tỏ.

    Hoa Vũ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giua-troi-au-giu-ban-sac-viet-trong-tam-hon-nguoi-xa-xu-a524329.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan