+Aa-
    Zalo

    Hà Nội: 1km có tới 7 ống xả thải, sông Kim Ngưu khó "hồi sinh"

    • DSPL
    ĐS&PL Sông Kim Ngưu đang phải hứng chịu một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh. Cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.

    Sông Kim Ngưu đang phải hứng chịu một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh. Cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.

    Sông Kim Ngưu hiện đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Xuân Đoàn.

    Ngày 15/8, tại Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm đề xuất ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu, đoạn từ đường Trần Khát Chân tới cầu Mai Động.

    Theo các chuyên gia, hệ thống sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu tạo nên hệ thống thoát nước chính cho Thủ đô Hà Nội nên việc xử lý hệ thống thoát nước, nâng cấp hạ tầng, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan là những vấn đề tiên quyết  trong công tác làm “sống lại” các dòng sông.

    Sông Kim Ngưu là nơi tập trung dân cư đông đúc, đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự quá tải hạ tầng, ô nhiễm trầm trọng về nước và không khí đang là dự án được thành phố tập trung xử lý, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước thải khu vực; chỉnh trang cảnh quan khu vực, từng bước tạo nên một tuyến sông, tuyến phố dọc sông thân thiện với người dân và du khách.

    Theo KTS Trần Tuấn Anh, đại diện Công ty CP R&D Quy hoạch (R&D Planners) - đơn vị tư vấn đề xuất ý tưởng cho biết, hiện tại, sông Kim Ngưu đang bị ô nhiễm nặng nề do nước thải sinh hoạt của các hộ dân, các khu tập thể, cơ quan xả thẳng ra sông, không qua xử lý. Theo nghiên cứu, cứ 1km sông Kim Ngưu lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.

    Sông Kim Ngưu cũng đang gánh đồng thời lượng nước thải lớn xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường: Lò Đúc, Trần Khát Chân. Cứ 1km lại có 7 ống cống xả thải trực tiếp ra sông. Ảnh: Xuân Đoàn.

    Sông Kim Ngưu cũng đang gánh đồng thời lượng nước thải lớn xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường: Lò Đúc, Trần Khát Chân. Các cửa thoát nước thải hai bên bờ đổ xuống lòng sông ở độ cao 2-3m so với đáy sông gây ô nhiễm không khí nặng. Vỉa hè rộng từ 5-6m nhưng thiếu sức hấp dẫn và không khuyến khích đi bộ. Một vài nơi không có rào chắn giữa đường và sông, gây nguy hiểm cho trẻ em và người già.

    Công ty R&D Planners đã xây dựng phương án cải tạo lại môi trường sông Kim Ngưu trên diện tích 42.000 m2, chiều dài hơn 1,2km từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân đến cầu Mai Động, trong tương lai sẽ hoàn thành toàn tuyến 3km nối với trạm bơm Yên Sở. Khi hình thành toàn tuyến, dự án sẽ đạt được mục tiêu cải tạo triệt để môi trường cảnh quan, ô nhiễm mùi và không khí cho sông Kim Ngưu.

    Theo phương án, việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu sẽ được thực hiện theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt. Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ (TMDV) phát huy yếu tố công cộng.

    Buổi tọa đàm thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia xây dựng. Nhiều ý kiến đồng tình với việc cải tạo lại dòng sông này. Tuy nhiên phương án và phương pháp cải tạo cần phải được tính toán kỹ lưỡng và đang có nhiều ý kiến khác nhau.

    Theo ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam góp ý: Cần đề xuất phương án quy hoạch toàn bộ dòng sông Kim Ngưu. Bên cạnh đó, hiện trong phương án giới thiệu đang có hệ thống thương mại dịch vụ quá nhiều, thiếu các dự án phục vụ công trình công cộng, nơi sinh hoạt cộng đồng. Ở một vài điểm nên làm cầu vượt sông. Điều này vừa tăng diện tích sử dụng vừa làm các công trình phục vụ cộng đồng.

    Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam nêu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: Xuân Đoàn.

    Nêu ý kiến về việc này, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, chúng ta quan tâm đến những dòng sông, mặt nước của Hà Nội mà khu vực đang quan tâm là điểm nóng, là khu vực phát triển giao thời giữa 2 thời kỳ (thời kỳ quá độ và thời kỳ phát triển kinh tế thị trường).

    Ông Quốc cho biết, ông ủng hộ việc cải tạo lại dòng sông gắn liền với nhiều sự tích lịch sử này. Tuy nhiên, cần phải có sự tính toán sao cho phù hợp, có sự nhận thức và hành động trong việc xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường ở đây.

    Còn theo PGS.TS Phạm Đức Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng VN: “Dự án cần được nghiên cứu triển khai trên toàn bộ chiều dài 3km của sông Kim Ngưu. Nếu chỉ thực hiện cải tạo trên 1,2km, nước thải đổ ra sông sau 1,2km sẽ hòa vào nước của dòng sông đoạn sau, gây ô nhiễm nặng nề hơn cho dân cư đoạn sông 2km còn lại.

    Cũng theo ông Nguyên, có thể nghiên cứu dự án theo 3 giai đoạn: Thoát nước thải sinh hoạt cho các công trình dân sinh hai bên sông suốt chiều dài 3km; Xử lý dòng chảy (nước mưa hoặc nước cấp) của sông và cuối cùng là đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, dịch vụ kinh doanh ven sông”.

    Bên cạnh đó, sẽ giải quyết vấn đề đậu xe công cộng thông qua bố trí các nhà đậu xe tự động, cao tầng và bố trí các dãy nhà thương mại, dịch vụ phù hợp với tổng thể, không ảnh hưởng đến cảnh quan, dòng chảy của dòng sông.

    Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến đầu năm 2018, bình quân mỗi ngày đêm người dân Hà Nội đưa ra môi trường tự nhiên khoảng 650.000 - 700.000 m3 nước thải và hơn 1.000 m3 rác. Do năng lực của hệ thống xử lý nước thải có hạn nên đến nay vẫn có khoảng 1/3 số nước thải nói trên không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi… của Hà Nội.

    Có thể kể ra khá nhiều sông đang bị ô nhiễm chảy qua địa bàn Hà Nội, như: Sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu… Kết quả phân tích nước tại các dòng sông này cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước đều đang ở mức đáng báo động; nhiều hàm lượng vượt gấp nhiều lần so với quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

    Xuân Đoàn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-1km-co-toi-7-ong-xa-thai-song-kim-nguu-kho-hoi-sinh-a240343.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan