+Aa-
    Zalo

    Hành trình thực phẩm bẩn: Mỡ thối hoắc ép dầu kiếm bộn tiền

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 1 kg nội tạng bẩn có giá từ 1.000- 3.000 đồng/ kg, tùy vào mức độ bốc mùi nặng hay nhẹ. Nhưng sau ép thành mỡ nước, giá bán của nó đã nhảy vọt lên mức 14.000–18.000/ kg.

    1 kg nội tạng bẩn có giá từ 1.000- 3.000 đồng/ kg, tùy vào mức độ bốc mùi nặng hay nhẹ. Nhưng sau ép thành mỡ nước, giá bán của nó đã nhảy vọt lên mức 14.000–18.000/ kg.

    [presscloud]607[/presscloud]

    Chương trình trên của Chuyển động 24h phát trên VTV1 đã hé lộ cho chúng ta biết những chiếc xúc xích thơm ngon, chiếc quyẩy rán nóng giòn mà hàng ngày chúng ta vẫn ăn trên đường phố xuất xứ từ đâu.

    Nếu nghĩ là chúng tới từ những chảo dầu được sản xuất từ mỡ động vật bẩn thỉu bốc mùi đặt la liệt trên nền đất bẩn nhớp nhúa, chắc ít ai có thể nuốt nổi.

    Mỡ bẩn vứt bừa bãi trên nền đất nhớp nhúa.

    Tại Bắc Giang, mỡ bẩn được mua gom với giá chỉ 3.000 đồng/kg, nếu đã bốc mùi chắc chỉ còn 1.000 đồng được thu về để ngay trên nền đất bẩn, đầy ruồi nhặng. Hàng lâu ngày đã thối rữa thì được ngâm tẩy trong những thùng hóa chất, còn hàng mới lấy thì chỉ cần thái qua rồi cho ngay vào chảo rán, không rửa qua lấy một lần.

    Từ đống mỡ hôi thối bay đến cả xóm này, người ta đã tạo ra thứ mỡ đen đặc với mùi khét nồng. 

    Mỗi ngày hàng trăm cân nội tạng lợn bẩn được chở về đây rán lấy mỡ. Rồi sau đó những bao tải mỡ được chuyển đi khắp nơi. Dù quy trình sản xuất mất vệ sinh đến như vậy nhưng đáng ngạc nhiên là cơ sở này vẫn có đủ giấy phép kinh doanh cũng như các loại giấy chứng nhận kiểm dịch.

    Những cái hố trên nền đất này là để dùng hứng mỡ ép.

    Tại chợ Nếnh - Bắc Giang, 1 kg nội tạng bẩn có giá từ 1.000- 3.000 đồng/ kg, tùy vào mức độ bốc mùi nặng hay nhẹ. Khi đến Bắc Ninh để ép lấy mỡ, chất lượng càng giảm xuống trong khi giá tiền mỡ thành phẩm đã tăng lên 3.000 – 6.000/ kg. Thế nhưng, tỉ lệ nghịch giữa chất lượng và giá tiền mới thực sự được nhân lên gấp bội khi đến Hà Nội.

    Khoảng sân nhỏ ở cuối xã Kim Sơn, Hà Nội la liệt những bao tải mỡ vừa mới nhập từ Bắc Ninh. Chỉ với một thao tác nhỏ là chuyển những túi mỡ bẩn trong những bao cũ nát sang một chiếc bao trông có vẻ sạch sẽ hơn. Giá bán của số mỡ này đã nhảy vọt lên mức 14.000 – 18.000/ kg. Tuy nhiên, chủ cơ sở này một mực che dấu thông tin của người mua.

    Để biết chính xác những loại mỡ bẩn này được tiêu thụ ở đâu, trong vai người mua phóng viên đã tiếp cận một cơ sở chuyên nhập và phân phối mỡ bẩn khác ở Thanh Trì, Hà Nội.

    Chị chủ cơ sở chế biến này cho hay: "Bánh rán, bánh đa thì làm bằng mỡ dưới thùng phuy. Rán quẩy, xào phở phải dùng mỡ ướt ở phần trên thùng phuy."

    Với 60.000 – 80.000 đồng thì bất kì hàng quán nào ở Hà Nội cũng có thể mua được một can mỡ 5l để dùng, vẫn rẻ hơn nhiều so với một chai dầu ăn thông thường. Và còn lợi hơn nữa khi số dầu này trong thực tế được chiên đi chiên lại nhiều lần. Còn người tiêu dùng thì dĩ nhiên phải hấp thụ một thứ dầu mỡ không thể độc hại hơn.

    Các cơ sở này hoạt động công khai, lâu dài là thế nhưng điều lạ là các cơ quan chức năng địa phương từ Bắc giang, Bắc ninh cho đến Hà Nội đều không thể phát hiện và ngăn chặn.

    Ông Nguyễn Quốc Mỹ, phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Việt Yên, Bắc Giang cho biết: "Việc buôn bán thịt lợn, nội tạng bẩn diễn ra thường xuyên, cơ quan thú y chỉ kiểm soát được một phần nào. Chủ cơ sở tự nguyện đến đăng kí với trạm, chúng tôi mới làm kiểm dịch. Việc thu mua nội tạng, thịt lợn bẩn từ sáng sớm, chúng tôi không đủ nhân lực để quản lý hết được".

    Ông Nguyễn Hữu Trọng, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Long, Bắc Ninh đã nói về việc cơ sở sản xuất mỡ bẩn giải thể: "Chúng tôi phạt hành chính cơ sở sản xuất mỡ bẩn 2 triệu. Cũng nhiều lần làm công tác vận động để cơ sở nghỉ, tuy nhiên vì không có việc làm nên gia đình này vẫn tiếp tục".

    Ông Bùi Văn Bắc, công an xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội thoái thác trách nhiệm: "Họ là buôn bán tư nhân nhỏ, chúng tôi không nắm được hết".

    Ông Nguyễn Trung Trường, phó trưởng công an xã Kim Sơn, Gia Lâm cũng chung câu trả lời: "Địa bàn thì lúc nào tôi cũng nắm, nhưng các đồng chí cấp dưới không báo cáo nên không nắm được hết".

    Ông Dương Văn Hải, phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội thì gần như lại không hề hay biết về sự tồn tại của cơ sở buôn bán này: "Từ trước đến này chưa nhận được phản ánh về việc gia đình đó chế biến hay sản xuất sản phẩm này. Họ không xin phép nên chúng tôi không biết".

    Vâng, vì các ông ây không hay, không biết, không giải quyết được nên chúng ta chỉ còn cách cấm tiệt con mình mua đồ ăn ngoài đường phố cũng như tự nhịn ăn những món mình ưa thích.

    Minh Minh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-thuc-pham-ban-mo-thoi-hoac-ep-dau-kiem-bon-tien-a208979.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan