+Aa-
    Zalo

    Hoãn phiên tòa xét xử 7 đại gia thủy sản chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng

    • DSPL
    ĐS&PL Phiên tòa xét xử 7 đại gia thủy sản tại Cà Mau lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng đã tạm hoãn do vắng mặt nhiều người có liên quan đến vụ án.

    Phiên tòa xét xử 7 đại gia thủy sản tại Cà Mau lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng đã tạm hoãn do vắng mặt nhiều người có liên quan đến vụ án.

    Theo báo Dân Việt, sáng nay (27/2), TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử phiên tòa sơ thẩm vụ án 7 doanh nghiệp thủy sản chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của VDB Minh Hải.

    Tại phiên tòa, sau khi trao đổi, thảo luận, HĐXX nhận thấy việc vắng mặt của những người có liên quan đến vụ án đồng thời cũng là nhân chứng trong vụ án và sự vắng mặt của bị đơn dân sự trong vụ án, không có giấy ủy quyền và không người tham gia tố tụng. HĐXX quyết định hoãn phiên tòa xét xử ngày hôm nay và tòa án sẽ triệu tập đối với những người tham gia tố tụng để tham gia xét xử sau (ấn định ngày xét xử vào lúc 7h30 ngày 20/3).

    Cụ thể, giám đốc 7 công ty, xí nghiệp thủy sản gồm: Đặng Thị Ngợi (Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh - DNTN Ngọc Sinh); Nguyễn Tấn Hải (Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải - Công ty Việt Hải); Huỳnh Minh Trung (Công ty TNHH Nhật Đức - Công ty Nhật Đức) và 4 giám đốc công ty kinh doanh thủy sản khác bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    Viện KSND Tối cao cho rằng, những công ty thủy sản này đã dùng các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tổng cộng hơn 1.069 tỷ đồng của VDB Minh Hải.

    Bị cáo Đặng Thị Ngợi (nguyên lãnh đạo Doanh nghiệp Ngọc Sinh) phải ngồi xe lăn dự tòa - Ảnh: báo Dân Trí

    Báo VnExpress dẫn cáo trạng của TAND tỉnh Cà Mau, từ năm 2009 đến 2011, 7 người đứng đầu các doanh nghiệp ở Cà Mau chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ tài chính khống vay vốn VDB Minh Hải. Họ đã sử dụng số tiền trái mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán. Trong đó, Đặng Thị Ngợi bị cáo buộc chiếm đoạt của VDB Minh Hải số tiền lớn nhất, hơn 266 tỷ đồng.

    Được thành lập năm 2000, DNTN Ngọc Sinh do bà Ngợi làm chủ từng là đối tác lâu dài của VDB Minh Hải. Tuy nhiên khi làm ăn thua lỗ, nữ giám đốc đã chỉ đạo kế toán trưởng Dương Minh Chánh lập các báo cáo tài chính khống thể hiện kết quả kinh doanh có lãi, dù đã lỗ hơn chục tỷ đồng để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng.

    Năm 2009-2010, bà Ngợi còn ủy quyền cho chồng là Nguyễn Trung Thành ký khống 31 hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài có tổng giá trị hơn 21 triệu USD (dù giá trị các hợp đồng chỉ hơn 6,5 triệu USD), kê khống giá trị tài sản như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, quyền sử dụng đất,… từ 24,5 lên 115 tỷ đồng để vay tiền. Tổng cộng, công ty của bà Ngợi đã được VDB Minh Hải giải ngân hơn 303 tỷ.

    Cũng với thủ đoạn tương tự, Huỳnh Minh Trung - Giám đốc công ty Nhật Đức - đã chiếm đoạt của VDB Minh Hải hơn 143 tỷ đồng.

    Còn Nguyễn Tấn Hải cũng bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 75 tỷ đồng; Phan Xuân chiếm đoạt hơn 85 tỷ đồng; Nguyễn Hữu Thành chiếm đoạt trên 107 tỷ đồng của VDM Minh Hải…

    Bằng các thủ đoạn gian dối, người đứng đầu 7 công ty trên đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 1.069 tỷ đồng của Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Minh Hải.

    Để xảy ra việc này, ông Trịnh Tuấn Mẫn – nguyên Giám đốc VDB Minh Hải bị cáo buộc ký 70 hồ sơ thẩm định cho vay trên 376 tỷ đồng, ký 90 hợp đồng tín dụng xuất khẩu cho vay gần 672 tỷ đồng và ký 61 hồ sơ giải ngân 240 tỷ đồng.

    Ngoài ra, 7 nhân viên dưới quyền ông Mẫn bị buộc tội tham mưu, ký vào các hồ sơ vay vốn gây thiệt hại cho VDB Minh Hải.

    Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

    1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 

    a) Có tổ chức; 

    b) Có tính chất chuyên nghiệp; 

    c) Tái phạm nguy hiểm; 

    d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; 

    đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

    g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 

    a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

    b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 
    a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; 
    b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

    5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoan-phien-toa-xet-xu-7-dai-gia-thuy-san-chiem-doat-hon-1000-ty-dong-a182321.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan