+Aa-
    Zalo

    Hành trình gian khổ chữa ung thư, giữ đứa con trong bụng

    • DSPL
    ĐS&PL Những bà mẹ ung thư này đã từ chối xạ trị để đứa con bé bỏng đang ngày một lớn dần trong cơ thể được sống, chấp nhận sau khi sinh nở sẽ suốt đời không nhìn thấy ánh sáng.

    Từ chối xạ trị để đứa con bé bỏng đang ngày một lớn dần trong cơ thể được sống, chấp nhận sau khi sinh nở sẽ suốt đời không nhìn thấy ánh sáng... là hành động của những người mẹ không may mang trong mình căn bệnh quái ác để bảo vệ "báu vật" của đời mình.

    Tình mẫu tử thiêng liêng

    Sau câu chuyện về Thiếu úy công an Đậu Thị Huyền Trâm (SN 1991, TP.Hà Tĩnh), người mẹ ung thư từ chối điều trị để con được sống, qua đời ngày 27/7/2016, mới đây, câu chuyện của bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Mười (SN 1992, Hà Nội) sinh con khi đang mang trong mình căn bệnh u não quái ác lại lấy không ít nước mắt của nhiều người. Đặc biệt hơn đó là hành trình vừa mang thai vừa chữa bệnh u não của bà mẹ bỉm sữa này.

    Dù mang trong mình căn bệnh u não, nhưng chị Mười vẫn luôn lạc quan, mong khỏi bệnh để trở về bên con.

    Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt chị Mười luôn hướng ánh nhìn trìu mến vào đứa con nhỏ chị đang ôm trong lòng. Chị Mười bảo, không ít lần chị rơi lệ khi nhớ lại quãng thời gian mang bầu. Giọt nước mắt chưa kịp chạm trên khuôn mặt chị đã kịp chặn lại vì chị bảo, từ ngày nhận hung tin từ bác sĩ chị đã tự tôi luyện cho mình một ý chí sắt.

    Chị Mười kể: “Vợ chồng tôi cưới nhau được hơn nửa năm thì tôi mang thai. Chồng tôi vui mừng đi khoe với anh em, bạn bè. Anh ấy chăm tôi từng chút một và đếm từng ngày háo hức mong ngày chào đời của thiên thần nhỏ. Thời gian đầu, tôi cũng không thấy có dấu hiệu gì bất thường. Đến tuần thứ 13 của thai kỳ, tôi thấy hay đau đầu buồn nôn.

    Thấy vợ có biểu hiện lạ, chồng vội đưa tôi vào viện để khám và làm một số xét nghiệm. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán tôi bị u màng não và phình mạch não, khối u có kích thước lớn (3,5cm) đã ăn sâu nên rất nguy hiểm. Nghe hung tin này, mọi thứ dường như với vợ chồng tôi sụp đổ, thậm chí tôi còn nghĩ đến cái chết khi bác sĩ bảo với căn bệnh này tôi không thể giữ được em bé vì còn phải làm rất nhiều xét nghiệm và truyền hóa chất, xạ trị”.

    Sự giằng xé của 2 lựa chọn giữ con hoặc chữa bệnh để cứu chính mình khiến chị Mười như muốn gục ngã. Thời gian đó chị Mười đã khóc rất nhiều. Nhưng sau đó, chị gạt bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực và quyết định dù có chết cũng phải bảo vệ kết quả tình yêu của mình.

    Trước sự quyết tâm của chị và hiểu bản lĩnh kiên cường của vợ nên chồng chị là anh Phạm Minh Hiệp (SN 1986) chỉ còn biết chiều theo ý vợ, nắm tay vợ cùng nhau vượt qua số phận trớ trêu. Anh Hiệp chia sẻ: “Cả gia đình tôi đều sốc khi nhận được tin này. Tôi cũng suy sụp không kém vợ. Thật sự, tôi chỉ biết nhờ bác sĩ và cầu xin phép màu sẽ đến với vợ con. Khi vợ tôi quyết định không xạ trị để giữ con, ban đầu tôi phản đối, nhưng sau thấy vợ mạnh mẽ và quyết tâm chữa bệnh để giành sự sống cho con khiến tôi càng thương cô ấy nhiều hơn".

    Theo lời anh Hiệp, bố mẹ vợ anh khi biết quyết định của con gái không xạ trị, hóa trị đã khóc lên khóc xuống nhiều lần, phần thương con bệnh tật nhưng cũng thương đứa cháu còn chưa chào đời.

    “Hồi đó, gia đình tôi khủng hoảng vô cùng, biết tin vợ mắc bệnh ai cũng bày tỏ nỗi buồn. Thế nhưng, để đồng ý giữ lại đứa con là một quyết định đầy khó khăn đối với hai vợ chồng”, anh Hiệp nói trong nước mắt.

    Cũng giống như chị Mười, chị Nguyễn Thị Yên (SN 1981, Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) từng phải đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã của số phận...

    Chị Yên hạnh phúc bên con.

    Cách đây 3 năm, khi chị Yên đang mang thai đứa con đầu lòng cũng là lúc chị nhận hung tin mắc bệnh ung thư di căn hốc mũi giai đoạn cuối.

    Ung thư di căn đến mắt nên mọi điều trị bằng hóa chất không có tác dụng. Trước lời khuyên của chồng bỏ con để chữa bệnh trước, thế nhưng, người phụ nữ ấy vẫn kiên quyết giữ lại kết quả tình yêu của hai vợ chồng.

    Hành trình vừa mang thai vừa chữa bệnh

    Trải qua những cơn đau của căn bệnh ung thư quái ác và không thể nhìn thấy nhưng chị Yên vẫn quyết tâm bảo vệ đứa con của mình. Trước khi lên bàn mổ chị nắm chặt tay bác sĩ nói: “Nếu trong tình trạng quá nguy kịch, các bác sĩ hãy cứu lấy con em".

    Và một đứa trẻ khỏe mạnh, trắng trẻo, bụ bẫm đã được chào đời. Dù không nhìn thấy con, nhưng chỉ cần được sờ lên mặt con, nghe tiếng con khóc là chị thấy hạnh phúc. Đó là món quà quý giá nhất mà ông trời ban tặng cho vợ chồng chị.

    Chị Yên tâm sự: “Những ngày đầu không thể nhìn thấy gương mặt con, chăm sóc cho con, tôi rất buồn, nước mắt chỉ chực lăn. Nhưng tôi nghĩ, mình còn may mắn hơn nhiều người khi con sinh ra được khỏe mạnh. Bản năng của người mẹ trỗi dậy, tôi tự học cách chăm sóc con theo cách riêng của mình, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.

    Còn đối với chị Mười, bước vào hành trình vừa mang thai vừa chữa căn bệnh u não, dù nguy hiểm nhưng chưa giây phút nào chị thấy hối hận bởi quyết định giữ con.

    “Chỉ một thời gian sau đó, bác sĩ thông báo vợ tôi phải làm phẫu thuật để lấy khối u. Nhưng chưa đến lịch mổ thì vợ tôi lên cơn đau đầu, khó thở, phải đưa gấp vào phòng cấp cứu. Bác sĩ bảo phải mở hộp sọ vợ tôi để khối u không chèn ép vào các dây thần kinh. Tôi thương vợ mà không biết phải làm gì, chỉ sợ mọi chuyện sẽ chấm hết. Ca mổ diễn ra trong vòng 6 tiếng đồng hồ và thành công, vợ tôi phải nằm ở phòng Hồi sức suốt 37 ngày, sau đó là quá trình điều trị phục hồi.

    Những ngày tháng chăm vợ ở bệnh viện tôi mới hiểu, chúng tôi đã có một quyết định quá liều, không may mà vợ xảy ra chuyện gì thì tôi ân hận cả đời”, anh Hiệp tâm sự.

    Suốt thời kỳ mang thai chị Mười phải ở bệnh viện để tiện theo dõi. Chị Mười bảo với chúng tôi: “May mà tôi có chồng bên cạnh, anh động viên, ai ủi và không ngại khổ để chăm sóc vợ. Mỗi lần tôi đau là anh nắm chặt tay. Vì thế, tôi cũng cố gắng hết sức để đứa con này được chào đời”.

    Rồi, hạnh phúc vỡ òa khi chị Mười sinh con, chị đã “vượt cạn” thành công vào ngày 15/5 tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội. Thế nhưng, chị không được gặp con, được nghe con khóc bởi sức khỏe chị yếu nên phải tiếp tục theo dõi, con nhỏ được ông bà hai bên chăm sóc. Thời gian đó, chị chỉ biết ngắm những bức hình của con do anh Hiệp chụp, hoặc hỏi về con khi thấy có người đến thăm.

    “Lúc ấy, tôi chỉ mong mình thật nhanh hồi phục để nhìn thấy con, cái cảm giác khao khát ấy chắc ai làm mẹ cũng sẽ trải qua và giống như tôi. Năm ngày sau tôi mới được gặp con của mình. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc và cảm ơn con đã kiên cường cùng tôi bước qua những khó khăn”, chị Mười bồi hồi nhớ lại.

    Khi chị Mười được xuất viện, sức khỏe chị vẫn còn rất yếu không thể tự tay chăm sóc con được. Chị bảo, nhiều lúc chị cũng tự trách bản thân mình vì đã không làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ. Nhưng nếu phải lựa chọn lại chị vẫn sẽ “ngoan cố” mà giữ đứa con này. Bởi, đối với chị đó là niềm hạnh phúc ngọt ngào.

    Mai Thu - Thanh Lam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-gian-kho-chua-ung-thu-giu-dua-con-trong-bung-a198187.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan