+Aa-
    Zalo

    Hạnh phúc giản đơn của chàng Thủ khoa học viện Kỹ thuật quân sự

    • DSPL
    ĐS&PL Thừa nhận mình từng khá nghịch ngợm thời học phổ thông, nhưng chàng Thủ khoa học viện Kỹ thuật quân sự đã có bước “chuyển mình” đầy ấn tượng.

    Đối với tân Thủ khoa học viện Kỹ thuật quân sự này, chỉ cần trở thành giảng viên, được tiếp tục nghiên cứu và có thể dành thời gian tĩnh tâm nghiền ngẫm những bài báo khoa học yêu thích, đã là một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn.

    Sự “lột xác” hoàn hảo

    Thừa nhận mình từng khá nghịch ngợm thời học phổ thông, nhưng chàng Thủ khoa học viện Kỹ thuật quân sự đã có bước “chuyển mình” đầy ấn tượng từ những ngày bước vào môi trường mới. Đó là câu chuyện của Nguyễn Duy Tùng Khánh (SN 1995), tân Thủ khoa năm 2019, bước ra từ khoa Công nghệ thông tin với niềm đam mê kỳ lạ.

    Chị Bùi Thị Nhài (SN 1971), mẹ Tùng Khánh vẫn còn nhớ như in ngày cậu con trai cất tiếng khóc chào đời đúng ngày thành lập Đảng, ngày 3/2/1995. “Có lẽ là duyên, nên con càng lớn càng thể hiện sự chững chạc, chín chắn, con có những nguyên tắc sống mà nhiều người lớn nhìn vào còn phải tấm tắc”, mẹ Khánh chia sẻ.

    Thuở nhỏ, Tùng Khánh ước mơ trở thành bác sĩ, mỗi lần mẹ ốm, cậu hay thì thầm vào tai mẹ: “Sau này, con sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ nhé?!”. Nhưng có lẽ, lớn lên tại mảnh đất vùng biên Lào Cai và thấm chút hơi hướng của mẹ (từng tham gia lực lượng không quân từ năm 1989), nên khi vào lớp 10, Tùng Khánh lại muốn được đứng trong hàng ngũ quân đội để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ đất nước.

    Tùng Khánh trong lễ Tuyên dương Thủ khoa

    Những ngày đầu trở thành học viên của học viện Kỹ thuật quân sự, đối với Tùng Khánh giống như một giai đoạn để “lột xác”. “Trước đó, hồi học phổ thông, tôi cũng chỉ là một học sinh bình thường như bao chàng trai khác, có những trò nghịch ngợm “tuổi ô mai”. Vào đại học, các bạn sinh viên trường ngoài có thời gian làm quen với môi trường mới, còn trong môi trường quân đội, vừa xuống Hà Nội là “vào khuôn” ngay, môi trường đối với tôi là thay đổi hoàn toàn 180 độ”, Khánh chia sẻ.

    Tuy nhiên, sau 6 tháng huấn luyện tại trường Sĩ quan Lục quân 1, Khánh thấy mình trưởng thành lên nhiều. Trở về học viện, không còn cường độ huấn luyện cao, chủ yếu dành thời gian cho học tập, nghiên cứu chuyên môn, Tùng Khánh ngày càng yêu thích ngành học của mình, Công nghệ thông tin. Vốn là một nam sinh chuyên Toán khi còn học tập tại trường THPT chuyên Lào Cai, Khánh khá tự tin với những kiến thức chuyên môn được tiếp cận tại học viện. Bởi lẽ, học Toán tốt thì sẽ có lợi thế nền tảng thuật toán tốt, nghiên cứu về Tin học dễ dàng và chuyên sâu hơn.

    Hạnh phúc giản đơn của chàng Thủ khoa

    “Với nhiều người, cuộc sống hạnh phúc là một cái “đích” thật vĩ mô, thật long trọng, nhưng với tôi, đó chỉ đơn giản là tôi được sống và cống hiến đúng đam mê”, Tùng Khánh bắt đầu câu chuyện.

    Kết thúc gần 6 năm gắn bó với học viện, chàng Thủ khoa được giữ lại làm giảng viên. “Mặc dù phải trải qua một quá trình phấn đấu và nỗ lực nữa tôi mới được đứng trên bục giảng, nhưng tôi đã bắt đầu yêu công việc này. Còn gì tuyệt vời hơn khi được nghiên cứu và truyền đạt những gì mình biết cho thế hệ sau, mà lại góp phần cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc?! Đó là niềm hạnh phúc đáng tự hào!”, chàng Thủ khoa phấn khởi cho biết.

    Chàng Thủ khoa xuất sắc đã có hành trình rèn giũa thật năng động tại học viện, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia các kỳ thi Olympic và có nhiều bài báo khoa học được công bố tại các hội thảo quốc tế năm 2017, 2018. Nhưng có lẽ, dấu ấn lớn nhất đối với chàng trai 24 tuổi này chính là giải Vô địch cuộc thi Cuộc đua số với chủ đề “Xe tự lái” do tập đoàn FPT tổ chức năm 2017.

    Đó là năm đầu tiên tổ chức cuộc thi, Tùng Khánh hào hứng tham gia, bởi trước đó vốn đã rất thích thú với những cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, tương tự như robocon. Khánh cùng 3 người bạn đồng hành khác đã có chuỗi ngày “ăn ngủ trong phòng thí nghiệm” đến hơn 3 tháng ròng rã. Đó cũng là một trong những đoạn đường đáng nhớ nhất của cậu học viên trẻ, chính những ngày tháng lăn lộn cùng bạn bè trong phòng thí nghiệm đã tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho Khánh, chưa bao giờ cậu cảm thấy yêu công việc này đến như vậy.

    Khánh và đồng đội chắc chắn sẽ không bao giờ quên sự cố khi cả đội gặp rắc rối tưởng chừng như không thể xử lý được. Ngay trước cuộc thi, chiếc xe dự thi gặp trục trặc. “Trước đó xe vẫn chạy tốt nhưng không hiểu sao, đến trước giờ bắt đầu thì xảy ra sự cố, tâm lý lúc đó ai cũng lo lắng. Nhưng tôi đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và cả đội tập trung tìm phương án thay thế... Cuối cùng, cả đội vẫn giành giải Vô địch...”, Khánh nhớ lại.

    Hơn hai năm đồng hành cùng Khánh, TS. Nguyễn Việt Hùng, Chủ nhiệm bộ môn An toàn thông tin, khoa Công nghệ thông tin, học viện Kỹ thuật quân sự cũng đánh giá khá tốt về cậu học trò: “Khánh là sinh viên chăm chỉ, có khả năng tự học tốt, tham gia nghiên cứu từ năm 2 đại học, có khả năng nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau và lĩnh vực nào cũng đều xuất sắc”.

    Đứng trước một chàng trai lạc quan, năng động, có lẽ, ít ai có thể ngờ, hồi mới vào đại học, chỉ cần gặp một bài toán giải tích khó, Tùng Khánh cũng có cảm giác muốn bỏ cơm. Sau vài tháng, Khánh bắt đầu vực dậy tinh thần: “Vào học viện, tôi xác định mình không thông minh so với nhiều bạn, vì vậy, phải sử dụng chiến thuật “cần cù bù thông minh”. Nhưng cũng không phải học quá nhiều, mà tôi học trong lạc quan, luôn suy nghĩ tích cực, cứ nghĩ mình làm được thì sẽ làm được”.

    Tùng Khánh bật mí, cậu rất yêu thích tinh thần của “Nhà giả kim”, đặt niềm tin là nền tảng và xây dựng một kế hoạch, nỗ lực phấn đấu là phương pháp để hướng đích. Khánh ước mơ được đặt chân đến những vùng đất mới, khám phá, học tập tinh hoa để trở về phục vụ đất nước.

    Lời hẹn với mẹ

    Là con trai duy nhất trong gia đình, nên khi Tùng Khánh bày tỏ nguyện vọng thi vào một trường thuộc khối ngành quân đội, mẹ Khánh cũng có đôi chút hơi do dự. Nhưng rồi, nghĩ đến quyết tâm của con, chị lại nhiệt tình ủng hộ. Cuối năm lớp 11, bố Khánh lâm bệnh rồi đột ngột qua đời. Đây là cú sốc lớn đối với cả hai mẹ con Khánh. Chị Nhài không giấu nổi nét xúc động khi nhớ lại: “Hôm ấy, Khánh nói với mẹ: “Con chỉ xin khóc nốt từ trên đường đưa ba từ bệnh viện về nhà, nhưng khi về đến nhà, con sẽ không khóc nữa. Con sẽ lo cho ba chu toàn”. Lúc đó, có lẽ, nhìn thấy mẹ yếu đuối nên Khánh tự vực dậy bản thân, tỏ ra bản lĩnh để làm chỗ dựa cho mẹ”.

    Sau khi bố mất, Khánh cũng có chút mất thăng bằng trong học tập, nhưng mau chóng “khôi phục” phong độ. Vốn là một cậu con trai tâm lý và tình cảm, biết mẹ sống một mình sẽ buồn nên ngày nào Khánh cũng dành thời gian gọi về tâm sự với mẹ. “Thương mẹ nhất là hai năm liên tiếp tôi không về đón Tết cùng mẹ.

    Năm đầu tiên là 2016, tôi ở lại trực Tết, còn năm thứ hai là 2017, tôi được thực tập bên Nhật, nhưng đúng dịp Tết Nguyên đán nên không thể về quây quần cùng mẹ. Năm đó, đúng Giao thừa, tôi gọi về hình như còn nghe tiếng mẹ sụt sùi...”, chàng Thủ khoa xúc động nhớ lại. Năm đó, biết con phải trực Tết cũng khá buồn, nhưng đó là nhiệm vụ, chị Nhài lại nghĩ đến mặt tích cực, chị bảo: “Nhà chỉ hai mẹ con, con không về đón Tết cũng buồn, nhưng nhìn con trưởng thành thì lại thấy mừng. Tết năm 2017, con làm gì bên Nhật cũng cập nhật về cho mẹ biết, nên mẹ cũng bớt tâm trạng, cảm thấy tự hào nhiều hơn”.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 201

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-phuc-gian-don-cua-chang-thu-khoa-hoc-vien-ky-thuat-quan-su-a305439.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan