+Aa-
    Zalo

    Hành trình nghẹt thở cứu sống người đàn ông 3 lần ngưng tim

    • DSPL
    ĐS&PL Người đàn ông lên cơn nhồi máu cơ tim tối cấp, 3 lần ngưng tim ngưng thở, chỉ còn 10% cơ hội sống.

    Người đàn ông lên cơn nhồi máu cơ tim tối cấp, 3 lần ngưng tim ngưng thở, chỉ còn 10% cơ hội sống.

    Ngày 19/6, Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đang điều trị cho một trường hợp bị nhồi máu cơ tim rất nặng. Bệnh nhân là ông T. (54 tuổi) Việt kiều vừa từ Mỹ về nước được 2 ngày.

    Trước đó, rạng sáng 12/6, khi đang tập thể dục, ông T. bỗng đau ngực dữ dội, khó thở, ngã quỵ ra đường. Ông được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, ekip cấp cứu hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân đồng thời khởi động quy trình báo động đỏ liên viện.

    10 phút sau khi vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, người đàn ông bất ngờ ngưng tim ngưng thở. Sau 30 phút tích cực hồi sức tim phổi, sốc điện trên 10 lần, bệnh nhân bắt đầu hồi phục tuần hoàn. May mắn bệnh nhân đã được đo điện tim trước khi ngưng tim, ngưng thở. Kết quả hội chẩn điện tim giữa hai bệnh viện xác định đây là trường hợp nhồi máu cơ tim tối cấp, cần nhanh chóng can thiệp tái thông mạch vành. Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức không đủ máy móc, chuyên môn để thực hiện can thiệp.

    Trước tình thế nguy cấp, 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cùng máy móc hồi sức đã theo bệnh nhân lên xe cấp cứu, sẵn sàng can thiệp nếu xảy ra tình huống xấu nhất trong quãng đường 13 km chuyển bệnh. Phía Bệnh viện Gia Định cũng lập tức thiết lập báo động đỏ nội viện, chờ bệnh nhân sẵn ngoài cửa.

    Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

    Ngay khi bệnh nhân chuyển đến cửa Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì lại tiếp tục ngưng tim, ngưng thở lần thứ 2. Lúc này ekip cấp cứu của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định tiến hành hồi sức và can thiệp mạch vành, truyền liên tục hàng chục ống adrenaline (hormone kích hoạt tất cả các cơ chế và bản năng sinh tồn) vào người bệnh nhân trong 16 phút.

    Bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh, Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp cho biết trong can thiệp mạch vành cấp cứu, mốc rất quan trọng được gọi là "thời gian cửa - bóng", tức thời gian bệnh nhân đến cửa bệnh viện tới khi bóng được nâng lên tái thông dòng máu thì phải dưới 90 phút. Đây là tiêu chuẩn chung của các phòng can thiệp trên thế giới, dưới 90 phút khả năng cứu sống bệnh nhân mới cao.

    "Trường hợp này bệnh nhân được thực hiện trong vòng 77 phút. Bệnh nhân tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, là động mạch nuôi khoảng 60% khối lượng cơ tim", bác sĩ Đỗ Anh chia sẻ. Sau khi đặt stent, bệnh nhân vẫn còn sốc tim nên các bác sĩ quyết định đặt thêm bóng đối xung động mạch chủ, hỗ trợ sức co bóp cho tim.

    Đặt xong bóng đối xung, đến 10h, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim lần thứ 3 ngay trên bàn can thiệp. Các bác sĩ kiên trì hồi sức thêm nửa giờ nữa giúp bệnh nhân hồi phục tuần hoàn. "Tại bệnh viện ở Thủ Đức, bệnh nhân được sử dụng 28 ống adrenaline, tại Gia Định bác sĩ sử dụng thêm 40 ống nữa", bác sĩ Đỗ Anh nói.

    Bác sĩ Đỗ Anh thông tin, não bệnh nhân đã bị ngưng quá lâu. Các bác sĩ hội chẩn và quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, gọi là "gấu ngủ đông". Kỹ thuật này giúp đông lạnh các tế bào trong cơ thể, giảm được sự chuyển hóa. Từ đó sẽ giúp cứu được tế bào não, giúp người bệnh giảm nguy cơ sống đời thực vật. Bệnh nhân được hạ thân nhiệt từ 37 độ C xuống còn 33 độ C trong vòng 24 giờ liên tục.

    Bác sĩ Bùi Xuân Phúc chia sẻ quá trình cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: VTC News

    Sau 1 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu có dấu hiệu tỉnh táo, sinh hiệu ổn định. Các bác sĩ tiến hành ngưng thuốc vận mạch và bóng đối xung động mạch chủ. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân lại suy hô hấp, suy đa cơ quan, các bác sĩ phải tiến hành điều trị tình trạng suy đa cơ quan.

    Bác sĩ Bùi Xuân Phúc, Phó khoa Hồi sức Tích cực Chống độc cho biết sau thời gian ngưng tim, máu tới hệ cơ quan bị suy giảm nên thường xảy ra tình trạng suy nhược. Bệnh nhân này suy hô hấp và suy thận, được cho thở máy và tiến hành lọc máu liên tục những ngày qua.

    Hiện bệnh nhân sức khỏe diễn tiến tốt, thông số chức năng thận trong giới hạn bình thường, đang tiến tới cai máy thở, ngưng lọc thận. Tuy nhiên tình trạng vẫn còn nặng nên bệnh nhân vẫn đang tích cực được theo dõi trong phòng hồi sức.

    Đồng Trang (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-nghet-tho-cuu-song-nguoi-dan-ong-3-lan-ngung-tim-a233604.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan