+Aa-
    Zalo

    Hà Nội: Cảnh báo tình trạng “khan hiếm” nơi vui chơi cho trẻ em

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – Tại Hà Nội, rất nhiều địa điểm trở nên “khan hiếm” nơi vui chơi cho trẻ em.
    (ĐSPL) – Thực trạng tại Hà Nội, rất nhiều địa điểm trở nên “khan hiếm” nơi vui chơi cho trẻ em. Đây là câu hỏi lớn đặt ra đối với các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng và thi hành các thiết chế đảm bảo quyền vui chơi, giải trí của trẻ.
    [mecloud]dGfu5bfYVt[/mecloud]
    Thiếu chỗ chơi vì bị lấn chiếm
    Theo phản ánh của một số hộ gia đình sống tại ngách 358/40 Bùi Xương Trạch (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), phần đất quanh bờ hồ sinh thái (cụm dân cư số 9) xưa nay vốn là “đất công” để người dân và trẻ em vui chơi và thư giãn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Khương Hạ đã ký cho  tư nhân là chị Hoàng Thanh Minh thuê để phát triển kinh tế.

    Hồ sinh thái (cụm dân cư số 9).

    Ngoài việc khai thác diện tích mặt nước từ bờ hồ, chị Minh còn kinh doanh vật liệu xây dựng (cụ thể là xếp gạch) trên phần đất công khiến các hộ gia đình tại cụm dân cư số 9 rất bức xúc.
    Chị Nguyễn Thu Nga (địa chỉ ngách 358/40 Bùi Xương Trạch) cho hay: “Phần đất này xưa nay các hộ gia đình đều coi là nơi để trẻ nhỏ vui chơi, người dân thư giãn. Tuy nhiên, kể từ ngày những vật liệu xây dựng được kinh doanh tại đây, chúng tôi đã mất nơi thư giãn, các em nhỏ không có nơi để vui chơi khi chiều muộn. Nguy hiểm hơn, các khối gạch được xếp rất cao, đặt chìa ra gần lòng đường, các phương tiện lưu thông qua đây đều rất lo lắng bởi nhỡ không may ai đi qua bị gạch rơi thì sao?”.
     

    Diện tích ven hồ là nơi vui chơi của người dân bị dùng làm lều quán, nơi xếp vật liệu xây dựng.

    Chưa có cách xử lý
    Trả lời về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Giới, Chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Khương Hạ cho hay: “Thực tế người dân đã hiểu sai về phần đất xung quanh mặt hồ. Diện tích mặt hồ và phần đất xung quanh hoàn toàn do HTX quản lý, đây là tài sản của toàn bộ các xã viên HTX Khương Hạ. Vì vậy nói diện tích đất mặt hồ là đất công thì không đúng”.
    Đề cập tới vấn đề phần đất ven hồ bị tư nhân trưng dụng kinh doanh vật liệu xây dựng, gây nguy hiểm cho người dân lưu thông qua đây, bà Giới cho hay: “Về vấn đề này, chúng tôi đã trực tiếp xuống hiện trường khảo sát. Chúng tôi đã có nhắc nhở và kiến nghị lên UBND quận, Công an phường Khương Đình không cho phép xếp vật liệu xây dựng như vậy nữa. Thời gian tới, nếu tiếp tục tái phạm chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan công an có bước xử lý cứng rắn hơn”.
    Bà Giới chia sẻ: “Dù phần đất ven hồ không phải là đất công, tuy nhiên từ xưa tới nay chúng tôi vẫn tạo điều kiện để người dân tới đó vui chơi, nghỉ ngơi. Về các quán hàng nước dựng tạm, chúng tôi cũng đã có kiến nghị lên phường nhưng hiện vẫn chưa có cách xử lý.”
    Bức xúc của người dân ngách 358/40 Bùi Xương Trạch cũng là bức xúc chung của rất nhiều hộ gia đình sống tại Hà Nội. Tất cả chỉ vì Thủ đô quá thiếu khu vui chơi dành cho trẻ em.
    Thực tế, trong khi các khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân được đầu tư xây dựng ồ ạt thì quỹ không gian công cộng dành cho thiếu nhi vui chơi tại trung tâm và các quận huyện của thủ đô Hà Nội lại ngày càng bị thu hẹp.
    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã chỉ rõ thực trạng trên khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luật về dự án “Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. “Cứ nói phải có sân chơi cho các cháu nhưng có đâu? Thời Pháp xây dựng quy hoạch góc phố nào trẻ em cũng có thể chơi được cả, giờ mình xây thì nào là cơi nới, rồi có miếng sân nào làm sạch, ra ngoài cũng chia sạch, cắt ô hết cả. Ngay cả khu mới cũng không có.Trong trường thì không đảm bảo tiêu chí, ngoài phố cũng thế, chủ yếu là xây nhà. Vỉa hè có những chỗ chơi của trẻ cũng bịt mất rồi, làm chỗ thuê đỗ ô tô, xe máy, xe đạp hết rồi. Ngay ở  nông thôn bây giờ cũng khó. Do đó sự chủ động từ phía Nhà nước quy định tiêu chuẩn cho xây dựng phải buộc phải làm thế nào, không làm như thế phải xử lý thì các cháu mới có chỗ chơi”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
    Trả lời câu hỏi chất vấn của HĐND TP.Hà Nội về sân chơi cho trẻ em Thủ đô, GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng cho biết hiện toàn TP hiện có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó 4 quận nội đô lịch sử có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ).
    Khu vực nội đô lịch sử có mật độ dân cư đông, mật độ xây dựng cao, thiếu quỹ đất cho sân chơi, vườn hoa. Trong khi vườn hoa, sân chơi vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích.
    Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các ngành rà soát, tham mưu để có giải pháp tổng thể phấn đấu mỗi phường bố trí tổ chức sân chơi riêng cho trẻ em, nơi nào thiếu quỹ đất thì kết hợp với các loại hình sinh hoạt văn hóa để tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi.
    Xuân Tùng
    [mecloud]ZzP17Fhtzs[/mecloud]
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-canh-bao-tinh-trang-khan-hiem-noi-vui-choi-cho-tre-em-a106128.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.