Hé lộ manh mối phá án, bắt đối tượng trốn nã gần 30 năm tưởng đã chết


Thứ 3, 31/05/2022 | 16:27


Lực lượng chức năng nhận định đối tượng Phạm Quang Chương rất “quái”, khi không có nơi ở cố định, thường thay tên đổi họ, trong suốt nhiều năm không gọi điện thoại về nhà nên người thân của đối tượng tưởng Chương đã chết, việc này gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Như Đời sống & Pháp luật thông tin, mới đây, đối tượng trốn nã gần 30 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” từ năm 1994 tên Phạm Quang Chương (SN 1961, trú tại xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã phải tra tay vào còng khi đang lẩn trốn tại thành phố Đạt Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Lật lại hồ sơ, tội phạm của Chương dần tái hiện: Cách đây gần 30, Chương khi đó cầm trong tay một bản hợp đồng xây dựng với con số được điều chỉnh lại tăng gấp nhiều lần so với thực tế để đi vay ngân hàng. Được ngân hàng giải ngân số tiền 100 triệu đồng, Chương “ôm” tiền bỏ trốn. Thời điểm đó, số tiền 100 triệu đồng là rất lớn.

An ninh - Hình sự - Hé lộ manh mối phá án, bắt đối tượng trốn nã gần 30 năm tưởng đã chết
Đối tượng Phạm Quang Chương được lực lượng chức năng di lý từ Đà Lạt về Hà Nội
để phục vụ công tác điều tra.

Sau những tháng ngày “mai danh ẩn tích” thay tên đổi họ, những tưởng lẩn trốn được lưới pháp luật, Chương không ngờ cũng có ngày phải tra tay vào chiếc còng số 8 sau gần 30 trốn nã. Đối tượng nhanh chóng được lực lượng chức năng di lý từ Đà Lạt về Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.

Tại cơ quan công an, bước đầu, kẻ trốn nã khai nhận: Sau khi rời quê, Chương học theo nhiều người Bắc nên đã nhanh chóng tiến thẳng vào tỉnh Lâm Đồng khai hoang, lập nghiệp làm ăn. Để không bị phát hiện, Chương trà trộn vào những người lao động nghèo.

Nhằm che giấu lý lịch “đen” của mình, Phạm Quang Chương thường xuyên thay tên đổi họ. Thậm chí, đối tượng cũng không một lần gọi điện thoại về nhà, nên gia đình Chương cũng tưởng Chương đã chết. Chính việc này gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc xác minh, truy tìm đối tượng.

Về phía lực lượng chức năng, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Ba Vì, Hà Nội, trong quá trình rà soát các đối tượng trên địa bàn có lệnh truy nã lâu năm trong đó có đối tượng Phạm Quang Chương; cùng với đó, gia đình của đối tượng này vẫn sinh sống trên địa bàn, cho rằng rất có thể đối tượng sẽ liên lạc về với gia đình nên đơn vị đã xây dựng kế hoạch truy bắt.

Nói về khó khăn trong việc truy bắt đối tượng, Trung tá Ngô Đăng Trung - Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Ba Vì cho biết: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi chính là thông tin về đối tượng rất mơ hồ, hoàn toàn không có bản nhận diện. Chính vì vậy, trinh sát của Đội cũng phải hóa trang, lần tìm và cuối cùng đã có được một tấm ảnh cưới của Chương cách đây 30 năm. Tuy nhiên, ảnh cũng cũ nát, không có màu nên chúng tôi phải cố gắng để nhận diện được các đặc điểm như tai, sống mũi, mắt…”.

“Trong quá trình lần tìm dấu vết đối tượng, đơn vị đã nắm được gần đây Phạm Quang Chương có điện thoại liên lạc về nhà một lần. Điều này chứng tỏ Chương còn sống. Do vậy, Ban Chỉ huy Công an huyện đã chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp ngay lập tức cử cán bộ chiến sĩ lần theo manh mối có được, lên đường truy bắt đối tượng” – Thông tin từ lực lượng chức năng.

Ngay khi nắm được nguồn tin Phạm Quang Chương đang lẩn trốn tại tỉnh Lâm Đồng, một tổ công tác của Đội Điều tra tổng hợp - Công an huyện Ba Vì đã lập tức xuất phát. Khi vào tới nơi, những địa điểm nghi vấn đối tượng sinh sống, làm việc đều bị mất dấu do Chương đã di chuyển.

Từ đó, lực lượng chức năng nhận định đối tượng này rất “quái”, không ở đâu cố định và nơi nào ở lâu nhất thì đối tượng cũng dùng chứng minh nhân dân cũ để đăng ký tạm trú, nên cán bộ địa phương không nắm được việc phạm tội của Chương.

Thế nhưng, bằng biện phạm nghiệp vụ và quyết tâm bắt bằng được kẻ trốn nã nguy hiểm, cuối cùng, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ chiến sĩ đã được đền đáp. Các cán bộ chiến sĩ công an phát hiện một nhóm công nhân xây dựng do Phạm Quang Chương làm chủ thầu, mới nhận công trình tại một quận ở thành phố Đà Lạt. Xác định đối tượng có mặt tại địa bàn này, tổ công tác Công an huyện Ba Vì đã mật phục, “đón lõng” vây bắt.

Đúng 11h55 ngày 29/5, Đại úy Nguyễn Chí Công khi đứng trước Phạm Quang Chương đã trực tiếp đọc lệnh, gọi tên khiến đối tượng có phần bất ngờ, không nghĩ sau ngần ấy năm lại bị bắt.

Cùng với việc bắt giữ được đối tượng truy nã nguy hiểm về quy án, trả lại bình yên cho xã hội thì những hy sinh, vất vả của cán bộ chiến sĩ Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) đã đóng góp chiến công vào thành tích chung của toàn lực lượng Công an Thủ đô, hướng tới kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát nhân dân.

T.V

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-manh-moi-pha-an-bat-doi-tuong-tron-na-gan-30-nam-tuong-da-chet-a539444.html