+Aa-
    Zalo

    GS. VS Đào Thế Tuấn: Cuộc đời gắn bó với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐS&PL) Cả cuộc đời không ngừng nghiên cứu, học hỏi, GS.VS Đào Thế Tuấn, với tâm huyết của người anh hùng đã cống hiến trọn vẹn

    (ĐS&PL) Cả cuộc đời không ngừng phấn đấu cho nghiên cứu khoa học, học hỏi, GS.VS Đào Thế Tuấn, với tâm huyết của một người anh hùng đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Bài viết dưới đây xin đề cập đến một số thông tin ít người biết đến trong cuộc đời và sự nghiệp của ông.

    Chân dung GS.VS Đào Thế Tuấn

    Tại Học viện Nông lâm Trâu Quỳ trên 60 năm trước, giới sinh viên chúng tôi ngày ấy vô cùng cảm phục về tấm gương mẫu mực của người thấy giáo trẻ, dạy sinh lý thực vật Đào Thế Tuấn. Từ một người chưa hề biết tiếng Nga, chưa đầy 5 năm theo học, ông đã hoàn thành xuất sắc chương trình đại học và trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Nông học của Liên bang Xô Viết vào năm 1958. Sau này trong quan hệ công tác, được làm việc gần ông, qua nhiều lần trao đổi tôi càng nhận ra đức độ tuyệt với của nhà khoa học nói ít làm nhiều. Quá trình hoạt động khoa học không mệt mỏi của ông đã để lại cho các thế hệ đời sau những bài học quý giá từ thuở thiếu thời đến khi trở thành nhà nông học mang tầm thế giới.

    Đào Thế Tuấn sinh ngày 4 tháng 7 năm 1931 tại Thành phố Huế. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, dòng họ Đào quê ông ở làng Khúc Thủy thuộc xã Cự Khê huyện Thanh Oai thành phố Hà Nội. Cha ông, học giả Đào Duy Anh, mồ côi từ nhỏ, sớm đi làm giúp mẹ nuôi các em ăn học. Mẹ ông cụ bà Trần Như Mân, một nhà giáo hoạt động xã hội suốt đời làm việc thiện. Từ nhỏ, Thế Tuấn đã tiếp thu được tính trung thực và làm việc tận tình của người cha nghiêm khắc nhưng giầu trí tuệ. Những năm sống ở kinh thành Huế, ông được theo học trong những trường nổi tiếng, từ nữ tu sĩ Jeanne d’Arc đến Quốc học Huế. Ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp; cha, mẹ ông còn dạy thêm tiếng Việt và chữ Hán ngay tại nhà. Được động viên khuyến khích, ông đã cùng chị, em trong nhà sớm biết may vá, làm công nhiều việc thủ công, tham gia hoạt động xã hội, tạo được thói quen làm từ thiện, hình thành lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và có ý thức nghiêm túc trong học tập, sinh hoạt hàng ngày.

    Năm 1950, học xong chuyên khoa năm thứ 3 trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền (Thanh Hóa), ông tòng quân phục vụ Bộ Tổng tham mưu. Những năm sống trong quân ngũ đã giúp ông trưởng thành, có được những đức tính đáng quý của một sĩ quan quân đội,  đồng cảm với những khó khăn của nông dân trên mặt trận sản xuất. Trên cương vị chính trị viên phó đại đội, ông từng tham gia và lập nhiều chiến công trong chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Tây Bắc...Với những lo toan xây dựng đất nước lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Nhà nước, tháng 9 năm 1953, ông được cử đi học ở Liên Xô, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học. 

    Trong muôn vàn khó khăn của những ngày đầu sống xa quê hương, tiếng Nga chưa biết, nhóm học viên Việt Nam ngày ấy đã vượt lên tất cả. Chỉ sau một học kỳ, họ đã hòa nhập được vào cộng đồng các bạn Nga ở Khoa Nông học, Trường Đại học Nông nghiệp Tashkent. Đào Thế Tuấn đã tham gia vào nhóm nghiên khoa học, ngay trong năm thứ 3 và Chuyên đề “Sinh thái và nguồn gốc cây lúa” của ông đã được Viện Hàn lâm Nông nghiệp nước Nga xuất bản. Tác phẩm khoa học đầu đời đã khơi dậy niềm tin và khích lệ ông rất nhiều trong học tập, nghiên cứu. Thời gian còn lại, dường như ông đã dành trọn vẹn cho việc thực tập và nghiên cứu về cây lúa tại Krasnodar. Từ kết quả xuất sắc đạt được, sau khi học xong đại học, ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ, một thành công hiếm có của sinh viên nước ngoài, chỉ với 5 năm vừa học tiếng, học đại học và được nhận bằng tiến sĩ nông học.

