+Aa-
    Zalo

    Hết tổng kiểm soát, CSGT có được tiếp tục dừng xe kiểm tra khi không phát hiện lỗi ban đầu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tuy hết đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc (từ 15/5 đến 14/6), CSGT vẫn được dừng phương tiện để kiểm soát.

    Tuy hết đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc (từ 15/5 đến 14/6), CSGT vẫn được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp cụ thể.

    Từ 15/5 – 14/6/2020, CSGT cả nước ra quân tổng kiểm soát xử lý các lỗi vi phạm trên đường. Theo đó, khi không phát hiện lỗi vi phạm, CSGT vẫn có quyền dừng xe để kiểm tra các loại giấy tờ bắt buộc người điều khiển xe phải đem theo như: đăng ký xe, GPLX, bảo hiểm xe, CMND,…

    Đến nay đã hết thời gian tổng kiểm soát, nhiều người đặt câu hỏi vậy CSGT có được tiếp tục dừng xe để kiểm tra khi không phát hiện lỗi vi phạm ban đầu?

    Hết tổng kiểm tra, CSGT có được tiếp tục dừng xe kiểm tra khi không phát hiện lỗi ban đầu? - Hình minh họa

    Trao đổi với báo chí, luật sư Phạm Thanh Hữu Đoàn luật sư TP HCM cho biết, Căn cứ khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA, tuy hết đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc (từ 15/5 đến 14/6), cảnh sát giao thông vẫn được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

    Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

    Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cảnh sát giao thông hoặc giám đốc gông an cấp tỉnh trở lên.

    Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên.

    Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

    Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

    Căn cứ khoản 1 điều 12, việc dừng phương tiện trong các trường hợp nêu trên phải bảo đảm an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

    Đồng thời, điểm a khoản 1 điều 14, việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện gồm:

    Giấy phép lái xe; giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải.

    Khi kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với nhau, giữa giấy tờ có liên quan với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.

    Do đó, người dân khi tham gia giao thông cần mang đầy đủ giấy tờ theo quy định, cũng như tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông cũng như tránh được rủi ro pháp lý.

    Bị CSGT dừng xe khi không có lỗi, phải làm gì?

    Bởi CSGT có quyền dừng xe kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông và có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi này nếu xử phạt vi phạm. Trong trường hợp không chứng minh được mà cố tình xử phạt thì người tham gia giao thông có quyền khiếu nại.

    Việc khiếu nại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua đơn khiếu nại. Trong đó, đơn khiếu nại phải có các nội dung:

    - Ngày, tháng, năm khiếu nại.

    - Tên, địa chỉ người khiếu nại; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại.

    - Lý do khiếu nại.

    - Tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại.

    - Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

    Ngoài ra, Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 nói rõ, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt trừ khi quyết định xử phạt đã được tạm đình chỉ.

    Như vậy, khi bị CSGT xử phạt, người tham gia giao thông vẫn phải nộp phạt. Sau đó, nếu không đồng ý với quyết định xử phạt thì phải khiếu nại trong thời gian 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định, hành vi hành chính.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/het-tong-kiem-soat-csgt-co-duoc-tiep-tuc-dung-xe-kiem-tra-khi-khong-phat-hien-loi-ban-dau-a327809.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan