+Aa-
    Zalo

    Hồ sơ: 100 năm kênh đào Panama

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Kênh đào Panama, một trong những công trình xây dựng vĩ đại nhất thế kỷ 20, sẽ tròn trăm tuổi vào ngày 15/8 tới.
    (ĐSPL) - Kênh đào Panama, một trong những công trình xây dựng vĩ đại nhất thế kỷ 20, sẽ tròn trăm tuổi vào ngày 15/8 tới.
    100 năm kênh đào Panama

    Tàu lớn đi qua kênh đào Panama

    Bước vào tuổi 101, con kênh nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cũng như thử thách nâng cấp nhằm bảo vệ vị thế trong thế kỉ 21. 
    Kênh đào Panama là kênh đào chính cắt ngang eo đất Panama tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Nó giúp xóa bỏ hành trình dài và nguy hiểm thông qua eo biển Drake và Cape Horn ở điểm cực nam của Nam Mỹ. Một chuyến đi của tàu thuyền từ New York tới San Francisco qua kênh đào này chỉ vượt qua khoảng cách 9.500 km, chưa tới một nửa khoảng cách của hành trình trước đây qua Cape Horn.
    100 năm kênh đào Panama

    Đi qua kênh đào Panama, tàu thủy đi từ New York đến San Francisco rút ngắn được hơn một nửa chặng đường so với đi qua Cap Horn đầy nguy hiểm.

    Mỗi năm có hơn 14.000 tàu thuyền đi qua kênh đào, mang theo trên 203 triệu tấn hàng hóa. Một chuyến đi thông thường của tàu hàng qua kênh đào mất khoảng 9 giờ.
    Trong một thế kỷ qua, kênh đào dài gần 80 km này đã giúp vận chuyển hơn một triệu lượt tàu thuyền và hiện chiếm 5\% giao dịch đường thủy của thế giới. 
    Công trình xây dựng kênh đào Panama
    Được cổ vũ bởi thành công của kênh đào Suez, người Pháp dưới sự chỉ huy của Ferdinand de Lesseps đã bắt đầu xây dựng một kênh đào không cần các âu thuyền thông qua tỉnh Panama vào ngày 1/1/1880. Năm 1893, sau khi đã thực hiện một khối lượng công việc khá lớn, người Pháp đã bỏ cuộc vì bệnh tật và những khó khăn không lường trước được của việc xây dựng một kênh đào ngang mực nước biển. Thiệt hại lớn về nhân lực cũng là một trong các yếu tố chính khiến người Pháp bỏ cuộc. Mặc dù không có ghi chép chi tiết nào được lưu giữ, nhưng ước tính có tới 22.000 công nhân đã chết trong thời gian xây dựng chính của người Pháp (1881-1889).
    100 năm kênh đào Panama

    Công trường đào kênh Panama

    Dưới thời Tổng thống Theodore Roosevelt, Mỹ đã mua lại thiết bị và các phần kênh đã đào của người Pháp và bắt đầu công việc vào năm 1904, sau khi giúp Panama giành độc lập từ tay Colombia để đổi lấy việc kiểm soát khu vực kênh đào Panama. Một khoản đầu tư đáng kể đã được rót vào để loại trừ bệnh dịch, cụ thể là bệnh sốt vàng và bệnh sốt rét. Khi bệnh dịch đã được kiểm soát và sau khi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, việc xây dựng kênh đào theo bậc thang bằng các âu thuyền đã bắt đầu tiến triển. Kênh đào Panama chính thức mở cửa vào ngày 15/8/1914 với sự quá cảnh của tàu chở hàng Ancon.
    Tiến bộ y tế đã khiến cho số lượng tử vong giảm mạnh  trong thời kỳ người Mỹ xây dựng kênh đào Panama (1904-1914), nhưng vẫn có 5.609 công nhân chết trong thời kỳ này, nâng tổng số người chết trong việc xây dựng kênh đào lên con số khoảng 27.500 người.
    Mỹ chuyển giao kênh đào cho phía Panama quản lý
    Sau Chiến tranh thế giới thứ II, việc Mỹ kiểm soát kênh đào và khu vực xung quanh đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối, khiến  quan hệ Panama-Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng.
    Quá trình đàm phán cho một thỏa thuận mới đã bắt đầu vào năm 1974 và kết quả của nó là Hiệp ước Torrijos-Carter. Được Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tướng Omar Torrijos ký ngày 7/9/1977, hiệp ước này đã dẫn tới việc chuyển giao toàn bộ kênh đào cho Panama vào ngày 31/12/1999 và việc kiểm soát kênh đào đã được bàn giao cho Cục quản lý kênh đào Panama (ACP).
    Kênh đào đã đem lại lợi ích lớn cho Panama, mang về cho quốc gia này khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, chiếm 10\% tổng thu nhập của chính phủ và 6\% nền kinh tế quốc gia. Kênh đào Panama còn tạo ra 10.000 việc làm và giúp Panama trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất khu vực với mức tăng trưởng 8,4\% trong năm 2013. 
    100 năm kênh đào Panama

    Nhược điểm lớn nhất của kênh đào Panama là nó quá chặt hẹp đối với các tàu vận chuyển container khổng lồ.

    Đó là chưa kể việc người Mỹ rút đi đã cho phép Panama bán lượng điện dư thừa được sản xuất từ các đập nước của kênh đào, điều mà trước đây chính quyền Mỹ ngăn cấm. Chỉ 25\% lượng điện do các nhà máy thủy điện trong hệ thống kênh đào sản sinh ra đã đủ để vận hành kênh đào này.
    Cạnh tranh gay gắt
    Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21, kênh đào Panama đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ tiềm năng.
    Kênh đào Suez hiện có sức chuyên chở lớn hơn và đang tấn công mạnh mẽ vào thị phần giao thông đường thủy toàn cầu của kênh đào Panama.
    Ngày 5/8 vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã thông báo kế hoạch xây dựng một "kênh đào Suez mới" trị giá 4 tỷ USD song song với kênh đào Suez cũ nhằm mở rộng giao thương và tăng tính cạnh tranh của kênh đào này.
    Bên cạnh đó, Nicaragua, quốc gia hơn một thế kỷ trước từng tranh giành với Panama để quản lý kênh đào chạy qua Trung Mỹ đầu tiên, nay một lần nữa nổi lên như một đối thủ đáng gờm. Tháng trước, Nicaragua đã thông qua dự án trị giá 40 tỷ USD do Công ty Đầu tư phát triển kênh đào Nicaragua (HKND) trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) để xây dựng và vận hành một kênh đào có sức chuyên chở lớn hơn kênh đào Panama. 
    100 năm kênh đào Panama
    Quốc hội Nicaragua vừa thông qua dự án trị giá 40 tỷ USD để xây dựng và vận hành một kênh đào có sức chuyên chở lớn hơn kênh đào Panama.
    Dự kiến hoàn thành trong 11 năm, kênh đào Nicaragua hy vọng sẽ thu hút 4,5\% khối lượng giao thương hàng hải toàn cầu, tạo ra 40.000 việc làm và làm tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người của Nicaragua vào năm 2020. Ngoài việc xây dựng kênh đào, dự án còn bao gồmmột đường ống dẫn dầu, một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa, 2 cảng nước sâu, 2 sân bay và một số khu mậu dịch tự do.
    Có ý kiến lo ngại rằng tính cạnh tranh của kênh đào Nicaragua có thể bị ảnh hưởng bởi hành trình sẽ dài hơn và để thu hút các tàu lớn, kênh đào mới phải rộng hơn, sâu hơn, chi phí lớn hơn và từ đó cước phí qua kênh đào sẽ đắt hơn. Một số chuyên gia cho rằng trong dự án này, Trung Quốc xuất phát từ động cơ địa chính trị hơn là về kinh tế.
    Tốc độ tan chảy của băng tại Bắc Băng Dương đang gia tăng cũng dẫn tới suy đoán rằng Hành lang Tây Bắc có thể trở thành chấp nhận được cho vận tải thương mại ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Hành trình này có thể tiết kiệm 9.300 km trên lộ trình từ Châu Á sang Châu Âu khi so sánh với việc đi qua kênh đào Panama.
    100 năm kênh đào Panama
    Theo dự kiến, dự án mở rộng kênh đào Panama sẽ hoàn thành vào tháng 1/2016.
    Đối mặt với những cạnh tranh nói trên, kênh đào Panama đang lên kế hoạch mở rộng, tăng khả năng chuyên chở lên gần 3 lần so với hiện tại. Việc nâng cấp này sẽ cho phép kênh đào tiếp nhận những con tàu có sức chứa 12.000 container thay vì tối đa 5.000 container như hiện nay.
    Theo dự kiến, dự án mở rộng kênh đào Panama sẽ hoàn thành vào tháng 1/2016. Các quan chức Panama cho biết sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp tăng nguồn thu hàng năm của chính phủ lên gấp 3 lần.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ho-so-100-nam-kenh-dao-panama-a46204.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan