+Aa-
    Zalo

    “Hẻm miễn phí” và những trái tim thiện nguyện xúc động lòng người

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Nằm gọn trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, những ai từng đi ngang qua đây, sẽ không khỏi bất ngờ với hình ảnh ghi hàng chữ "miễn phí" treo ngay đầu hẻm

    (ĐSPL) - Nằm gọn trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, những ai từng đi ngang qua đây, sẽ không khỏi bất ngờ với hình ảnh ghi hàng chữ "miễn phí" treo ngay đầu hẻm. Hơn chục năm nay, mọi thứ từ bình nước uống, phát cơm, lái xe ôm, vá sửa xe..., cho đến cả dịch vụ mai táng cũng được miễn phí hoàn toàn. Nhờ thế mà hàng ngày, những người nghèo khó, khuyết tật đi ngang qua đây thấy ấm lòng hơn bao giờ...

    (bgiay)“Hẻm miễn phí” và những trái tim thiện nguyện xúc động lòn

    Một người đi đường dừng lại dùng nước uống miễn phí (ảnh Đ.V).

    Tấm lòng tương thân tương ái

    Một buổi sáng dịu mát những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đi ngang qua hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, phường 2 (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Con hẻm tuy không rộng, nhưng có nhiều điều khiến ai nghe đến cũng đều ngạc nhiên. Con hẻm nhỏ bé ấy chính là một điểm đến hấp dẫn, đong đầy tình thương cho nhiều người gặp khó khăn. Từ lâu con hẻm nhỏ này vốn được gọi bằng cái tên quen thuộc là "hẻm Tiên hay ông Tiên" vì nơi đây có nhiều thứ miễn phí cho người đi đường.

    Vào thời điểm cách đây hơn chục năm, có nhiều người đi qua đoạn đường này gặp tai nạn, ốm đau, bệnh tật mà không có điều kiện đi khám chữa trị. Nghĩ sự tương thân tương ái, một vài hộ dân sống xung quanh hẻm 96 bàn nhau chung tay góp sức dựng ra tủ thuốc miễn phí. Ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, người không có tiền thì góp vào vỉ thuốc, hộp dầu gió, băng keo y tế... Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng nhờ tủ thuốc này mà đã biết bao người đi đường được giúp đỡ, cứu chữa kịp thời.

    (bgiay)“Hẻm miễn phí” và những trái tim thiện nguyện xúc động lòn

    Tủ thuốc từ thiện treo đầu hẻm để giúp những người không may gặp nạn (ảnh Đ.V).

    Bà Trương Thị Gái (61 tuổi, chủ một quán cơm tại hẻm 96) cho biết: "Con hẻm nằm đối diện chợ Phú Nhuận, nên hằng ngày có rất đông phương tiện giao thông qua lại. Vì thế, có nhiều trường hợp bị tai nạn, người thì trầy tay, xước chân, người thì bị xỉu ngay tại chỗ. Những trường hợp như thế đều được mọi người dìu vào hẻm này sơ cứu, bôi thuốc sát trùng, cầm máu trước khi chuyển đến bệnh viện. Có nhiều người già neo đơn, những hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua thuốc mỗi khi bị bệnh ghé qua đây xin thuốc cảm cúm, đau dạ dày thường xuyên. Những người như thế họ quý tủ thuốc này lắm, vì thế mà nó có tên là tủ thuốc ông Tiên".

    Không chỉ người bị tai nạn mới ghé vào ngõ 96 xin thuốc, mà cả những người buôn bán làm thuê, chạy xích lô, bán vé số..., mỗi khi đi qua đây không may thấy đau đầu, hay mệt mỏi lại được những người dân đưa vào hẻm để cạo gió, xoa dầu, rồi phát thuốc cho họ để bớt bệnh. Phần lớn những hộ dân trong hẻm 96 này đều là dân nhập cư ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nên cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả. Mặc dù vậy, nhưng với tinh thần "lá lành đùm lá rách", mỗi khi thấy tủ thuốc vơi đi, người dân ở đây lại tự nguyện đứng ra mua thuốc về bổ sung.

    Bà Nguyễn Thị Hai, một người dân sống tại hẻm 96 cho biết: "Bà con ở đây tuy nghèo nhưng sống tình cảm lắm, tinh thần và nghị lực giúp đỡ người khác thật tuyệt vời. Những lúc có việc, họ sẵn sàng gác lại toàn bộ chuyện gia đình, thậm chí là nhịn ăn sáng để dành tiền mua thuốc ủng hộ người nghèo. ở nơi khác thế nào thì tôi không biết, nhưng ở đây tấm lòng thiện nguyện và tinh thần tương thân tương ái của bà con còn cao gấp nhiều lần so với giá trị vật chất của cuộc sống".

    Video tham khảo: 

    20 năm dạy nghề và phát cơm miễn phí cho người khuyết tật

    Người đàn ông giàu lòng thiện nguyện

    Để tìm hiểu về người có nhiều đóng góp cho việc làm thiện nguyện này, chúng tôi được nhiều hộ dân chỉ dẫn tận tình và cho biết người đàn ông ngồi một mình trước đầu hẻm chính là người có đóng góp nhiều nhất về việc này. Anh là Nguyễn Văn Út (SN 1963, quê Hà Nam) hiện đang làm nghề xe ôm trên địa bàn quận Phú Nhuận. Vốn là con út trong một gia đình gồm ba anh chị em, các anh chị ở trên đã lớn tuổi và đều thành đạt hết. Từ nhỏ, anh Út đã trải qua nhiều công việc cực nhọc khác nhau để mưu sinh. Khi ba mẹ không còn, anh lập gia đình để ổn định cuộc sống.

    Tưởng anh sẽ có một cuộc sống thật hạnh phúc nhưng số phận không may mắn khi lập gia đình đã lâu mà vợ chồng anh vẫn chưa có con. Vợ anh quyết định chia tay rồi đi bước nữa. Suốt quãng thời gian này anh cảm thấy mình không còn đủ tự tin với cuộc sống. Nhưng bằng nghị lực, người đàn ông ấy vẫn sống và làm việc tốt. Năm 2001, từ một cơ duyên anh đã quen chị Nguyễn Thị Thùy Trang cũng từng có một đời chồng và một đứa con trai riêng. Cùng đồng cảm với số phận của mình, anh chị đã đến với nhau như một lẽ tự nhiên. Cưới nhau xong, anh Út đi chạy xe ôm còn chị đi làm nhân viên bán hàng.

    Cách đây mấy năm về trước, tình cờ đi ngang khu vực đường Phan Đình Phùng, thấy có nhiều người còn gặp khó khăn, bên cạnh đó là hình ảnh chiếc tủ thuốc miễn phí được treo rất gọn đầu con hẻm, làm anh Út suy tư. Nghĩ cuộc sống này còn nhiều những mảnh đời bất hạnh, anh ở lại hẻm này vá xe và phát thuốc miễn phí cho người đi đường. Cũng may trong cuộc sống gia đình, bà xã anh có chung tấm lòng thiện nguyện, nên cũng hay cùng chồng làm từ thiện.

    Năm 2008, có một thanh niên trẻ tuổi bị tai nạn rồi tử vong ở ngay đầu hẻm. Khi công an xuống kiểm tra thì trong người cậu ấy không có một đồng, điện thoại cũng không có. Chỉ khi đưa tới nhà tang lễ quận Phú Nhuận, thì cơ quan công an liên hệ được với gia đình xuống nhận thi thể. Khổ nỗi, gia đình nạn nhân lúc bấy giờ lại quá nghèo không có đủ tiền để lo hậu sự cho con. Thấy vậy, anh Út tự mình đứng ra kêu gọi hàng xóm gom góp để có tiền lo hậu sự cho cậu thanh niên đó.

    Bà Trương Thị Gái nói thêm: "Thời điểm đó còn nhiều khó khăn lắm, không như bây giờ đâu. Nhưng anh Út đã bất chấp tất cả chạy đi mọi nơi để tìm mua chiếc quan tài, về hỗ trợ lo hậu sự giúp gia đình nạn nhân. Thấy sự thiện nguyện của anh, chủ hàng bán quan tài cũng giảm giá chỉ còn 3 triệu đồng. Anh Út đã về hẻm 96 này kêu tôi và nhiều người khác nữa đứng ra giúp đỡ".

    (bgiay)“Hẻm miễn phí” và những trái tim thiện nguyện xúc động lòn
    Tấm biển lo mai táng miễn phí cho người nghèo của anh út ( ảnh Đ.V).

    Khi được hỏi về mối cơ duyên làm từ thiện, anh Út nói: "Mấy năm trước khi còn chạy xe ôm, trong một lần chở khách về khu vực quận Tân Bình vào một đêm khuya thì tôi gặp cướp. Tôi bị bọn chúng đánh ngã gục xuống đường chảy cả máu đầu, cướp mất xe. Lúc đó, nhà nghèo lắm, lấy đâu ra tiền mà đi bệnh viện, nên tôi cứ để mặc cho số phận. Nhưng sau đó đầu tôi càng ngày càng đau, nên gia đình phải chạy vạy khắp nơi đưa tôi đi khám. Tôi sống được đến giờ này xem như là may mắn. Từ đó, tôi đã nguyện nếu có điều kiện sẽ đi làm từ thiện suốt đời".

    Chính quyền địa phương đánh giá cao

    Trao đổi với PV, bà Thái Thị Mỹ Nga (tổ trưởng khu phố 1, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: "Việc làm của anh út khiến bà con nơi đây ai cũng cảm phục. Ngày nào cũng vậy, từ 5h30’ sáng đến 18h chiều là anh ấy ngồi ở đầu hẻm để vá xe miễn phí cho người qua đường. Có nhiều hôm anh bỏ không ăn cơm trưa để lo mấy bình trà đá và sửa xe cho người ta. Khi có điện thoại gọi, anh ấy lại chạy đi lo liệu đám tang giúp người ta liền. Trong khu phố, lãnh đạo phường cũng xuống động viên và đánh giá rất cao về việc làm thiện nguyện của anh út, hiếm ai được như anh ấy".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hem-mien-phi-va-nhung-trai-tim-thien-nguyen-xuc-dong-long-nguoi-a73448.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan