+Aa-
    Zalo

    Giun lươn bò ngoằn ngoèo dưới da bệnh nhân Việt Kiều 50 tuổi

    • DSPL
    ĐS&PL Bệnh nhân 50 tuổi, ở Lào thường trồng chăm hoa khi về Việt Nam bị mờ mắt, ngứa, có nhiều nốt sẩn ngoằn ngoèo dưới da, đi khám nhiều nơi mới xác định ra bệnh.

    Bệnh nhân 50 tuổi, sống ở Lào thường trồng chăm hoa khi về Việt Nam bị mờ mắt, ngứa, có nhiều nốt sẩn ngoằn ngoèo dưới da, đi khám nhiều nơi mới xác định ra bị nhiễm giun lươn.

    Giun lươn Strongyloides stercoralis được Bavay tìm ra năm 1876 ở lính Pháp hồi hương từ Việt Nam. Ngoài gây bệnh cho người, chúng có thể gây bệnh cả ở chó mèo.

    Giun lươn sống tự do trong đất hoặc ký sinh ở động vật. Chúng có 3 giai đoạn vòng đời: Giun trưởng thành, ấu trùng rhabditiform và ấu trùng filariform.

    Trong chu kỳ tự do, giun sống trong đất, đẻ trứng nở ra ấu trùng rhabditiform rồi lại phát triển thành giun trưởng thành. Cứ thế tồn tại vô thời hạn trong đất.

    Trong chu kỳ ký sinh: Một số rhabditiform biến đổi thành filariform. Nếu ta đi chân trần vào vùng đất có filariform, chúng sẽ đi xuyên qua da tạo các nốt di bệnh ngoằn ngoèo, vào máu đi lên phổi, xuyên qua phế nang theo đờm lên họng, bị nuốt xuống ruột phát triển thành giun trưởng thành ký sinh trong ruột. Tại ruột chúng đẻ trứng nở thành ấu trùng rhabditiform thải theo phân gây ô nhiễm đất. Một số rabditiform thành filariforrm ngay trong lòng ruột lại tái xâm nhập qua da gần hậu môn vào máu lại tạo ra lứa giun mới. Cơ chế này khiến người bị nhiễm giun lươn thường mạn tính vài chục năm.

    Khi cơ thể suy giảm sức đề kháng hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch, Ấu trùng rhabditiform phát triển ồ ạt thành filariforrm ngay trong lòng ruột rồi kéo đàn lũ đi xuyên qua niêm mạc ruột vào máu, lên phổi lại bắt đầu một chu kỳ ký sinh mới. Khi đi xuyên qua thành ruột chúng sẽ đem theo nhiều loại vi khuẩn từ phân gây ra nhiễm trùng huyết nặng hoặc các ổ di bệnh lan tỏa. Tại phổi gây viêm phổi nặng. Tình trạng này gọi là siêu nhiễm (hyperinfections).

    Giun lươn lưu hành khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 35 triệu ca mắc.Tại Châu Á giun lươn có khắp các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philipines, Malaysia…

    Tại Việt Nam tỷ lệ người có từng nhiễm giun lươn lên đến 29.1% Tây nguyên có tỷ lệ cao nhất lên tới 42.4%. Tuy vậy hầu hết các ca nhiễm giun lươn mạn thường không có triệu chứng hoặc đôi khi chỉ có mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ. 75% số này có tăng bạch cầu ái toan ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên những bệnh nhân này nếu vì lý do gì đó bị suy giảm miễn dịch sẽ khởi phát siêu nhiễm dẫn đến tình trạng rất nặng với các biểu hiện viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn đường ruột, nhiễm ấu trùng giun lươn lan tỏa ở nhiều vị trí như màng não, màng tim, mắt, vv… và tỷ lệ tử vong ở nhóm này có thể lên tới tới 40%.

    Vòng đời của giun lươn

    Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, thường hiếm khi tìm được giun trưởng thành và trứng giun trong phân. Chẩn đoán dựa trên nhận dạng ấu trùng (rhabditiform và filariform) trong các mẫu bệnh phẩm bằng kính hiển vi bằng các phương pháp:

    - Soi trực tiếp

    - Nhuộm soi bệnh phẩm đã làm phong phú

    - Soi bệnh phẩm sau khi thu hồi ấu trùng bằng kỹ thuật phễu Baermann

    - Soi bệnh phẩm bằng kỹ thuật giấy lọc Harada-Mori

    - Soi sau khi nuôi cấy phân trong các tấm thạch.

    Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giun lươn chỉ xác định bệnh nhân từng nhiễm giun lươn. Do người bị nhiễm sẽ mang giun lươn trong nhiều năm, nên nếu họ chưa dùng thuốc diệt giun thì huyết thanh (+) xác định họ đang mang giun lươn. Tuy nhiên vẫn có tỷ lệ dương tính giả vì xét nghiệm này dương tính chéo với filariasis và một số ký sinh trùng khác. Và ở những bệnh nhân có siêu nhiễm thì do suy giảm miễn dịch nên nhiều người xét nghiệm kháng thể lại âm tính và bạch cầu ái toan không tăng.

    Về điều trị: Albendazol liều 400mg/ ngày x 3-7 ngày có tác dụng kém hơn ivermectin và thiabendazol. Thiabendazole thường được dùng với liều 25mg/kg/ngày được dùng phổ biến hơn. Ivermectin là một thuốc mới, có tỷ lệ tiệt trừ giun lươn tới 97% và ít tác dụng phụ. Các bệnh nhân có tình trạng tăng nhiễm và nhiễm giun lươn lan tỏa được khuyến cáo nên được điều trị bằng ivermectin liều 200µg/kg/ngày trong thời gian tối thiểu là 2 tuần.

    Bệnh nhân có siêu nhiễm thường có biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc và hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). Bệnh nhân có ARDS cần được thở máy với phương thức bảo vệ phổi. Bệnh nhân có sốc cần được điều trị chống sốc và hỗ trợ các tạng bị suy. Nếu có nhiễm trùng huyết thường do ấu trùng giun mang các vi khuẩn đường ruột vào máu. Chọn kháng sinh ban đầu cần hướng tới vi khuẩn gram âm đường ruột và thậm chí cả enterococcus và nấm candida. Liệu trình kháng sinh cần kéo dài ít nhất 2-4 tuần.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giun-luon-bo-ngoan-ngoeo-duoi-da-benh-nhan-viet-kieu-50-tuoi-a245730.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan