+Aa-
    Zalo

    Hành trình 5 năm "đi tìm" con đầy gian nan của cặp vợ chồng hiếm muộn

    • DSPL
    ĐS&PL Đầu năm nay, vợ chồng chị thực hiện IVF và hai con đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

    5 năm hiếm muộn, dù đã đi chữa trị nhiều nơi thế nhưng vợ chồng chị T. vẫn không "tìm" được con. Đến đầu năm nay, vợ chồng chị thực hiện IVF và hai con đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. WHO cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao, 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Ước tính cả nước hiện nay có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị.

    Vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, sau ung thư và bệnh tim mạch - Ảnh: Thời đại

    Với sự tiến bộ của y học hiện đại, các gia đình có thể chọn nhiều phương pháp điều trị, như IUI, ICSI, IVF… Trong đó, IVF - thụ tinh trong ống nghiệm có tỷ lệ thành công cao.

    Theo Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA), Hà Nội, 20 năm trước, tỷ lệ thành công trung bình của thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam 20-30%, nay đã lên 40-50%, có nơi trên 50%.

    Tại hội thảo quốc tế về hỗ trợ sinh sản ở TP HCM ngày 25/8, bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM cho biết, điều trị hỗ trợ sinh sản là dựa vào đặc điểm của từng bệnh nhân để có phác đồ phù hợp. Kỹ thuật chữa vô sinh của Việt Nam hầu như đã bắt kịp thế giới.

    Nhờ có IVF, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tìm thấy hạnh phúc trong tiếng cười trẻ thơ.

    5 năm 'đi tìm' con, vợ chồng hiếm muộn hạnh phúc vô bờ khi sinh đôi

    Ngắm 2 con trai sinh đôi đang say giấc trong vòng tay của người thân, chị Nguyễn Thị T. (huyện Duy Tiên, Hà Nam) rất hạnh phúc. Chị cho biết, vợ chồng hiếm muộn đã lâu. Cả hai đi khám và điều trị ở nhiều nơi, trong đó, có 2 lần làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng chưa thành công.

    Đầu năm 2018, chị T. được biết BV Bưu điện có tổ chức tuần lễ khám, tư vấn miễn phí cho các bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn nên đăng ký tham gia. Vợ chồng chị rất lo lắng bởi đã biết nguyên nhân hiếm muộn do đâu, dù vậy với hy vọng “còn nước còn tát” gia đình vẫn quyết định làm IVF.

    Niềm hạnh phúc của gia đình chị T. sau 5 năm hiếm muộn - Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

    Sau khi chồng thực hiện phương pháp lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA) ngày 17/3/2018, chị T. được chuyển phôi và thành công ngay trong lần đầu tiên. Đặc biệt, chị mang thai đôi khiến gia đình rất vui. Để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc thai nhi, vợ chồng chị T. thuê nhà gần BV.

    Sau 9 tháng chờ đợi, ngày 13/11 chị T. đã sinh mổ an toàn 2 bé trai kháu khỉnh, mỗi bé nặng gần 3kg. “Khi biết mình đã đậu thai, tôi đã khóc vì sung sướng. Suốt 5 năm qua, chúng tôi đã mong chờ con từng ngày, từng giờ. Đến giờ, tôi mới được biết cảm giác làm mẹ. Tôi hạnh phúc vô cùng!”, chị T. chia sẻ.

    TS. Hồ Sĩ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, cho biết, tại Việt Nam, có khoảng 7,7% trong tổng số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản (khoảng 1 triệu cặp vợ chồng) gặp phải các vấn đề vô sinh, hiếm muộn.

    Trước đây, theo quan niệm cũ lệch lạc, khi vợ chồng không có con, mọi tội lỗi thường bị đổ cho người phụ nữ. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, nguyên nhân dẫn đến vô sinh do nữ chỉ 40%; 40% do nam và 20% chưa rõ nguyên nhân.

    Bác sĩ Hùng cho biết, thông thường, với nam giới, nguyên nhân vô sinh thường do không có tinh trùng vì không có quá trình sinh tinh do suy tinh hoàn hoặc do tắc nghẽn hệ thống dẫn tinh. Một số trường hợp có tinh trùng nhưng yếu, ít, bất thường về số lượng, độ di động, hình thái,… Nguyên nhân nam giới không có tinh trùng, hoặc tinh trùng yếu là do sự bất thường bẩm sinh về gene, hoặc hệ quả của các bệnh quai bị, viêm tinh hoàn. Ngoài ra, những người uống rượu hút thuốc, sử dụng ma túy và tuổi cao cũng ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

    Còn với nữ giới, nguyên nhân vô sinh có thể do tắc vòi trứng; rối loạn buồng trứng (buồng trứng đa nang, mất chức năng hạ đồi, suy buồng trứng sớm); lạc nội mạc tử cung; những bất thường xảy ra ở cổ tử cung và tử cung. Ngoài ra, yếu tố khác là tuổi sinh đẻ cao, hút thuốc lá, cân nặng… cũng làm cho tỷ lệ có thai giảm xuống.

    “Không phải người nào cũng mắc các bệnh tương tự nhau. Nếu quan hệ tình dục thường xuyên trong 1 năm mà chưa có thai, vợ chồng nên đi khám sớm để biết nguyên nhân chậm con là do ai, vì sao, từ đó sẽ được chỉ định biện pháp chữa trị phù hợp”- bác sĩ Hùng khuyên.

    Quỳnh Chi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-5-nam-di-tim-con-day-gian-nan-cua-cap-vo-chong-hiem-muon-a252062.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan