+Aa-
    Zalo

    Hải quân Việt Nam đón 2 tàu chiến Philippines tại Cảng Cam Ranh

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Tàu chiến BRP Ramon Alcaraz (FF-16) của Hải quân Philippines đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 4 ngày.

    (ĐSPL) - Tàu chiến BRP Ramon Alcaraz (FF-16) của Hải quân Philippines đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 4 ngày.

    Tin tức trên báo VnExpress cho biết, chuyến đi do đề đốc Robert A.Mogol làm trưởng đoàn; tổng số sĩ quan và thủy thủ đoàn là 126 người.

    Chuyến thăm lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa quân đội và hải quân hai nước Việt Nam - Philippines, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và tham gia các hoạt động diễn tập tìm kiếm cứu hộ, hỗ trợ nhân đạo trên biển giữa hai quốc gia.

    Tàu chiến của Hải quân Philippines tiến vào Cảng quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Thanh niên.

    Theo báo Thanh niên, tàu dài 115m, rộng 13m, mớn nước 2,67m, đây được xem là một trong những tàu chiến lớn nhất của Hải quân Philippines

    BRP Ramon Alcaraz là chiến hạm lớn thứ 2 mà hải quân Philippines mua lại của Mỹ hồi năm 2013. Con tàu đầu tiên mang tên BRP Gregorio Del Pilar (PF15), được chuyển giao cho hải quân Philippines vào tháng 5/2011.

    Nguồn tin cho hay, trong khuôn khổ chuyến thăm, thủy thủ đoàn của tàu BRP Ramon Alcaraz sẽ thăm xã giao UBND tỉnh Khánh Hòa; giao lưu với sĩ quan, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân Việt Nam và tham gia một số hoạt động khác.

    Được biết, từ khi khánh thành vào ngày 8/3/2016 đến nay, Cảng quốc tế Cam Ranh đã đón tiếp nhiều tàu quân sự của các nước như: Nga, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản... 

    Trước đó vào hồi tháng 9, Cảng quốc tế Cam Ranh đã đón tàu khách Legend of the Seas của hãng tàu Royal Carribean (quốc tịch Bahamas), với 1.800 du khách (quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc) cùng 740 thuyền viên.

    Nghị định 55/CP về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

    Điều 6.

    1. Tàu quân sự nước ngoài đến thăm phải được phép của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ khi có thủ tục khác quy định trong Hiệp định mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với quốc gia có tàu.

    2. Việc xin phép vào thăm của tàu quân sự (trừ tàu thăm chính thức) thực hiện qua đường ngoại giao chậm nhất là 30 ngày trước ngày dự kiến tàu vào cảng, (trừ khi có thủ tục khác đã được quy định trong Hiệp định hoặc thoả thuận giữa hai Chính phủ). Trong tờ khai xin phép cho tàu quân sự vào thăm Việt Nam phải ghi rõ:

    Tên tàu, loại tàu, số tàu, thông số kỹ thuật của tàu.

    Hình thức thăm (chính thức thăm xã giao thông thường).

    Cảng đến thăm.

    Thời gian đến cảng, thời hạn trú đậu.

    Tên, cấp bậc, chức vụ của thuyền trưởng đi trên tàu.

    Quân số của mỗi tàu về sĩ quan, hạ sĩ quan và những người cùng đi trên tàu.

    Số lượng người có quốc tịch khác với quốc tịch ở trên tàu.

    Thiết bị thông tin, tần số liên lạc đăng ký sử dụng trong thời gian vào thăm và hoạt động tại cảng.

    Đề nghị tiếp tế nhiên liệu, chương trình hoạt động và những yêu cầu khác của đoàn.

    3. Sau khi được phép vào thăm, 48 giờ trước khi vào lãnh hải Việt Nam, thuyền trưởng tàu quân sự nước ngoài phải thông báo cho Bộ Quốc phòng Việt Nam (Cục đối ngoại) để tổ chức đón tiếp. Trường hợp trên tàu có sự thay đổi về nội dung đã ghi trong tờ khai nêu ở khoản 2, Điều 6 trên đây, thuyền trưởng phải báo cáo và xin phép qua đường ngoại giao để giải quyết trước khi tàu vào cảng.

    4. Việc treo cờ của tàu quân sự nước ngoài khi đến Việt Nam, thực hiện theo thoả thuận qua đường ngoại giao giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ của quốc gia mà tàu mang quốc tịch.

    Điều 7. Khi đến lãnh hải Việt Nam để vào cảng, tàu quân sự nước ngoài phải thực hiện các quy định sau:

    1. Tàu ngầm phải ở trạng thái nổi.

    2. Tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu.

    3. Đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không và ở trạng thái bảo quản.

    4. Dừng lại ở vùng đón trả hoa tiêu để làm thủ tục nhập cảnh và theo hướng dẫn của cảng vụ, hoa tiêu Việt Nam.

    5. Chỉ được sử dụng các thiết bị cần thiết bảo đảm cho an toàn hàng hải và tần số liên lạc đã đăng ký.

    6. Đến đúng cửa khẩu cảng theo tuyến đường và hành lang quy định.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-quan-viet-nam-don-2-tau-chien-philippines-tai-cang-cam-ranh-a172829.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan