Hành trình đi đòi công lý cho con của người cha già


Thứ 6, 05/06/2015 | 23:44


(ĐSPL) - Chỉ sau 7 tháng tại ngoại, Điền lại bị bắt giam. Cũng từ đây, khi Điền bị tống vào trại, hành trình đi tìm công lý của người cha già chính thức bắt đầu…

(ĐSPL) - Tại phiên phúc thẩm mở ngày 24/01/2014 của TAND tỉnh Ninh Bình, áp dụng khoản 2 Điều 107, khoản 1 Điều 227, điểm đ khoản 2 Điều 248 và Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự, TAND tỉnh Ninh Bình đã hủy bản án sơ thẩm số 45/2013/HSST ngày 8/11/2013 của TAND thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, tuyên bố bị cáo Vũ Phan Điền không phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, chỉ sau 7 tháng tại ngoại, Điền lại bị bắt giam. Cũng từ đây, khi Điền bị tống vào trại, hành trình đi tìm công lý với hơn nghìn lá đơn kêu oan của người cha già chính thức bắt đầu…

Được thả rồi lại bị bắt

Lần này, người kháng nghị bắt giam Điền lại là Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thành Đoàn. Bỏ qua những quy định về kháng án, bắt giam, ông Đoàn đã một mình ký vào bản kháng nghị giám đốc thẩm số 30/2014/HSKN ngày 09/05/2014, phản bác lại kết luận của TAND tỉnh Ninh Bình trong phiên phúc thẩm, khẳng định Điền có tội. Một lần nữa, Điền lại ngơ ngác vào trại giam, với những quyết định oái oăm của một nhóm người đại diện cho những người “cầm cân nảy mực” ở thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Không chấp nhận việc bắt người, định tội vô lý của Công an thị xã Tam Điệp và nhận thấy đằng sau vụ án có nhiều tình tiết vi phạm pháp luật, cùng với đó, những kết luận oan sai, hành vi khó hiểu của ông Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình, cũng gây nhiều bức xúc cho bị cáo và gia đình, ông Vũ Văn Bàn – bố của Điền đã nhờ luật sư Nguyễn Hồng Bách bào chữa giúp cho Điền. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt Điền không được gặp luật sư.

Anh Điền chụp cùng luật sư Bách, trong phiên tòa tuyên trắng án lần thứ 2.

Ông Bàn cho biết, con trai ông là Vũ Phan Điền vốn dĩ cũng “lành như đất”, đến nước chè, thuốc lá cũng không biết hút, ngoài giờ làm là quanh quẩn ở nhà, thì làm sao biết đến heroin, lại còn mua bán, tàng trữ heroin. Nghĩ là vậy, và kiên định tin con như vậy, ông Bàn quyết tâm đi tìm công lý cho con.

“Thực sự, trước đó, tôi chẳng biết ông Đoàn Chánh án là ai, con tôi và gia đình cũng không quen biết hay có thù oán gì với các anh Đoàn thầy bói, anh Lương, anh Hùng (hai Công an thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, những người đánh đập, bức cung anh Điền - PV), vậy nên khi con tôi bị bắt, tôi lên thẳng Công an phường Trung Sơn, rồi Công an thị xã Tam Điệp, nói với các anh công an là các anh ấy đã bắt nhầm người, nhưng chẳng ai cho tôi nói cả. Đến khi con tôi bị bắt giam, gia đình tôi đã phải chịu bao khổ sở vì điều tiếng, nhưng cũng không có cách nào cứu con ra. Khi Điền được thả tự do, tưởng mọi oan ức của con đã khép lại, nhưng không ngờ chính ông Chánh án tỉnh lại kháng nghị, kết tội, bắt giam con trai tôi lần nữa. Lúc tôi viết đơn, cũng không biết các anh ấy bắt giam con tôi vì lý do gì, nhưng thấy oan ức không thể chịu được. Oan quá thì kêu, nhưng đúng là tôi có lòng tin tuyệt đối vào công lý...”, ông Bàn ngậm ngùi chia sẻ.

Ông kể, hôm ông viết đơn kêu oan, rồi quyết định đưa đơn ra Hà Nội để gửi lên Quốc hội, ông chỉ nói với vợ chứ không nói với bất cứ người con nào, nhất là người anh trên Điền cũng là Công an một huyện ở Ninh Bình, vì ông bà không muốn gây phiền phức đến các con, sợ các con lo lắng, chịu điều tiếng ảnh hưởng đến công việc. Mất mấy đêm thức trắng bàn bạc, vợ chồng ông Bàn “khăn gói quả mướp” ra Hà Nội gửi đơn kêu oan và tìm luật sư.

Ông Vũ Văn Bàn kể về hành trình đi đòi công lý cho con.

Niềm tin công lý

Quãng đường đi tìm công lý của ông gian nan không thể kể hết. Bây giờ ngồi ngẫm lại, ông Bàn cũng không thể lý giải tại sao khi đó ông có đủ sức mạnh, đủ niềm tin để theo đuổi đến cùng hành trình đi tìm công lý. Tôi đã nói với ông rằng, có lẽ ông đã làm trước hết với tư cách Đảng viên, với niềm tin son sắt vào công lý. Cao cả hơn, sức mạnh của tình phụ tử luôn giúp ông vững niềm tin vào con trai, vượt qua được mọi cản trở, khó khăn, điều tiếng... Ông gật đầu, không có nước mắt, nhưng khóe mắt đã hằn dấu chân chim cứ đỏ hoe, còn giọng kể của ông thỉnh thoảng bị nghẹn lại...

“Luật sư Bách (luật sư Nguyễn Hồng Bách – người đã theo bị cáo Điền ròng rã suốt 7 phiên tòa, quyết tâm đòi công lý cho anh Điền - PV) là do tôi nhờ các cháu ở quê học ngoài Hà Nội tìm giúp. Chẳng biết chúng nó lấy tin tức ở đâu, bảo tôi ông luật sư này “đáng tin” lắm, rồi cho tôi địa chỉ. Vợ chồng tôi quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng, có mấy khi bước chân ra ngoài, lên Hà Nội cứ quanh quẩn, lạc đường mãi mới tìm được văn phòng luật sư Bách. Anh ấy đón tiếp chúng tôi cởi mở, tận tình lắm. Nhờ anh ấy tư vấn mà những lá đơn kêu oan của gia đình tôi đã đến được hầu như khắp các tỉnh thành cả nước...”, ông Bàn trầm ngâm hồi tưởng với giọng xúc động, hàm ơn.  

Theo lời kể của ông Bàn, bản thân ông từng là bộ đội, chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ ở nhiều chiến trường từ Nam ra Bắc. Năm 1979, ông Bàn đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia, đến năm 1989 ông trở về quê hương, cùng gia đình định cư ở thôn 83 (khu kinh tế mới, được thành lập năm 1983, thuộc xã Yên Thành). Ông Bàn được bầu làm bí thư xã từ năm 1989, tính đến năm 2015 đã là 27 năm liên tục.

Ông Bàn chia sẻ: “Khi Điền bị bắt vào tù tôi xin nghỉ chức bí thư xã, nhưng chi bộ họ vẫn cứ bầu, họ bảo cháu nó oan, tôi có làm gì đâu mà phải chịu. Huyện ủy và xã năm nào cũng xuống trao bằng khen. Gia đình tôi có truyền thống hoạt động cách mạng, bố tôi, tôi và 5 con trai, con, dâu, con rể cũng là Đảng viên, con trai của tôi cũng đang là công an trên huyện. Bản thân Điền ngoan ngoãn, được nuôi dạy trong gia đình có truyền thống lễ nghĩa, lúc chưa bị bắt, Điền cũng làm bí thư đoàn, được kết nạp Đảng viên và làm quản lý điều hành nhân viên cho sân golf Hoàng Gia. Chính vì những lý do đó, dù công an có đưa ra bằng chứng, tôi cũng không tin con mình có thể phạm tội, tôi tin tuyệt đối Điền chỉ bị “vu oan giá họa”.

Tôi đã làm đơn gửi lên các cơ quan ban ngành tỉnh Ninh Bình, các đoàn đại biểu của Quốc hội, TAND tối cao để mong được xem xét về vụ việc của Điền. Cứ dồn góp được đồng tiền nào là vợ chồng tôi lại bắt xe lên Hà Nội. Cứ nghe ở tỉnh nào có đại biểu tiếp xúc cử tri là tôi tìm đến gửi đơn. Một tháng đến vài chục ngày chạy hết chỗ này đến chỗ kia, hết tàu xe, lại ô tô. Cứ sấp ngửa như thế, cuối cùng, niềm tin của vợ chồng tôi cũng được đền đáp”.

Ông Bàn bảo, gia đình ông có phúc mới gặp được luật sư Bách, bởi luật sư Bách là một luật sư công tâm, nhân hậu, đã tư vấn, giúp đỡ gia đình ông rất nhiều trong hành trình đi tìm công lý cho Điền. 

“Việc làm của tôi, tôi nghĩ cũng chẳng có gì to tát cả. Ai trong hoàn cảnh giống như gia đình tôi cũng làm như tôi. Tôi nghĩ, có được ngày hôm nay, gia đình tôi chịu ơn luật sư Bách lắm. Anh ấy đúng là một người luật sư công minh, nhân hậu. Lần gặp vợ chồng tôi đầu tiên, thấy chúng tôi ngơ ngác, quê kệch, anh ấy ra tận nơi mời vào, rồi hỏi han kỹ lắm. Nhờ sự tư vấn, động viên của luật sư Bách, tôi có thêm sức mạnh để tin vào công lý, vượt qua mọi khó khăn để minh oan cho con”, ông Bàn chia sẻ.

 Tô Hiển – Nguyễn Hạnh

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-di-doi-cong-ly-cho-con-cua-nguoi-cha-gia-a97326.html