    Vì sao xuất thân trong một gia đình trí thức, ông ngoại từng là quan đầu triều Nguyễn, Đào Thế Tuấn lại đi theo ngành nông nghiệp là câu hỏi nhiều năm tôi thường tự hỏi. Những lần được trao đổi cùng ông, ông tâm sự, với kiến thức xã hội có được và thực tế cuộc sống gắn bó với lớp người cần lao đã đặt ra cho ông những suy nghĩ ngay từ tuổi nhỏ là phải làm được gì thiết thực để góp phần cải thiện đời sống nông dân. Tâm nguyện này đã được ông trân trọng và giữ trọn vẹn cho cả cuộc đời. 

    Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn và một người bạn quốc tế

    Trở về Tổ quốc trong phong trào học tập “đại nhảy vọt” của Trung Quốc, nhiều nơi dồn lúa, cấy dày với hy vọng đạt năng suất cao. Nhận thấy việc làm không mấy ý nghĩa,  ông đã lặng lẽ tìm một hướng đi riêng, tập trung vào nghiên cứu sinh lý học của năng suất để xây dựng cơ sở khoa học cho việc thâm canh. Phân tích hiện tượng lốp, đổ trong cấy dày và bón nhiều phân, ông nhận ra, các giống lúa cổ truyền khó đạt được năng suất cao. Để thâm canh lúa, cần bắt đầu từ nghiên cứu cơ sở lý tính của phân bón nhằm tìm biện pháp dùng phân để tăng năng suất. Theo đó, ông đã đưa ra biện pháp biến lân thành đạm thông qua bèo hoa dâu và cây điền thanh. Thời kỳ bệnh lúa vàng lụi lan nhanh, ông đã kết hợp cùng nhiều bộ môn nghiên cứu côn trùng, sinh lý, chọn giống... để tiến hành những thử nghiệm trên diện rộng từ dồng bằng đến trung du và miền núi cao. Với kết quả thu nhận được, ông khẳng định, vàng lụi không phải là bệnh sinh lý mà do virus bọ rầy xanh đuôi đen truyền bệnh và đã đưa ra biện pháp khắc phục bằng bón phân kali và làm cỏ sục bùn.

    Gắn bó với đồng ruộng, ông nhận ra hạn chế của nghiên cứu trên những cá thể; năm. 1965, ông đã đi vào nghiên cứu quần thể cây lúa. Theo cách tiếp cận này, ông đã tìm được quy luật hình thành năng suất để tạo cơ sở cho việc thâm canh. Từ những mô hình thí điểm tại Hưng Yên, Thái Bình và nhiều nơi khác, vào cuối thập niên 1970, công trình nghiên cứu của ông đã đặt nền móng cho thâm canh lúa đạt năng suất 10 tấn/ha ở nước ta. Thành công nghiên cứu thâm canh đã thôi thúc ông cùng cộng sự đi vào nghiên cứu cơ sở sinh lý của chọn giống cây trồng chịu chua, mặn, rét, hạn, úng, chống chịu sâu bệnh cao để tạo ra nhiều loại giống lúa đáp ứng được yêu cầu thâm canh trên nhiều vùng sinh thái khác nhau như NN75-10, V18, CN 2, CR 203, V14, V15....

    Quá trình thâm nhập, sống và nghiên cứu cùng nông dân đã giúp ông hiểu rõ hơn thực trạng xã hội và khó khăn của từng vùng sinh thái để tìm kiếm những giống phù hợp, có giá trị kinh tế cao hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với những kết quả thu nhận được trong nghiên cứu, trồng thử nhiều giống cây trồng cạn, năm1970, ông đề xuất chia cây vụ đông thành nhóm gieo trồng sớm và nhóm cây chịu lạnh trồng muộn hơn. Với tính thích ứng cao của cơ cấu cây trồng mới, ông đã đưa được nhiều tiến bộ kỹ thuật vào những vùng sinh thái khác nhau. Từ thành công của hệ thống canh tác trên từng vùng sinh thái, ông đã tổng kết thành hệ sinh thái nông nghiệp. Công trình này đã trở thành cuốn sách giáo khoa sinh thái học nông nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.

    Khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng (1972), bàn chân ông đã băng rừng, lội suối để đến với đồng bào các dân tộc miền núi Khe Sanh. Đầu năm 1975, theo đường mòn Hồ Chí Minh, ông vào Tây Nguyên; rồi cùng đoàn quân giải phóng, ông đến Đà Lạt để nghiên cứu, xây dựng quy hoạch cho vùng. Tiếp đó, ông đến Ninh Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; khảo sát Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng những nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp cả nước sau chiến tranh. 

    Một số câu nói ấn tượng của GS. VS Đào Thế Tuấn

    Là nhà khoa học nói ít, làm nhiều; ông luôn coi trọng kinh nghiệm thế giới, chắt chiu từng hiểu biết nhỏ qua những chuyến đi khảo sát nước ngoài. Nghiên cứu về quản lý nông nghiệp ở Đức, Hung, Bungari... ông nhận ra, kinh tế gia đình là xu hướng chung nhưng phát triển khác nhau ở từng nước. Tại Ấn Độ, ông nhận thức rõ hơn về vai trò của kinh tế hộ nông dân ở vùng Punjab. Đặc biệt, ở Pháp, Hà Lan và Ý..., được chứng kiến sự phát triển đem lại hiệu quả to lớn của hệ thống trang trại, ông đã mang nhiều suy ngẫm...Sau những chuyến đi khảo sát ở Indonexia, Thái Lan, Bangladesh... trở về ông đã khẳng định, muốn đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp phải chú ý nhiều đến các đòn bẩy kinh tế.

    Những thay đổi của nông thôn nước ta sau chủ trương đổi mới và Nghị Quyết 10 của Đảng đã giúp ông nhận rõ, điều quan trọng là phải sớm có cơ chế thích hợp để đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng. Đọc lại những công trình của nhà kinh tế Trai A Nốp (Liên Xô cũ) càng thôi thúc ông phải sớm trở lại nghiên cứu vấn đề kinh tế hộ nông dân. Ông đánh giá, hộ nông dân là khách hàng lớn nhất, mà lâu nay những người làm khoa học nông nghiệp chưa mấy hiểu được nhu cầu. Những năm 1990-1995, ông dồn sức vào nghiên cứu kinh tế hộ nông dân và từ đây, đã đề xuất những chính sách thúc đẩy nông nghiệp và xây dựng hợp tác xã kiểu mới cùng với những vấn đề về tín dụng, quản lý đất đai, nguồn nước, mô hình HTX chuyên ngành, sản phẩm ngành hàng, công nghiệp chế biến, quản lý chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu,.v..v.. Những mô hình thử nghiệm và đề xuất của ông đã mở ra hướng mới nhằm chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp từ sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa và xuất khẩu nông sản.

    Từ tiếp cận hệ thống trồng lúa, ông đã mở rộng sang những cây trồng khác, rồi đến hệ thống nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và khu vực hộ nông dân. Theo hướng nghiên cứu này, ông đã thành lập nhóm nghiên cứu hệ thống là tiền thân của Bộ môn Phân tích hệ thống ở Viện Ngiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Với những kết quả thu nhận được, năm 1984, ông đã phối hợp cùng Viện Nông nghiệp nước Pháp nghiên cứu hệ thống nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo ông, trong hệ thống nông nghiệp, ngoài thành phần tự nhiên và kỹ thuật, yếu tố kinh tế-xã hội là nhân tố có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển.

    Nuôi dưỡng ý tưởng từ cuối thập niên 1980, 10 năm sau, Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp do Giáo sư đề xuất được hình thành ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VASS). Cho dù ra đời có chậm so với nhiều ngành khoa học khác, song do hướng đi phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội, Bộ môn đã phát triển nhanh, trở thành đơn vị nghiên cứu lớn với trên 60 nhà khoa học làm việc thường xuyên. Suy ngẫm...sau những chuyến đi khảo sát ở Indonexia, Thái Lan, Bangladesh...trở về ông đã khẳng định, muốn đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp phải chú ý nhiều đến các đòn bẩy kinh tế.

    Những thay đổi của nông thôn nước ta sau chủ trương đổi mới và Nghị Quyết 10 của Đảng đã giúp ông nhận rõ, điều quan trọng là phải sớm có cơ chế thích hợp để đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng. Đọc lại những công trình của nhà kinh tế Trai A Nốp (Liên Xô cũ) càng thôi thúc ông phải sớm trở lại nghiên cứu vấn đề kinh tế hộ nông dân. Ông đánh giá, hộ nông dân là khách hàng lớn nhất, mà lâu nay những người làm khoa học nông nghiệp chưa mấy hiểu được nhu cầu. Những năm 1990-1995, ông dồn sức vào nghiên cứu kinh tế hộ nông dân và từ đây, đã đề xuất những chính sách thúc đẩy nông nghiệp và xây dựng hợp tác xã kiểu mới cùng với những vấn đề về tín dụng, quản lý đất đai, nguồn nước, mô hình HTX chuyên ngành, sản phẩm ngành hàng, công nghiệp chế biến, quản lý chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu,.v..v.. Những mô hình thử nghiệm và đề xuất của ông đã mở ra hướng mới nhằm chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp từ sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa và xuất khẩu nông sản.

    Từ tiếp cận hệ thống trồng lúa, ông đã mở rộng sang những cây trồng khác, rồi đến hệ thống nông nghiệp bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và khu vực hộ nông dân. Theo hướng nghiên cứu này, ông đã thành lập nhóm nghiên cứu hệ thống là tiền thân của Bộ môn Phân tích hệ thống ở Viện Ngiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Với những kết quả thu nhận được, năm 1984, ông đã phối hợp cùng Viện Nông nghiệp nước Pháp nghiên cứu hệ thống nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo ông, trong hệ thống nông nghiệp, ngoài thành phần tự nhiên và kỹ thuật, yếu tố kinh tế-xã hội là nhân tố có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển.

    Nuôi dưỡng ý tưởng từ cuối thập niên 1980, 10 năm sau, Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp do Giáo sư đề xuất được hình thành ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VASS). Cho dù ra đời có chậm so với nhiều ngành khoa học khác, song do hướng đi phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội, Bộ môn đã phát triển nhanh, trở thành đơn vị nghiên cứu lớn với trên 60 nhà khoa học làm việc thường xuyên.

    Với ông, phát triển nông thôn chỉ có thể mở rộng nếu các cộng đồng nông dân đứng ra đảm nhận, chứ không thể trông chờ vào những gì từ bên ngoài và của cấp trên đưa xuống. Trước ngày qua đời, ông vẫn lạc quan và tìm cách để tổ chức đào tạo, xây dựng những mô hình nâng cao năng lực cán bộ địa phương và giúp nông dân thông qua những tổ chức xã hội dân sự.

    Tưởng nhớ công lao của nhà nông học mang tầm thế giới và là người sáng lập Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, bài viết thay một nén hương tưởng niệm với hy vọng, cuộc đời với những tâm huyết và sự hy sinh cao cả của nhà khoa học sẽ là những kinh nghiệm, những bài học quý báu đối với thế hệ nghiên cứu đời sau.

    Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn sinh ngày 4 tháng 7 năm 1931 tại Thành phố Huế, nguyên quán ở Khúc Thủy, Thanh Oai, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội); sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức nổi tiếng cả về trí tuệ và tinh thần yêu nước; Mẹ là cụ bà Trần Như Mân một nhà giáo và hoạt động xã hội, Cha cụ là Giáo sư Đào Duy Anh, nhà sử học, địa lý, nhà từ điển học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam được từ điển Larousse gọi là nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.

    Ông tham gia Việt Minh từ rất sớm, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6 tháng 5 năm 1949 và chuyển chính thức ngày 9 tháng 10 năm 1949. Năm 1953, học đại học tại Trường Đại học Nông nghiệp Tasken, Liên Xô. Cuối năm 1958 báo cáo tốt nghiệp của ông được trình bày thẳng để lấy bằng tiến sĩ nông học.

    Từ năm 1958 đến năm 1995, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Học viện Nông Lâm; tiếp đến là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, được phân công làm Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam. Ông là người sáng lập Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và là Chủ tịch Hội đầu tiên.

    Ông cũng là người sáng lập bộ môn Hệ thống nông nghiệp (1989). Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, nhiều bài viết được các báo, tạp chí trong và ngoài nước xuất bản.Ông qua đời lúc 11h 30 ngày 19 tháng 1 năm 2011 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội.

    TS. Lê Thành Ý

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gs-vs-dao-the-tuan-cuoc-doi-gan-bo-voi-su-nghiep-phat-trien-nong-nghiep-va-nang-cao-doi-song-nong-dan-a285776.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.