+Aa-
    Zalo

    Hiện tượng bóng đè dưới góc nhìn khoa học

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhân tố hàng đầu có nguy cơ gây ra tình trạng bóng đè là do căng thẳng tâm lý, trầm cảm, lo lắng hay bế tắc trong cuộc sống.

    (ĐSPL) - Nhân tố hàng đầu có nguy cơ gây ra tình trạng bóng đè là do căng thẳng tâm lý, trầm cảm, lo lắng hay bế tắc trong cuộc sống.

    Trạnh vẽ mô tả hiện tượng bóng đè trong sách "My dream, my bad dream" năm 1915 của Fritz Schwimbeck. Ảnh: Wikipedia.

    Bóng đè là gì?

    Theo An Ninh Thủ Đô, bóng đè là một hiện tượng thông thường, trong đời mỗi người gặp ít nhất là một lần. Bóng đè thực ra là một hiện tượng mộng mị. Khi bị bóng đè, người ta sợ toát mồ hôi, muốn kêu cứu, cựa quậy mà đành chịu. Nếu biết là mình đang bị bóng đè nghĩa là người ta vẫn còn tỉnh một nửa. Dòng điện não ghi được trong giấc mơ này cho thấy, hoạt động vỏ não nhanh, các tế bào thần kinh kích động mạnh, nhiệt độ trong sọ tăng do tăng chuyển hoá, tóm lại là chẳng khác gì lúc thức. Thế nhưng con ngươi của mắt tít lại như đang ngủ, các giác quan không tiếp xúc với bên ngoài, các bắp thịt không căng vì luồng thần kinh vận động bị chặn, các trung khu thần kinh chỉ huy lời nói và cử động bị ức chế.

    Trong giai đoạn ngủ chập chờn và hay mộng, những kích thích yếu lại gây ra đáp ứng mạnh. Vì vậy, chỉ cần một bàn tay đặt lên ngực khi nằm ngửa, một cái cúc áo chật, hoặc không khí nhiều CO2 trong một buồng ngủ, thậm chí chỉ cần nằm nghiêng bên trái cũng có thể gây bóng đè với mê hoảng dữ dội. Thường “bóng” chỉ đè những người “yếu bóng vía”, hay ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học, hoặc người khỏe nhưng một lúc nào đó còn một điểm yếu trong tinh thần. Theo Gáo sư Tâm lý học người Pháp Chris, hiện tượng này xảy ra rất phổ biến, khoảng 40\% nhân loại đã từng bị bóng đè ít nhất một lần trong đời. Bệnh này thường xuất hiện khi bạn bước vào độ tuổi trưởng thành. Ông cho biết: “Mỗi lần bị bóng đè có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút, người bệnh trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, họ có thể vẫn mở mắt nhưng không thể cử động”.

    Không thể phủ nhận bóng đè là một trải nghiệm rất đáng sợ. Có người khi bị bóng đè cảm thấy như nghe được một giọng nói bí ẩn, có sự hiện diện của một ai đó đứng, ngồi bên cạnh hay cảm giác như bị xô ngã ra khỏi giường. Bóng đè có thể lặp lại vài lần trong một đêm.

    Một số người ngại bày tỏ chuyện này vì họ sợ mọi người không tin và cho rằng mình bị tâm thần nhưng nếu liên tục bị bóng đè sẽ gây khủng hoảng tinh thần. Đáng tiếc là mọi người và ngay cả các chuyên gia sức khoẻ cũng chưa nắm rõ về căn bệnh này và hay đưa ra các chẩn đoán thiếu chính xác như là căng thẳng thần kinh, hay thậm chí là tâm thần phân liệt. Nhiều người lại liên hệ đến ma quỷ hay tâm linh. Nhưng thật ra đây chỉ là một tình trạng của não người.

    Cảm thụ thần kinh cũng như những tín hiệu chỉ huy các hoạt động cơ thể được truyền dẫn bởi các hóa chất do cơ thể sinh ra. Các hóa chất não bắt đầu phát huy tác dụng trong giai đoạn gọi là REM, tức khoảng 90 phút sau khi ngủ. Trong khi REM diễn ra, hoạt động của não hết sức kích động, và các giấc mơ đạt mức cao trào. Tuy nhiên, các cơ chủ động của cơ thể, từ tay, chân, ngón tay, bất cứ phần cơ nào được kiểm soát khi thức, đều bị tê liệt. Trạng thái này giúp giữ con người nằm yên trong khi não ra sức vẽ vời những kịch bản quái dị nhất. Đó cũng là lý do một số người đôi khi trải qua cảm giác bị bất động khi ngủ, hay khi đã thức giấc rồi nhưng các cơ vẫn trong tình trạng đông cứng, dân gian gọi là “bóng đè”.

    Trước đây, cơ chế khiến bắp thịt tê liệt vẫn là điều bí ẩn. Các cuộc nghiên cứu trước đây nghi ngờ một chất truyền dẫn thần kinh gọi là glycine, nhưng tình trạng bất động vẫn diễn ra khi glycine bị ngăn trở. Do đó, các chuyên gia Patricia Brooks và John Peever của Đại học Toronto (Canada) chuyển hướng nghiên cứu. Họ tập trung vào 2 loại thụ quan thần kinh khác nhau ở cơ chủ động, gồm GABAB và GABAA/glycine. Theo đó, tình trạng tê liệt người khi ngủ cần phải có sự góp sức của cả hai thụ quan này. Việc xác định được quá trình hoạt động của các chất truyền dẫn thần kinh hết sức quan trọng đối với những người bị chứng rối loạn giấc ngủ, đặc biệt rối loạn hành vi trong giai đoạn REM. Điều đó có nghĩa bệnh nhân hành động như đang mơ, nói chuyện, đấm đá trong giấc ngủ.

    Xem thêm video:

    [mecloud]n26nP3HvwO[/mecloud]

    Ảo giác và những nhân tố tiềm ẩn nguy cơ

    Còn theo VnExpress cho biết thêm, tình trạng tê liệt trong giấc ngủ thường xảy ra vào đầu buổi đêm, khi bắt đầu giấc ngủ, hoặc cuối buổi đêm, khi chuẩn bị tỉnh giấc. Khi người bị bóng đè, ảo giác xuất hiện có thể sinh ra nhiều trải nghiệm đáng sợ. Có thể phân loại ảo giác theo ba nhóm.

    Ảo giác đột nhập là cảm giác về sự xuất hiện của kẻ xấu ở trong phòng, đôi khi biến thành những ảo giác đa giác quan siêu thực về một kẻ đột nhập thực sự. Ảo giác bóng đè, thường xuất hiện đồng thời với ảo giác đột nhập, là cảm giác bị đè nặng trên lồng ngực và bị bóp nghẹt đến tắc thở. Loại thứ ba là những ảo giác liên quan đến rối loạn tiền đình, không mấy khi xuất hiện cùng hai loại ảo giác trên, mang đến cảm tưởng về những trải nghiệm vận động ảo như cảm giác trôi nổi, rơi tự do vô định.

    Bóng đè là hiện tượng phổ biến được ghi nhận từ rất lâu, trong hầu hết mọi nền văn hóa từ cổ chí kim. Hiện tượng này được người Trung Quốc ghi chép trong các câu chuyện dã sử cách đây hơn 3.000 năm, thậm chí, bóng đè còn hiện diện trong bức tranh từ thời Phục hưng của họa sĩ người Thụy Sĩ Henry Fuseli năm 1781.

    Tại Anh, trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 8 trên tạp chí Giấc ngủ của tác giả Dan Dennis, Đại học Sheffield, 30\% trong số 862 người được hỏi nói rằng họ đã đã trải qua trạng thái bóng đè ít nhất một lần trong đời. Khoảng 8\% trong số đó nói rằng họ thường xuyên bị hiện tượng này khi ngủ. Tổng hợp có hệ thống từ hơn 30 công trình nghiên cứu trên khắp thế giới chỉ ra rằng 10\% dân số gặp phải tình trạng bóng đè trong giấc ngủ.

    Bóng đè là triệu chứng thông thường của chứng ngủ rũ, một bệnh về rối loạn giấc ngủ do khả năng điều tiết vòng tuần hoàn thức-ngủ bình thường của bộ não bị ngắt quãng. Bóng đè cũng là triệu chứng chung của một số bệnh nhân tâm thần, đặc biệt là những trường hợp tâm thần sau chấn thương tâm lý và bệnh nhân mắc chứng tâm thần hoảng loạn.

    Nhân tố gây bóng đè

    Không ít người cũng bị bóng đè mà không liên quan gì đến bệnh tâm thần hay các triệu chứng thần kinh. Nghiên cứu của Dan Dennis cho thấy nhân tố hàng đầu có nguy cơ gây ra tình trạng bóng đè là do căng thẳng tâm lý, trầm cảm, lo lắng hay bế tắc trong cuộc sống.

    Ngay cả chất lượng giấc ngủ cũng có tác động không nhỏ đến việc người bệnh phải chịu đựng hiện tượng bóng đè. Nghiên cứu trên nhóm người có giấc ngủ bất bình thường hay bị ngắt quãng khi làm công việc trực ca đêm cho thấy nguy cơ gặp phải hiện tượng bóng đè là khá cao.

    Khi xem xét vai trò của di truyền học, bằng cách so sánh tần suất gặp hiện tượng bóng đè ở các cặp song sinh cùng trứng với các cặp song sinh khác trứng, các nhà khoa học tìm ra sự liên hệ của gene di truyền với hiện tượng bóng đè. Thậm chí, sự biến đổi của một gene đặc biệt liên quan đến chu trình thức-ngủ của con người cũng gây nên tình trạng bóng đè, mặc dù điều này còn chưa được khẳng định chắc chắn.

    Ngay cả giấc ngủ tưởng như bình thường cũng bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau, được thể hiện trong hình vẽ sau:

    Giai đoạn của giấc ngủ. Ảnh: Dan Dennis.

    Từ trạng thái tỉnh, con người trải qua ba giai đoạn đến khi ngủ say, tức là mức sâu nhất của trạng thái vô thức (non-REM). Khi quay trở lại giai đoạn 1 của giấc ngủ, con người tiến tới trạng thái REM (rapid eye movement - cử động mắt nhanh) của giấc ngủ.

    Trong khi REM diễn ra, các hóa chất não bắt đầu phát huy tác dụng, hoạt động của não vô cùng sôi động, và các giấc mơ đạt mức cao trào. Tuy nhiên, các cơ chủ động của cơ thể, từ tay, chân, ngón tay, bất cứ phần cơ nào được kiểm soát khi thức (ngoại trừ mắt và hệ hô hấp), đều bị tê liệt. Trạng thái này giúp giữ con người nằm yên trong khi não ra sức vẽ vời những kịch bản quái dị nhất. Đó cũng là lý do một số người đôi khi trải qua cảm giác bị bất động khi ngủ, hay khi đã thức giấc rồi nhưng các cơ vẫn trong tình trạng đông cứng.

    Trong nghiên cứu của các nhà khoa học Viện khoa học thần kinh Tokyo Metropolitan năm 2012, họ thí nghiệm loại bỏ một cách có hệ thống từng thành phần của giấc ngủ tiến tới trạng thái REM.

    Theo đó, nếu làm gián đoạn có mức độ các chu kỳ của REM, giấc ngủ con người có thể đạt đến trạng thái REM-khởi phát đột ngột (sudden-onset REM viết tắt là SOREM). Đó là trạng thái khi con người đi thẳng từ tình trạng thức vào giấc ngủ có trạng thái REM bỏ qua một số giai đoạn khác của giấc ngủ (điều này được biểu thị bởi đường đứt quãng trên sơ đồ).

    Ngay sau đạt tới trạng thái SOREM, những người tham gia thử nghiệm trải qua tình trạng tương tự hiện tượng bóng đè – củng cố thêm ý kiến từ những nghiên cứu trước đây cho rằng giấc ngủ bị ngắt quãng làm tăng nguy cơ dẫn tới tình trạng bóng đè trong giấc ngủ.

    Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng hiện tượng bóng đè có liên hệ gần với giấc ngủ có trạng thái REM. Những gì dường như xảy ra trong lúc bị bóng đè là một phần bộ não thức dậy, hoàn toàn tỉnh táo nhận thức mọi vật xung quanh, trong khi một phần khác của não bộ, như vùng chỉ huy hệ thần kinh vận động, vẫn ở trong giấc ngủ có trạng thái REM khiến cho hầu hết cơ vận động của cơ thể bị tê liệt. Nói cách khác, tâm trí có ý thức đã hoàn toàn tỉnh táo nhưng cơ thể thì không.

    Các ghi chép thu nhận về hoạt động của não bộ trong quá trình bị bóng đè chỉ ra giai đoạn đó là trạng thái độc đáo duy nhất không trùng lắp của nhận thức. Sơ đồ điện não của quá trình bị bóng đè có hình dạng hoàn toàn khác biệt với sơ đồ điện não của tình trạng thức hoặc ngay cả giấc ngủ có trạng thái REM. - Theo VnExpress.

    Chữa trị

    An Ninh Thủ Đô cho biết bóng đè có thể phòng và chống.

    Với những người thường bị bóng đè, dân gian thường có một cách trị, đó là để một con dao ở đầu giường. Đó chỉ là một cách làm cho bệnh nhân yên tâm, loại bỏ các cơn ác mộng đi cùng với hiện tượng bóng đè. Các nhà khoa học cũng đã tìm ra nhiều cách để phòng và trị các cơn bóng đè. Để đề phòng bóng đè, bạn đừng đọc loại truyện ma quỷ, kiếm hiệp trước khi ngủ. Tư thế nằm ngủ phải thoải mái: nằm nghiêng phải, chân hơi co, tay duỗi, làm cho toàn bộ cơ bắp chùng giãn, đầu không vẹo lệch. Ngoài ra, quần áo phải rộng rãi, buồng ngủ thoáng khí.

    Hướng điều trị chủ yếu là nên thay đổi lối sống, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí,…. đi dã ngoại, pic-nic,… Có thể đi bộ buổi tối, trước khi đi ngủ tắm nước ấm,… giúp cho giấc ngủ sâu. Tóm lại, bóng đè thực ra chỉ là một dạng rối loạn trong hoạt động tâm thần của cơ thể. Chỉ cần duy trì một lối sống tích cực và lành mạnh, bạn sẽ chẳng còn phải lo bóng đè ghé thăm!

    MẠC NHIÊN(Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]SVAzlR1Tjm[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hien-tuong-bong-de-duoi-goc-nhin-khoa-hoc-a114804.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.