+Aa-
    Zalo

    “Hai lúa miền Tây” và ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo tại TP.HCM

    • DSPL
    ĐS&PL Nhắc đến ký túc xá Cỏ May là người ta nhớ tới ông Phạm Văn Bên (quê Đồng Tháp), người luôn đồng hành với học sinh, sinh viên nghèo trên cả nước.

    (ĐSPL) - Những ngày này, ban quản lý ký túc xá Cỏ May đang sắp xếp, hoàn thành những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị đón tân sinh viên về ở vào năm học mới. Nhắc đến ký túc xá Cỏ May là người ta nhớ tới ông Phạm Văn Bên (quê Đồng Tháp), người luôn đồng hành với học sinh, sinh viên nghèo trên cả nước.

    Từ tấm lòng hai lúa miền Tây...

    Là người chị, người bạn thân tình với ông Bên, bà Nguyễn Thị Bao, năm nay 71 tuổi, Trưởng ban Quản lý ký túc xá Cỏ May kể với chúng tôi về ông Bên với tất cả tình cảm mến thương, chân thành nhất. “Tôi và ông Bên quen biết nhau từ lâu. Những năm 1980, tôi làm cán bộ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn ông Bên là hai lúa chính gốc miền Tây vượt lên khó khăn để kinh doanh. Ông lên ngân hàng vay vốn kinh doanh, tôi là cán bộ tín dụng đại diện ngân hàng cho vay. Do gặp gỡ nhiều lần, chúng tôi quý nhau như hai chị em”, bà Bao kể.

    Bà Bao cho biết, hai người sinh ra và lớn lên từ những vùng quê khác nhau. Bà Bao quê ở Nam Định, còn ông Bên ở Đồng Tháp. Nhưng do quý nhau trong làm ăn, họ như chị em kết nghĩa. Trước khi bị bệnh qua đời, ông Bên giao phó nhiệm vụ người quản lý ký túc xá cho bà. “Trước lúc đi xa, ông Bên nói với tôi: “Chị là người trực tiếp chịu trách nhiệm về xây dựng và quản lý ký túc xá này, không ai thay thế được”, bà Bao nhớ lại.

    Ký túc xá Cỏ May.

    Cũng theo lời kể của bà Bao, ông Bên qua đời hồi tháng Tư vừa rồi vì căn bệnh ung thư. Ông có 5 người con, hiện người con trai út của ông thay cha quản lý doanh nghiệp và âm thầm giúp nhiều học sinh, sinh viên nghèo. Ông tự tìm hiểu hoàn cảnh những học sinh khó khăn trên cả nước, âm thầm đi gửi tiền cho các em. Các con ông Bên luôn học được từ cha suy nghĩ của cho không bằng cách cho. Với ông, làm từ thiện là xuất phát từ tâm. Ông đích thân đến tìm hiểu hoàn cảnh và hỏi thăm, chia sẻ, động viên họ vượt qua gian khó. Quan trọng nhất với ông là biết chia sẻ và khích lệ để họ biết vươn lên trong cuộc sống chứ không phải đơn thuần giúp bằng vật chất.

    Bà Bao nói rằng, dự án ký túc xá Cỏ May được ông Bên ấp ủ từ lâu. Chứng kiến cảnh học sinh khó khăn không được tiếp tục đến giảng đường, ông cảm động và đã ấp ủ thực hiện dự án xây ký túc xá giúp học sinh nghèo trên cả nước. Nhưng đến năm 2015, ông Bên mới thực hiện được. Là tâm huyết cả đời nên sau khi biết mình bị bạo bệnh, ông Bên giao phó sự quản lý cho người bạn, người chị thân tình là bà Bao, còn người trực tiếp điều hành doanh nghiệp và cung cấp chi phí hàng năm chính là con trai út Phạm Minh Thiện.

    Cảm động trước tấm lòng của người cha quá cố, anh Phạm Minh Thiện chia sẻ thêm: “Trước khi mất, cha tôi còn đích thân lập ban tang lễ, do ông thông gia làm trưởng ban. Ngoài ra, cha tôi yêu cầu các con không được rải vàng mã, không được thổi trống kèn làm ảnh hưởng những người hàng xóm, giữ sạch môi trường... Dự án ký túc xá Cỏ May được cha đầu tư 37 tỉ đồng. Ngoài ra hằng năm, doanh nghiệp tư nhân Cỏ May mà người trực tiếp tôi sẽ đầu tư 15 tỉ đồng, bao gồm chi phí học tập, ăn ở cho những sinh viên nghèo, học giỏi vào ở học tập tại đây”.

    ...Đến mô hình ký túc xá hiện đại đầu tiên của Việt Nam

    Bà Nguyễn Thị Bao, Trưởng ban quản lý ký túc xá nhấn mạnh, ký túc xá Cỏ May được bắt đầu xây dựng từ tháng 9/2015, dự kiến khánh thành tháng 10/2016. Dự án nằm trong khuôn viên trường đại học Nông Lâm TP.HCM (thuộc khu phố 6, phường Linh Trung quận Thủ Đức, TP.HCM) với tổng diện tích 2.600m2 ,thiết kế 54 phòng học, mỗi phòng 45m2 , dành cho 400 sinh viên ở. Ký túc xá có vị trí gần các trường đại học thuộc đại học Quốc gia TP.HCM, đại học Sư phạm Kỹ thuật, đại học Ngân hàng... Đặc biệt ký túc xá trang bị đầy đủ đồ dùng cho sinh viên, như tủ quần áo, bàn học tập, khu nhà vệ sinh, nhà tắm khang trang, sạch sẽ. Mỗi phòng có 8 giường tầng, được trang trí khoa học, ngăn nắp. Đặc biệt ở vị trí gần bến xe bus lớn, sinh viên có thể dễ dàng đi đến các trường đại học trong khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ký túc xá ưu tiên cho đại học Nông Lâm TP.HCM 20\% tổng số suất ở của ký túc xá Cỏ May. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là ký túc xá từ thiện hiện đại bậc nhất, xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam.

    Bà Bao và ông Bên trước khi ông Bên qua đời. Ảnh gia đình cung cấp.

    Năm học mới 2016 -2017, ký túc xá sẽ tuyển thêm 200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhất vào ở. Ông Bên hy vọng đây sẽ là điểm tựa cho các sinh viên nghèo học giỏi. Họ là những sinh viên hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống để trở thành những công dân ưu tú góp phần xây dựng đất nước. Điều kiện để được tiếp nhận vào ở ký túc xá Cỏ May là: Tân sinh viên thi đậu vào các trường đại học công lập tại TP.HCM và các tỉnh lân cận tại TP.HCM có gia cảnh nghèo nhưng học giỏi.

    Cũng theo bà Bao, khi được vào ở ký túc xá Cỏ May, sinh viên sẽ được bao trọn gói từ chuyện ăn uống đến chi phí học tập kỳ đầu tiên. Các học kỳ tiếp theo sẽ căn cứ vào kết quả học tập của học kỳ trước đó để xét mức trợ cấp cụ thể. Nếu kết quả học tập xuất sắc vẫn được trợ cấp toàn bộ học phí. Ngoài ra, sinh viên được ở ký túc xá Cỏ May cũng được trợ cấp học phí, học những khóa kỹ năng mềm, học ngoại ngữ, tin học, khiêu vũ... để đảm bảo sự phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu công việc của xã hội văn minh hiện đại. Bên cạnh những ưu đãi đó, những sinh viên học tập không tốt, thiếu rèn luyện đạo đức tư cách... sẽ bị đưa ra khỏi ký túc xá.

    Để được vào ở ký túc xá Cỏ May, sinh viên cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Học bạ 3 năm học trung học phổ thông, bản photo- copy, phiếu báo điểm thi đại học hoặc kết quả học tập của các học kỳ, năm học trước đó; Giấy xác nhận hộ nghèo ở địa phương; Thư tay tự giới thiệu về bản thân, giới thiệu về bản thân, hoàn cảnh gia đình, quá trình vượt khó để hoàn thành bậc trung học phổ thông, động cơ và ước muốn với ngành nghề lựa chọn, số điện thoại người thân, giáo viên chủ nhiệm...

    Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Bao cười bảo: “Lúc mới đến nhận công trình, bên nhà thầu cũng ngạc nhiên khi thấy một bà già lớn tuổi như tôi lại là chủ quản lý dự án. Không chỉ thế, mấy lần thanh tra xây dựng đến kiểm tra, họ bảo chưa thấy ai là chủ quản lý công trình xây dựng lớn như thế lại là một cụ bà. Lúc đầu khó khăn, nhưng rồi cũng qua cả. Tôi thấy việc làm phù hợp nên tôi nhận làm. Tuy nhiên sẽ có hai giám sát phụ việc cho tôi. Công trình do tôi quản lý chỉ hoàn thành sau 9 tháng, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Đây là niềm tự hào của chúng tôi”.

    Người thầy lớn, nhân cách lớn

    Ngày ông Bên mất, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ nỗi đau bằng bài điếu văn đầy cảm động, với tựa đề “Vĩnh biệt anh Út Bên, một người thầy, một nhân cách lớn”. Trong đó có đoạn viết: “Nhìn anh hỏi han từng công nhân, chăm chút đời sống cho mọi người bằng sổ tiết kiệm, bằng quỹ học bổng, xây nhà cho người nghèo... mới biết anh đối nhân xử thế như thế nào. Anh đối đãi với cộng sự, với người giúp việc, lao công, bốc xếp của mình như những người thân, những ân nhân đã giúp anh vượt qua sóng gió thương trường...”.

    LÀNH NGUYỄN

    [mecloud]iNAQB5nQoD[/mecloud]
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-lua-mien-tay-va-ky-tuc-xa-mien-phi-cho-sinh-vien-ngheo-tai-tphcm-a142468.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan