+Aa-
    Zalo

    Hàng trăm hộ dân làm đơn xin thoát nghèo, vươn lên làm giàu

    • DSPL
    ĐS&PL Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng hàng trăm hộ dân thuộc địa bàn miền núi Nghệ An đã làm đơn đề nghị thoát nghèo...

    Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng hàng trăm hộ dân thuộc địa bàn miền núi Nghệ An đã làm đơn đề nghị thoát nghèo, nhường lại chế độ của Nhà nước cho các hộ khác. Điều đó thể hiện quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ ỷ lại vào chế độ hỗ trợ của các hộ nghèo.

    Những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của người dân Nghệ An.

    Lan tỏa tinh thần vượt khó

    Một trong những người đi đầu trong việc xin thoát nghèo là ông Vi Văn Diện (SN 1955) bản Xằng, xã Lục Dạ, huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Không khó để hỏi thăm đến nhà người đàn ông này, bởi ngôi nhà sàn khang trang gia đình vô cùng nổi bật ở giữa bản. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng cách đây hơn 3 năm gia đình này lại thuộc hộ nghèo trong xã.

    Rót bát chè xanh, ông Diện kể, sinh ra ở mảnh đất được bao quanh bởi núi rừng, gia đình lại đông anh em, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy nên ông Diện “nghèo từ trong trứng nước”. Nhờ chính sách xóa mù chữ của Nhà nước, ông được đi học để viết cái tên của mình.

    Tròn 18 tuổi, cũng là thời điểm chiến tranh đang ác liệt, ông quyết định trốn nhà nhập ngũ và được tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1979, ông phục viên trở về quê, được bầu làm Bí thư chi đoàn xóm, Phó chủ nhiệm hợp tác xã. Đến năm 1984, ông Diện trúng vào hội đồng nhân dân xã. Cũng vào năm đó, ông vinh dự được kết nạp Đảng.

    “Mặc dù cố gắng lao động nhưng càng về già, sức khỏe càng yếu. Vợ chồng có 4 người con trai, vì thế dù chúng tôi làm lụng vất vả cũng chẳng đủ ăn. Năm 1995 là năm lần đầu tiên chính quyền địa phương xét duyệt hộ nghèo trên địa bàn, cũng từ đó gia đình luôn thuộc hộ nghèo cho đến thời điểm hiện nay”, ông Diện nói.

    Mặc dù được hưởng lợi từ những chính sách hộ nghèo, thế nhưng trong lòng ông Diện luôn cảm thấy xấu hổ. Ông nghĩ rằng mình là Đảng viên, là cán bộ xóm, vậy mà không nuôi nổi vợ con, phải nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước. Vì thế, cuối năm 2015, đầu năm 2016, khi thấy các con đã đủ tuổi khôn lớn có thể bắt đầu đi làm, thì ông quyết định viết đơn xin rút ra khỏi hộ nghèo.

    Nhớ về quyết định lúc ấy, ông Diện thừa nhận đó là việc “liều lĩnh”, nhưng là quyết định đúng đắn nhất. Cho đến thời điểm hiện nay, ông không hề hối hận với việc làm đó.

    Ông Diện cho hay: “Nếu thuộc diện hộ nghèo thì được bảo hiểm, xin thuốc không mất tiền, con đi học được miễn giảm. Tết còn có quà, gạo. Thế nhưng nếu ai cũng muốn hộ nghèo thì làm sao đời sống phát triển được. Hơn nữa, tôi làm như vậy cũng là muốn làm gương cho con cháu, luôn cố gắng chứ không được trông chờ vào Nhà nước”.

    Trước những tấm gương đi trước, vừa qua, trong đợt xét hộ nghèo năm 2020, anh Kha Văn Tuất (SN 1984) trú tại bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông cũng đã mạnh dạn viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo. Nói về việc này, anh Tuất ngại ngùng cho biết, thời điểm mới lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng anh còn gặp nhiều khó khăn khi đất đai ít, nguồn vốn chưa có, chưa biết cách làm ăn... vì vậy luôn thuộc hộ nghèo.

    “Từ khi vào Đảng thì tôi luôn cảm thấy xấu hổ. Tôi còn trẻ khỏe mà cứ nghèo mãi thế này thì làm sao được. Các gia đình trong bản còn khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải ra khỏi hộ nghèo để quyết tâm làm giàu. Sau đó, tôi bàn với vợ, và cho đến ngày xã bắt đầu họp bàn về việc hộ nghèo cho năm sau thì tôi quyết định viết đơn xin rút”, anh Tuất nói.

