+Aa-
    Zalo

    Gói 30.000 tỷ: Ngân hàng "quên", thủ tục khó, người dân tiếp cận thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong khi Ngân hàng Nhà nước "nới" thêm điều kiện của gói 30.000 tỷ để phát huy hiệu quả tối đa của gói tín dụng này. Nhưng đến nay, các thủ tục tưởng đã thông th

    (ĐSPL) - Trong khi Ngân hàng Nhà nước "nới" thêm điều kiện của gói 30.000 tỷ để phát huy hiệu quả tối đa của gói tín dụng này. Nhưng đến nay, các thủ tục tưởng đã thông thoáng, rõ ràng nhưng dường như có nhiều "tác động" làm người dân vẫn khó tiếp nhận được gói tín dụng này.
    Nhiều ngân hàng "quên" gói 30.000 tỷ, chào mời vay thương mại
    Đã gần 4 tháng sau khi Thông tư 32/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, nhiều ngân hàng vẫn chưa triển khai cho vay xây, sửa nhà từ gói 30.000 tỷ đồng. Vài ngân hàng tuy đã triển khai, nhưng lại nhiệt tình tư vấn cho khách chuyển sang gói vay thương mại.
    Sáng 19/3, trong vai một công chức muốn vay 200 triệu từ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ để sửa nhà, PV Báo Giao thông đã tới phòng giao dịch VP Bank trên đường Giải Phóng (Hà Nội). Một nam nhân viên ngân hàng ở đây cho hay, gói 30.000 tỷ chỉ cho vay mua nhà, chưa cho vay để xây hay sửa nhà. “Hiện chưa thấy ngân hàng chỉ đạo, hướng dẫn gì về gói vay này”, nhân viên nói.
    Tại phòng giao dịch Agribank trên đường Phương Liệt (Hà Nội), nhân viên tín dụng trên tầng hai của tòa nhà Agribank cũng nói, ngân hàng này không triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay để xây mới, sửa chữa nhà ở. Hàng loạt phòng giao dịch của các ngân hàng có tham gia gói 30.000 tỷ như: Bảo Việt Bank, Eximbank, Saigon Bank, Tien Phong Bank, Nam Á, SeaBank... cũng “lắc đầu” tương tự khi hỏi về thủ tục vay tiền xây, sửa nhà từ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
    Nhân viên chi nhánh Eximbank trên đường Xã Đàn cho hay, có thể quy định đã có hiệu lực, nhưng ngân hàng cần thời gian để xây dựng gói vay. “Chắc thời điểm ban hành quy định mới rơi vào cuối năm, rồi dịp nghỉ Tết nên ngân hàng chưa triển khai kịp”, nhân viên này nói.
    Sau khi cho biết gói vay xây nhà, sửa nhà từ 30.000 tỷ đồng chưa được triển khai, các nhân viên tín dụng nhiệt tình tư vấn cho khách hàng chuyển sang các gói vay thương mại. Tại phòng giao dịch Tân Mai (Hà Nội) của Vietinbank, nhân viên tín dụng tên Nghĩa cho hay: “Chưa có gói vay ưu đãi sửa nhà, chị nên chuyển sang gói vay của ngân hàng, lãi suất cũng mềm lắm, chỉ 7\%/năm”. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ, được biết mức lãi suất 7\%/năm chỉ áp dụng cho năm đầu tiên và các năm sau áp dụng lãi suất thả nổi cộng thêm 3,5\% nữa.
    Một nhân viên tín dụng của Vietcombank Ba Đình thì thẳng thắn cho biết, Vietcombank có cho vay xây, sửa nhà từ gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, nhưng điều kiện vay khá khó khăn. “Chị vay 200 triệu trong 2-3 năm, số tiền vay ít, thời gian vay ngắn thì càng khó vay, hay chị chuyển sang gói vay của ngân hàng, đảm bảo vay được”. Nhân viên nói và nhanh nhảu tư vấn, Vietcombank đang triển khai chương trình vay vốn mua nhà đất, xây sửa nhà, mua ôtô... với mức lãi suất hấp dẫn chỉ từ 7,5\%/năm. Nhưng thực chất, mức lãi suất 7,5\%/năm chỉ dành cho thời gian ưu đãi khoảng 6 tháng đối với khoản vay từ 24 tháng trở xuống và khoảng 12 tháng với khoản vay trên 24 tháng.

    Dù điều kiện cho vay của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được "nới" thêm, nhưng theo phản ánh, nhiều người dân vẫn khó tiếp nhận với gói vay này. (Ảnh minh họa).

    Nhân viên Ngân hàng TPBank cũng “ngó lơ” khi khách hàng hỏi vay gói 30.000 tỷ, nhưng nhiệt tình tư vấn chương trình khuyến mại “Hiện thực hóa ước mơ - Vay lãi thấp bất ngờ”, áp dụng cho cả vay xây sửa nhà, lãi suất chỉ từ 3,9\%/năm. “Mức lãi suất này được ưu đãi trong những tháng đầu, sau đó sẽ áp mức 8\% trong năm đầu, còn sau đó theo mức thị trường”, nhân viên TPBank tư vấn.
    Theo thông tin từ một cán bộ tín dụng Ngân hàng Agribank, có một thực tế khiến các ngân hàng không mặn mà triển khai gói vay 30.000 tỷ, bởi họ chỉ được hưởng mức “phí” chênh lệch khi cho vay khoảng 1,5\%, mức này khó bù đắp được rủi ro, chi phí khi thực hiện cho vay. Còn các nhân viên tín dụng càng không mặn mà, bởi họ bị “khoán” định mức phải cho vay thương mại hàng tháng khá cao, nên mới có chuyện họ “lờ” gói vay ưu đãi để hướng khách hàng sang gói vay thương mại.
    Khách hàng chưa dễ tiếp cận gói 30.000 tỷ
    Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2014, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã cam kết cho vay 9.417 tỷ đồng, đạt 31,39\%, giải ngân được 4.882 tủ đồng, đạt 16,27\%. Dịp đầu năm 2015, việc giải ngân gói tín dụng này nhanh hơn do số lượng ngân hàng tham gia giải ngân nhiều hơn. Ngoài 5 ngân hàng thương mại Nhà nước, còn có thêm 8 ngân hàng thương mại tham gia giải ngân, gồm: Tiên Phong Bank (TPBank), Eximbank, Bảo Việt Bank, SCB, PvComBank, OCB, VPBank, SeABank.
    Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ đáp ứng đủ tiêu chuẩn được vay gói 30.000 tỉ đồng vẫn chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp.

    Để đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trong khi thời gian giải ngân không còn nhiều (1/6/2016), ông Nam cho rằng, cần có sự phối hợp thông suốt từ Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh minh họa).

    Xem video: Mới giải ngân hơn 30\% gói 30.000 tỷ đồng

    Quanh khu vực Hà Nội, dự án nhà ở đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay gói hỗ trợ, chỉ đếm được trên đầu ngón tay... Tại TP.HCM cũng chưa có nhiều nhà ở xã hội như mong muốn. Số lượng nhà thu nhập thấp ít là yếu tố chính dẫn đến tình trạng gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội không đạt được tốc độ giải ngân như mong muốn.
    Bên cạnh đó, theo một cán bộ ngân hàng:  “Khách hàng của chúng tôi cũng kêu rằng khó khăn nhất vẫn là xin mẫu xác nhận tại phường, xã . Ngân hàng không thể can thiệp vào chuyện này được mà phải tự khách hàng làm lấy”.
    Bởi theo qui định, khách hàng có nhu cầu vay vốn phải có xác nhận ở một đơn vị hành chính cấp phường xã về việc người đó không có nhà hoặc có nhà ở nhưng diện tích nhỏ hẹp. Nếu khách hàng không đi làm ở cơ quan nào cả thì họ phải xin xác nhận ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Nhiều khách hàng cho biết, khi đi xác nhận nội dung này thường mất rất nhiều thời gian, phải đi lại nhiều lần và phải có những quan hệ "nọ kia" thì mới có thể làm được.
    Ngoài ra, cũng theo ghi nhận từ các NH thương mại, khoảng 50\% khách hàng nói rằng khó xin xác nhận bảo hiểm vì thường là phải lên cơ quan bảo hiểm từ cấp quận, huyện trở lên để xác nhận. Nhưng nhiều khi cũng không xin xác nhận được do khách hàng đó có thể chưa đủ điều kiện về thông tin hồ sơ…
    Để đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trong khi thời gian giải ngân không còn nhiều (1/6/2016), ông Nam cho rằng, cần có sự phối hợp thông suốt từ Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước mà cụ thể là các ngân hàng trực tiếp triển khai cho vay, hơn hết là sự vào cuộc sâu sát của các địa phương trong việc đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thiện thủ tục cho người dân thuộc diện được vay.

    Ngày 14.10, Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) đưa ra dự thảo lần 2 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 11/2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

    Dự thảo bổ sung thêm nhiều đối tượng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ 30.000 tỷ đồng như cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng; hoặc có đất nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

    Hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp...

    Mức vốn tối thiểu khách hàng tham gia vào dự án, phương án vay từ 20 - 30\%. Thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay tối đa từ 5 - 15 năm tùy theo mục đích vay vốn. Mức cho vay tối đa không vượt quá 700 triệu đồng đối với khách hàng vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

    Có 15 ngân hàng tham gia cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng, gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, MBH, Bảo Việt, Đại Chúng, Eximbank, Saigon Bank, Tien Phong Bank, SHB, Nam Á, Đông Nam Á, Việt Nam Thịnh Vượng và Phương Đông.

    AN NHIÊN(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/goi-30000-ty-ngan-hang-quen-thu-tuc-kho-nguoi-dan-tiep-can-the-nao-a88001.html
    Đổ lỗi cho nhau vì gói 30.000 tỷ

    Đổ lỗi cho nhau vì gói 30.000 tỷ

    Mục tiêu gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ cho BĐS dường như vẫn bế tắc. “Quả bóng trách nhiệm” đang được chuyền qua lại giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng...

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đổ lỗi cho nhau vì gói 30.000 tỷ

    Đổ lỗi cho nhau vì gói 30.000 tỷ

    Mục tiêu gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ cho BĐS dường như vẫn bế tắc. “Quả bóng trách nhiệm” đang được chuyền qua lại giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng...