+Aa-
    Zalo

    Hai giáo sư từng đoạt “giải Nobel Toán học” tiết lộ về những thất bại “đầu đời”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từ các cuộc phiêu du Toán học của mình, hai giáo sư đã chia sẻ quan điểm về giáo dục cũng như những kinh nghiệm “xương máu” của bản thân

    (ĐSPL) - Lần đầu tiên, công chúng Việt Nam cùng một lúc được tiếp xúc với “ngôi sao” của làng Toán học thế giới: GS.Cédric Villani và GS.Ngô Bảo Châu. Hai giáo sư đều được trao Huy chương Fields (được coi như một giải Nobel Toán học) vào năm 2010 và giữ một vai trò tích cực trong lĩnh vực giáo dục, tại Pháp và tại Việt Nam.

    Từ các cuộc phiêu du Toán học của mình, hai giáo sư đã chia sẻ quan điểm về giáo dục cũng như những kinh nghiệm “xương máu” của bản thân, đồng thời đưa ra những lời tư vấn trực tiếp cho những bạn trẻ đang đi tìm “bí kíp” thành công.

    Công thức để thành công

    Hai giáo sư đã chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm của bản thân, từ lúc còn là học sinh cho đến khi nổi tiếng, cũng như với vai trò là một phụ huynh. Ngô Bảo Châu và Cédric Villani đã làm gì để có được thành công? Quan niệm về giáo dục của họ là gì? Họ giáo dục con cái ra sao?

    Có lẽ đó là những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất. Bởi công chúng tò mò về bản thân các vị giáo sư, những nhân vật xuất chúng, độc đáo, những người có khả năng mở ra những lĩnh vực mới phát triển tư duy, nghiên cứu và hành động.

    Đông đảo công chúng có mặt trong buổi hội thảo diễn ra tại trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội.

    Ngô Bảo Châu và Cédric Villani chia sẻ rằng, việc nhận được giải thưởng Fields là một bước ngoặt trong cuộc đời họ. Giải thưởng này khiến họ cảm thấy có trách nhiệm với xã hội nhiều hơn và tất nhiên, khiến họ nổi tiếng hơn.

    Tuy nhiên, để có được thành công đó, GS. Cédric Villani đã phải mất 2 năm tập trung nghiên cứu  “như điên”, còn GS. Ngô Bảo Châu mất 6 năm. Họ đã phải “vắt óc” hàng ngày trên các trang giấy và gặp vô vàn chướng ngại trước khi chạm tay đến thành công.

    “Bí kíp” thành công mà GS.Cédric Villani đúc rút cho các bạn trẻ là làm vì đam mê và luôn giữ lửa trong trái tim. Vị Giám đốc học viện Henry Poincaré chia sẻ: “Có nhiều người hỏi tôi rằng tình yêu Toán học của tôi có từ đâu? Tình yêu không bao giờ có câu giải đáp. Với tôi, toán là môn khoa học gần gũi nhất với cuộc sống vì lời giải mỗi bài toán nằm trong bản thân mỗi người...”.

    GS.Ngô Bảo Châu đồng ý rằng làm những gì mình yêu thích sẽ thành công. Ông nói thêm rằng thành công sẽ đến với những ai chân thành.

    “Những gì tốt đẹp luôn không dễ đạt được. Không kiên trì, không quan tâm, không dốc sức không bao giờ thành công. Toán học có nguyên lý cơ bản đơn giản và hiệu quả: Cái gì đẹp thì chúng ta nên theo. Trong cuộc sống hàng ngày không phải lúc nào cũng áp dụng được nguyên lý đó nhưng chắc chắn khi dành tâm huyết thì ta sẽ có kết quả”, vị giáo sư người Việt chia sẻ.

    Cách dạy con của các giáo sư

    Chính vì xuất phát từ niềm đam mê nên cả hai giáo sư, không ai ép hay định hướng con cái mình theo nghiệp của cha. Hai con của GS.Cédric Villani đều học chuyên nhạc ông là người duy nhất trong gia đình theo Toán học và ông cảm thấy vui khi có thể khuyến khích các con phát triển khả năng của riêng chúng.

    Với môn Toán, ông hướng tới việc truyền cảm hứng, truyền đam mê yêu thích nhiều hơn việc giảng dạy nội dung môn học. Chính vì thế, vị giáo sư này cho rằng điều kiện đầu tiên của giảng viên là phải có sự đam mê, việc truyền động lực cho học sinh là điều quan trọng hơn những yếu tố khác. Cần nhìn khả năng của học sinh và đặt ra một mục tiêu khó hơn khả năng của học sinh một chút để kích thích trí tò mò, khuyến khích học sinh học hỏi.

    GS.Châu chia sẻ về buổi học đầu tiên ông được bố mình dạy học môn Toán. “Khi đó tôi khoảng 10 tuổi, bố tôi đưa cho tôi một đề Toán và yêu cầu tôi giải nó. Sau khi đã suy nghĩ làm bài, tôi đưa bài giải cho bố nhưng ông không hiểu tôi viết gì. Ông giảng giải cho tôi và đến 10 phút sau thì tôi không hiểu bố tôi đang muốn tôi làm gì. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bố dạy Toán cho tôi”, GS.Châu kể.

    Ông lưu ý rằng quan hệ giữa bố mẹ và con cái rất khác quan hệ giữa thầy và trò, có thể học sinh sẽ chú ý lắng nghe mọi lời thầy giáo nói nhưng với bố mẹ thì điều quan trọng nhất là phải làm gương cho các con của mình.

    GS. Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ về thất bại “đầu đời” của mình khi bị trượt trong lần thi đầu tiên vào lớp chuyên khi còn là học sinh cấp 2. “Điều này tác động khá lớn tới lòng tự trọng của tôi và chính sự tự ái cá nhân đó là tiền đề cho sự thành công của tôi”, vị giáo sư chân thành nói.

    GS Cédric Villani cũng hài hước đưa ra một phương pháp cho các vị phụ huynh: “Như thầy giáo của tôi, bố của ông là một nhà Toán học và có cuộc sống rất khó khăn. Ông cấm con mình không được theo Toán nhưng chính sự ngăn cấm đó đã khiến cho tình yêu Toán của ông trỗi dậy mạnh mẽ hơn và sau này, thầy giáo tôi đã nhận được giải thưởng Fields. Vì vậy, nếu muốn các con theo một môn nào đó thì các vị hãy cấm các cháu không được học”.

    GS. Ngô Bảo Châu, GS. Cédric Villani và người dẫn chương trình, GS Dương Nguyên Vũ. 

    Trong cuộc phỏng vấn riêng của PV báo ĐS&PL với GS. Cédric Villani, ông tiết lộ rằng mình không hề áp dụng một thời gian biểu nghiêm ngặt như mọi người thường nghĩ. Ông làm việc tùy hứng, một phần vì phải di chuyển nhiều, còn phần lớn là vì đó là phong cách của ông.

    Có những ngày ông nghiên cứu Toán 20 giờ/ngày, có những ngày ông không đụng đến nó. Khi còn đi học, ông cũng thường xuyên “cúp cua” để tham gia các hoạt động ngoại khóa (ông là Chủ tịch hội Sinh viên). Và cũng như những sinh viên khác, ông phải đi làm thêm ở quán bar để tự lo cho các khoản chi tiêu.

    GS. Cédric Villani cũng chia sẻ những thống kê cho thấy trong 200 ngành nghề trên thế giới, nghề làm Toán được coi là nghề cao quý nhất. Phân tích lý do, ông cho rằng Toán học là nghề có tương lai nhất và cũng là ngành có ứng dụng nhiều nhất trong cuộc sống như việc sử dụng các thuật toán trong công nghệ thông tin, phân tích số liệu thống kê trong tài chính kế toán hay việc giải quyết những phương trình để tạo ra một quả tim nhân tạo. Với ông, Toán có thể thay đổi tất cả và mọi thứ vận hành đều phải áp dụng các quy tắc toán học.

    Tuy nhiên, ở Việt Nam, GS. Ngô Bảo Châu ghi nhận thực tế đáng buồn về chuyện Toán học bị “thất sủng” và ông  cho đây là một điều không may. Và để giảm thiểu những điều không may như thế, ông cùng với các đồng nghiệp của mình đã sáng lập các viện nghiên cứu, tổ chức các khóa học cũng như tìm kiếm những suất học bổng tại nước ngoài để tạo cơ hội cho các học sinh thích Toán có thể theo đuổi đam mê. Ông nói: “Chúng ta nên làm mọi thứ có thể cho giấc mơ của cá bạn trẻ thành hiện thực”.

    THANH XUÂN 

    Xem thêm video: 

    [mecloud]BLl3VFYfWU[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-giao-su-tung-doat-giai-nobel-toan-hoc-tiet-lo-ve-nhung-that-bai-dau-doi-a109360.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.