    Nội dung đơn xin rút khỏi hộ nghèo của anh Tuất nêu “Tôi còn trẻ, còn đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên thoát nghèo. Là Đảng viên, tôi xin tiên phong ra khỏi hộ nghèo để góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng là để gia đình tự nỗ lực phấn đấu”.

    Sau gia đình anh Tuất, ở Thạch Ngàn có thêm 6 hộ đã gửi đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo. Đó là hộ anh Lữ Văn Hoài ở bản Tổng Xan; Vi Văn Tâm ở bản Kẻ Gia; Bùi Đức Minh ở bản Đồng Tâm; Lô Thị Chuyền, Lô Văn Chồng và Nguyễn Hữu Anh ở bản Khe Đóng. Các hộ này đều chung một lý do là kinh tế gia đình đã tạm ổn. Ông Vi Trung Định, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cho biết, xã hiện còn 398 hộ nghèo, chiếm khoảng 28%; hơn 700 hộ cận nghèo.

    Nguyên nhân do địa bàn xã thuộc vùng núi cao, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Tuy nhiên, từ gần 10 năm trở lại đây, rất nhiều người dân quyết tâm vươn lên, viết đơn xin thoát nghèo để... làm giàu.

    “Tính từ năm 2012 - 2018, toàn xã có 34 hộ làm đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo, trong đó nhiều nhất là năm 2014 với 15 đơn. Cá biệt, năm 2017 có ông Lương Văn Quang (bản Đồng Thắng) đang điều trị ung thư dạ dày nhưng vẫn làm đơn xin thoát nghèo. Hành động này chứng tỏ người dân đã ý thức được việc thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước nữa”, ông Định nói.

    Gần 400 lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo

    Bà Kha Thị Tím, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, điều đáng mừng là không chỉ xã Lục Dạ và Thạch Ngàn, mà ở các xã Môn Sơn, Bồng Khê, Mậu Đức,... cũng có nhiều hộ làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Tính riêng trong năm 2018, toàn huyện có 61 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.

    Từ 2016 đến nay, có 383 hộ xin ra khỏi diện hộ nghèo, góp phần giảm từ 4 - 5% tỉ lệ hộ nghèo hàng năm ở địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định và bền vững.

    “Những năm gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện phong trào người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Có thể xem đây là một tín hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chứng tỏ bà con bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tư tưởng trông chờ, ỷ lại đang dần được xóa bỏ”, bà Kha Thị Tím nói.

    Ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông khẳng định đây thực sự là một làn gió mới cho “cuộc cách mạng” giảm nghèo ở địa phương miền núi này. Có được những kết quả nêu trên là nhờ các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể trên toàn huyện đã trải qua 10 năm bền bỉ thực hiện một chủ trương đúng đắn và sự nỗ lực của các hộ dân.

    Lý giải về việc này, ông Hùng cho hay, việc làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo của bà con nhân dân cho thấy, nhận thức của người dân không còn trông chờ, ỷ lại và có ý thức vươn lên thoát nghèo; phấn đấu làm giàu theo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

    Trong đó, cán bộ, Đảng viên là những người tích cực phát triển kinh tế để đưa gia đình mình thoát nghèo, phải là người gương mẫu xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn, bản, từ đó vận động, giúp đỡ nhân dân cùng thoát nghèo.

    “Địa phương luôn tuyên truyền và có các cơ chế, mô hình để nhân dân áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó, nhân dân huyện Con Cuông đã hiểu và trở thành phong trào thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống”, Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết thêm.

    Có thể nói Con Cuông là địa phương đi đầu trong phong trào người dân viết đơn xin thoát nghèo. Năm 2019 này, tính đến hết tháng Mười đã có gần 20 hộ viết đơn. Từ huyện Con Cuông, phong trào lan tỏa sang các huyện Anh Sơn, Quỳ Châu, Tân Kỳ... thể hiện tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống của người dân nơi đây.

    Anh Ngọc

    Bài đăng ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 185

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-tram-ho-dan-lam-don-xin-thoat-ngheo-vuon-len-lam-giau-a301760.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan