+Aa-
    Zalo

    Hà Tĩnh ngập sâu, Chủ tịch UBND TP thành lập Hội câu cá

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mưa lớn kéo dài, TP Hà Tĩnh luôn trong tình trạng ngập sâu. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND TP lại ra quyết định thành lập Hội... Câu cá?!

    (ĐSPL) - Mưa lớn kéo dài, TP Hà Tĩnh luôn trong tình trạng ngập sâu. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND TP lại ra quyết định thành lập Hội... Câu cá, tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.

    Từ đầu tháng 10/2016 đến nay, các tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế) nói chung và Hà Tĩnh nói riêng liên tiếp có mưa to kéo dài.

    Trận mưa lũ lớn từ 12 – 16/10 đã khiến nhiều người dân TP Hà Tĩnh phải cuống cuồng chạy lũ trong đêm.

    Trận mưa lớn vào tối 14/10 khiến nhiều tuyến phố ngập sâu.

    Nước chưa kịp rút thì những ngày đầu tháng 11 này, Hà Tĩnh liên tục có mưa to đến rất to, khiến nhiều khu vực tái ngập cục bộ.

    Tình trạng ngập lụt thường xuyên đã khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân TP Hà Tĩnh ít nhiều bị đảo lộn, giao thông đi lại rất khó khăn.

    Một số hình ảnh ghi nhận tại các tuyến phố nội thành phố Hà Tĩnh vào sáng và trưa 8/11:


    Sáng 8/11, nhiều tuyến đường nội thành biến thành hồ nước sâu.

    Đến đầu giờ chiều nay, các tuyến đường chính như Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông... vẫn ngập sâu, cơ quan chức năng phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

    Các xe cứu hộ luôn sẵn sàng ứng cứu phương tiện tại các tuyến phố gặp sự cố do ngập nước.

    Đường Nguyễn Du bị tê liệt, cảnh báo nguy hiểm.

    Điều khá bất ngờ, trong thời điểm toàn thành phố liên tục đối mặt với ngập lụt, người dân tìm cách khắc phục hậu quả của mưa lũ, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh đã ra Quyết định 2300/QĐ-UBND, ngày 1/11/2016 về việc Cho phép thành lập Hội... Câu cá.

    Nhiều ý kiến trái chiều về quyết định thành lập Hội Câu cá thể thao TP Hà Tĩnh. Một số người cho rằng, Hà Tĩnh đang chịu thiệt hại lớn do mưa lũ. Thời điểm này, thay vì thành lập Hội Câu cá để giải trí, cần tập trung công tác cứu trợ, chia sẻ, động viên với đồng bào vùng lũ.

    Nhiều ý kiến phản ứng về quyết định cho phép thành lập Hội Câu cá thể thao TP Hà Tĩnh.

    Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có người tỏ ra ủng hộ quyết định này. "Tôi thấy chủ tịch là người nhìn xa trông rộng. Thành phố bị ngập triền miên, thành lập hội câu cá cho người dân sinh hoạt là rất hợp lý và cần thiết", một bạn đọc giấu tên chia sẻ.

    Trong 2 ngày nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có mưa rải rác, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa tính từ đêm 6/11 đến 7h ngày 8/11 phổ biến 60 - 150mm, có nơi mưa lớn hơn như Hương Sơn: 188mm, Vũ Quang: 251mm, Hòa Duyệt: 188mm.

    Hiện nay, lũ trên các sông đang lên, mực nước lúc 8h ngày 8/11 trên sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ ở mức 10,62m trên BĐ1 0,12m; tại Hòa Duyệt ở mức 7,43m dưới BĐ1 0,07m, sông Ngàn Phố tại trạm Sơn Diệm ở mức 8,94m dưới BĐ1 1,06m.

    Cảnh báo: Từ 8 - 10/11, trên các sông khu vực Hà Tĩnh xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố có khả năng ở mức BĐ2 - BĐ3. Trên sông La có khả năng ở mức dưới BĐ1.

    Nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp.

    Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

    1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

    a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

    b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

    c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

    d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

    đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

    e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

    2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

    a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

    b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

    d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    PVMT

    Xem thêm video:

    [mecloud]TLrXOGm19N[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-tinh-ngap-sau-chu-tich-ubnd-tp-thanh-lap-hoi-cau-ca-a169642.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.