+Aa-
    Zalo

    Grab kêu lỗ 900 tỷ vẫn khuyến mại 0 đồng: Vi phạm luật cạnh tranh?

    • DSPL
    ĐS&PL Dù chỉ đăng ký đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, đến nay, Grab kêu lỗ tới 900 tỷ khiến cho nhiều người phải giật mình đặt ra câu hỏi: Grab lấy tiền ở đâu để bù lỗ khoản này?

    Sau nhiều năm Grab thâm nhập vào thị trường vận tải Việt Nam chỉ có mức đăng ký đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Đến nay, Grab kêu lỗ tới 900 tỷ đồng khiến cho nhiều người phải giật mình đặt ra câu hỏi: Grab lấy tiền ở đâu để bù lỗ khoản này?

    Sau nhiều năm Grab thí điểm ở Việt Nam theo quyết định 24 của bộ GTVT đến nay, Grab đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường vận tải của các hãng taxi truyền thống, đẩy các doanh nghiệp taxi truyền thống đứng trước nguy cơ suy yếu. Vậy thực chất Grab là một công ty vận tải taxi hay là công ty công nghệ đang là một câu hỏi lớn khiến cho bộ GTVT chưa thể khẳng định đúng bản chất gây ra nhiều tranh cãi.

    Grab đang lỗ 900 tỷ đồng?

    Grab mở rộng ra nhiều địa phương dù chưa được cấp phép

    Dù kêu lỗ nặng nhưng Grab lại đang thực hiện các chương trình khuyến mại 0 đồng, vừa vi phạm luật cạnh tranh, vừa làm suy yếu các doanh nghiệp khác. Đặc biệt, Grab chỉ được thí điểm theo quyết định 24 của bộ GTVT ở 5 tỉnh, thành Gồm: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng, TP.Khánh Hòa, TP.Quảng Ninh có giá trị 2 năm từ 2016 - 2018, thế nhưng Grab đã bỏ qua tất cả các quy định tại quyết định 24 âm thầm mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành phố.

    Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.Hồ Chí Minh đã thẳng thắn khẳng định: “Loại hình như Grab đang điều hành, trước và sau chúng tôi luôn khẳng định đó là taxi”. Ông Hỷ đưa ra dẫn chứng: “Minh chứng cho việc này là trong giấy phép kinh doanh đăng kí tại Quận 10. TP.Hồ Chí Minh Grab vẫn đăng ký là công ty Grab taxi. Trên thực tế họ cũng đang điều hành trọn vẹn 1 quy định vận tải từ A đến Z”, ông Hỷ khẳng định.

    Ông Hỷ thẳng thắn: “Chúng tôi đồng tình với đề nghị, kiến nghị và dự thảo của bộ GTVT trong đề xuất gần đây với Chính phủ bởi tất cả những xe 9 chỗ ngồi chở xuống mà còn chở khách thì nên quay lại là taxi để chúng ta có một mặt bằng chính sách chung, tạo điều kiện cạnh tranh chung”. Trong khi đó, khi nhìn nhận về Grab, ông Nguyễn Hữu Tuất, Giám đốc công Ty Fasgo Việt Nam khẳng định: “Nói là công ty cung cấp phần mềm là chưa đúng vì còn thiếu, gọi Grab đầy đủ là công ty cung cấp công cụ phần mềm để kinh doanh các lĩnh vực vận tải.

    Để phân biệt khái niệm nó không đúng bản chất, chúng ta nên nhìn vào thực tế hoạt động cung cấp phần mềm này và hình thức kinh doanh này nằm trong hình thức kinh doanh vận tải trực tiếp như một đơn vị kinh doanh vận tải hay 1 thành phần môi giới trung gian vận tải”.

    Một điểm cần phải làm rõ nữa là, Grab chỉ được thí điểm ở 5 tỉnh thành trong vòng 2 năm Gồm: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng, TP.Khánh Hòa, TP.Quảng Ninh có giá trị 2 năm từ 2016 - 2018, nhưng lại mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành phố là trái luật. Grab phải chịu trách nhiệm khi mở rộng thị trường mà chưa được cấp phép.

    Cạnh tranh không lành mạnh với khuyến mại 0 đồng

    Để làm rõ tính pháp lý của Grab khi báo lỗ 900 tỷ nhưng vẫn khuyến mãi 0 đồng, trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Thời gian vừa qua, Grab liên tục đưa ra chính sách khuyến mại 0 đồng là trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị phần loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

    Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại khoản 4, Điều 3, Luật Cạnh tranh 2004: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”.

    Luật Thương mại 2005 cũng nghiêm cấm hành vi khuyến mại quá mức:

    “Điều 100. Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại... như: Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại khoản 4 Điều 94 của Luật này”.

    Tại quyết định 24 BGTVT cũng đã định vị hoạt động của các công ty theo hình thức mới này là “hợp đồng điện tử” và đây là hoạt động vận tải hành khách, vì trên thực tế bên cung cấp dịch vụ vận tải hành khách đã quyết định giá cước, được hành khách chấp thuận, nên được xác định là một sự thoả thuận ý chí, hay nói cách khác, đó chính là việc giao kết hợp đồng.

    Nói về chính sách nộp thuế đối với Grab, luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Luật Lao động đã quy định rất rõ người lao động làm cho doanh nghiệp 3 tháng trở lên thì doanh nghiệp buộc phải đóng bảo hiểm và không có ngoại lệ nào. Vậy các tài xế làm việc cho Grab 3 tháng trở lên nhất định phải nộp bảo hiểm cho người ta. Tuy nhiên, với lập luận Grab cho rằng mình là đơn vị chỉ kết nối giữa người mua và người bán thì tôi chỉ không thể nộp bảo hiểm cho họ được nếu định danh Grab chính là người bán dịch vụ vận tải hành khách, hành khách là người mua dịch vụ của họ, họ quyết định giá, đặt cung đường, điều tài xế đến đón khách, và tài xế là người lao động thì người lao động nhất định phải được đóng bảo hiểm.

    Theo luật sư Trương Anh Tú: “Tôi lo lắng tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ rất đau đầu để lo việc cho hơn 170.000 người lao động và đến tuổi hưu trí phải có các chế độ như bảo hiểm,... thì ai lo cho họ đây. Và con số hơn 170.000 người lao động này nếu nộp bảo hiểm theo mức thấp nhất thì con số phải lên đến 200 tỷ một tháng và gần 3.000 tỷ một năm. 

    Bài đăng trên Báo Đời sống và Pháp luật giấy số 53

    Thế Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/grab-keu-lo-900-ty-van-khuyen-mai-0-dong-vi-pham-luat-canh-tranh-a256080.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan