+Aa-
    Zalo

    “Hô biến” mật lợn thành mật gấu, "nuốt" hơn 200 triệu của chủ vựa phế liệu

    • DSPL
    ĐS&PL Hai đối tượng sau khi lên kế hoạch đã di chuyển vào địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh lừa đảo bán mật lợn khô với giá hàng trăm triệu đồng.

    Để lừa tiền thiên hạ, 2 đối tượng Long và Tài ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã đóng giả làm người dân tộc chuyên thu mua các loại động vật quý hiếm nhằm đưa nạn nhân vào bẫy. Lên kế hoạch hành động chúng đã di chuyển vào địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh lừa đảo bán mật lợn khô với giá hàng trăm triệu đồng.

    Hai đối tượng bị bắt giữ tại cơ quan công an.

    Cú lừa ngoạn mục

    Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng Hà Trọng Long (SN 1963, trú tại xóm Phủ Lịch, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và Đỗ Như Tài (SN 1960, trú tại xóm Trại Nu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Đáng nói, mặc dù đã ở tuổi U60 nhưng 2 đối tượng trên vẫn lập một kế hoạch lừa đảo gần như hoàn hảo, đánh vào lòng tham của người dân thiếu cảnh giác để chiếm đoạt số tiền lớn.

    Để thực hiện kế hoạch này, khoảng đầu tháng 3/2018, Hà Trọng Long và Đỗ Như Tài cùng nhau bàn bạc, lên kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người dân vùng nông thôn.

    Hai đối tượng đã mua 1 con trăn sống, 8 chiếc mật lợn và 1 túi xương chó của một người dân tộc thiểu số tại khu vực xã Ngọc Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa làm công cụ lừa đảo.

    Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, cả hai sẽ di chuyển từ Thanh Hóa vào huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để bắt đầu triển khai kế hoạch lừa đảo.

    Tại đây, Tài sẽ làm nhiệm vụ đóng giả là người dân tộc mang theo trăn, xương chó, mật lợn đến gửi ở nhà của người dân nào đó được xác định có sẵn tiền mặt nói đó là xương khỉ, mật gấu và nhờ họ bán giúp.

    Còn Long sẽ đóng vai đại gia đi thu mua trăn, xương khỉ, mật gấu tìm đến nơi Tài đã gửi để hỏi mua với giá cao hơn để người dân có niềm tin họ sẽ được hưởng khoản tiền chênh lệch lớn nếu tiếp tục duy trì mối quan hệ làm ăn với Long và Tài.

    Sau một thời gian lấy được sự tin tưởng của “con mồi”, cả hai sẽ tung “đòn chí mạng” để chiếm đoạt số tiền lớn.

    Ngày 24/3/2018, các đối tượng đi 2 xe máy mang trăn, xương chó, mật lợn khô từ Thanh Hóa đến địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh với mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như kế hoạch đã vạch ra.

    Trên đường đi, Long và Tài mua thêm 1 chai mật ong rồi di chuyển thẳng đến thị trấn Phố Châu (thuộc huyện Hương Sơn) thuê nhà nghỉ.

    Đến sáng ngày 25/3/2018, Long chở Tài mang theo trăn đi tìm người để lừa đảo. “Con mồi” mà bọn chúng nhắm đến là những hộ dân có khả năng kinh tế và có tiền mặt để dễ bề lừa đảo.

    Khi đến địa phận xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Long nhìn thấy bên trái đường có một cửa hàng mua bán phế liệu của bà Phạm Thị T. (SN 1961, trú tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn).

    Xác định đây sẽ là “con mồi” phù hợp nên Long ở ngoài chờ còn Tài đến gặp bà T. rồi xưng tên là Trân người dân tộc Mường ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tài tự giới thiệu mình là người chuyên đi bán các loại động vật quý hiếm.

    Nhìn quần áo và mặt của Tài, bà T. không mảy may nghi ngờ gì nên sẵn sàng đồng ý khi Tài nhờ bán giúp con trăn với lời đề nghị nếu bán được 2 triệu sẽ trích trả tiền công cho bà 100 ngàn đồng.

    Chủ vựa phế liệu “vào tròng”

    Sau khi để lại trăn ở nhà bà T., Tài đi ra khỏi cửa hàng và cho Long đi vào gặp bà T. hỏi mua trăn với giá 2,2 triệu đồng, bà T. đồng ý bán.

    Sau khi mua trăn xong, Long giới thiệu mình tên Lâm, là người chuyên thu mua các loại xương khỉ, mật gấu và thú rừng. Để thực hiện kế hoạch cho cú lừa trăm triệu, Long dặn bà T. bất cứ lúc nào có các mặt hàng đó bán thì gọi điện thoại cho Long đến mua. Sau đó, Long đọc số điện thoại của mình cho bà T. lưu lại để tiện liên lạc.

    Mua xong trăn, Long điều khiển xe mô tô mang trăn về nhà nghỉ. Sau khi Long đi, Tài quay lại thì bà T. nói đã bán được trăn và đưa cho Tài 2 triệu đồng, Tài cho bà T. 100 ngàn đồng tiền công bán trăn như đã hứa. Sau đó, Tài bắt xe buýt quay lại ở cùng với Long tại nhà nghỉ.

    Ngày 29/3/2018, Tài mang xương chó và chai mật ong tiếp tục đến gặp bà T.. Tại đây, Tài biếu cho người phụ này 1 chai mật ong sau đó đưa xương chó lừa là xương khỉ nhờ bán với giá 3,5 triệu đồng. Nếu bán được, bà T. sẽ được hưởng 200 nghìn đồng tiền công.

    Nghĩ là đã có mối làm ăn, bà T. nhận lời ngay và sau đó gọi điện cho Long “đại gia” buôn động vật quý hiếm. Sau khi đến ngã giá, Long đồng ý mua lại số xương đó với giá 4 triệu đồng rồi mang theo số xương này quay lại nhà nghỉ.

    Sau khi bán được xương, bà T. gọi Tài đến và đưa cho Tài 3,5 triệu đồng tiền bán. Tài cho bà T. 200 ngàn đồng như đã hứa. Sau đó, Tài quay lại nhà nghỉ gặp Long.

    Chỉ với vai trò trung gian bán hộ nhưng sau 2 phi vụ thuận lợi, bà T. được nhận tiền công nên rất phấn khởi nghĩ đây là mối làm ăn “béo bở” và hết mực tin tưởng.

    Nhận thấy “con mồi” đã cắn câu, Long và Tài bàn bạc thống nhất với nhau đã đến lúc “quăng lưới”.

    Ngày 04/04/2018, Tài mang 8 chiếc mật lợn khô đến gặp bà T. lừa là mật gấu để tiếp tục nhờ bà T. bán với giá 360 triệu đồng và nói nếu bán được sẽ cho bà T. 3 triệu đồng. Không nghi ngờ gì, bà T. nhanh chóng đồng ý.

    Sau khi nhận bán giúp 8 chiếc mật gấu, Long xuất hiện, sau khi xem xét kỹ mặt hàng liền chốt giá 380 triệu đồng. Lúc này, Long cho biết không mang đủ tiền nên đặt cọc 20 triệu đồng, số tiền 360 triệu đồng còn lại thì Long viết giấy nợ, niêm phong số mật trên gửi cho bà T. hôm sau quay lại lấy sẽ trả đủ số tiền còn lại.

    Khi Long rời đi, Tài liên tục thúc giục bà T. bán số mật nói trên, nếu không Tài sẽ mang về bán cho người khác. Vì muốn bán số mật để kiếm lời, mặt khác tin tưởng Long sẽ quay lại lấy khi đã đặt cọc số tiền 20 triệu chỗ bà T. nên người phụ nữ này đã đưa cho Tài số tiền 210 triệu đồng để mua lại số mật đó, còn lại 150 triệu đồng sẽ trả sau.

    Tài đồng ý sau đó nhận tiền rồi đi xe buýt về nhà nghỉ gặp Long. Tại đây, Tài và Long chia nhau số tiền vừa lừa được của bà T.. Cả hai tính toán trừ số tiền Long đặt cọc cho bà T. trước đó 20 triệu, tiền ăn ở, đi lại hết 10 triệu còn lại số tiền 180 triệu đồng Long và Tài chia đôi, mỗi người được 90 triệu đồng. Chia chác xong, Long vứt điện thoại và sim để bà T. không liên lạc được. Số tiền chiếm đoạt được của bà T. sau đó Long và Tài đã tiêu xài hết.

    Khi Tài rời đi cũng là lúc điện thoại của Long cũng tắt máy. Lúc này bà T. mới biết mình đã bị lừa nên đã trình báo Công an huyện Hương Sơn.

    Từ đơn tố cáo của người bị hại, lần theo dấu vết tội phạm và các chứng cứ, tài liệu thu thập được bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Sơn đã nhanh chóng tìm ra tung tích 2 kẻ lừa đảo Hà Trọng Long và Đỗ Như Tài.

    Với những chứng cứ không thể chối cãi, 2 đối tượng đã cúi đầu nhận tội và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên. Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hà Trọng Long và Đỗ Như Tài để tiếp tục điều tra, mở rộng.

    Ngân Hà

    Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 34

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ho-bien-mat-lon-thanh-mat-gau-nuot-hon-200-trieu-cua-chu-vua-phe-lieu-a290051.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan