+Aa-
    Zalo

    Hoang đường chuyện chết đi sống lại rồi tự “phong thánh”

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL)- Chỉ vài tuần sau khi hóa điên dại, ông Xuân bỗng khỏe mạnh trở lại và bảo “thánh mẫu" đã phù hộ, ứng vào để giúp dân nghèo. Từ ngày thành “thánh”, gia đình ông trở nên giàu có nhất vùng.

    (ĐSPL)- Trong một lần đi đánh cá cạnh một ngôi chùa gần nhà, không hiểu vì lý do gì, ông Xuân bỗng nhiên hóa điên dại. Được người thân đưa đi bệnh viện chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không giảm. Thấy mức độ bệnh trầm trọng, người thân ông Xuân thậm chí đã chuẩn bị chuyện hậu sự.

    Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, ông Xuân đột nhiên khỏe mạnh bình thường. Từ cõi chết sống lại, ông Xuân tự cho mình là “thánh” được bề trên độ trì phù hộ để giúp đỡ dân nghèo.

    Từ đó, người trong thiên hạ gọi ông là “thánh Xuân”. Danh tiếng ông vang xa, mỗi ngày có hàng trăm người lặn lội tìm đến, chầu chực chờ đến lượt để được ban lộc(!).

    Chuyện người đàn ông “chết đi sống lại” tự “phong thánh”ở Hà Tĩnh
    Nơi “thánh Xuân” làm việc. Chiếc chiếu là để người xem quỳ, "thánh Xuân” đứng bên cạnh nhập vào “thánh Mẫu” để phán.

    “Cơn bão thánh” khiến người dân mê muội...

    Như một tục lệ, những ngày đầu năm mới một số người dân thường có thói quen đi xem bói, bốc quẻ để “tò mò” nhằm phòng tránh những tai ương trong cuộc sống, cầu mong cho cả gia đình và bản thân mình luôn gặp nhiều may mắn. Nhưng thời gian gần đây bói toán đang dần bị biến tướng theo chiều hướng của mê tín dị đoan. Có hàng trăm, hàng ngàn kiểu xem bói, mỗi thầy một “chiêu trò” để “rút hầu bao” khách. Có thầy thì nhận làm “thánh” cô, có thầy thì nhận “thánh Mẫu”... để hòng qua mắt người dân có trình độ dân trí thấp.

    Chúng tôi tìm về gia đình ông Trần Xuân (45 tuổi, trú tại xóm Đông Hà, xã Sơn An, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) bởi lẽ ông được người dân ví như một người “đặc biệt”. ở vùng này người dân gọi ông là “thánh Xuân”. Vừa đặt chân tới xã Sơn An chúng tôi có cảm giác như cái vùng quê vốn rất đỗi bình yên này đang trong “cơn bão “thánh””. Ngoài “thánh Xuân” ra còn rất nhiều... “thánh” khác. Người dân cho biết, mỗi “thánh” mỗi kiểu xem bói và ban ơn, nhưng điểm chung của các “thánh” đều... rất giàu.

    Đã hành nghề được hơn 15 năm nay nên “thánh Xuân” (ông Trần Xuân) thuộc dạng “có số có má” ở vùng đất miền núi hoang sơ và lạc hậu này. Tìm đến địa chỉ nhà ông Xuân không khó, vì hỏi đến “thánh Xuân” chuyên cắt duyên, nối duyên, trừ ma ám, chữa bệnh âm, thậm chí người mất tích thì “thánh” tìm về giúp... nên dân trong vùng không ai là không biết đến. Tò mò, chúng tôi muốn đi sâu vào tìm hiểu xem thực hư câu chuyện này thế nào.

    Vào vai một vị khách từ nơi khác đến muốn được “thánh Xuân” cầu duyên, xem con đường công danh và chữa bệnh thấp khớp mãn tính. Chúng tôi hỏi một số người trong làng, nếu muốn vào “thánh Xuân” thì cần những lễ vật gì để còn chuẩn bị. Một cô gái độ 30 tuổi nhanh nhẹn trả lời: “Nếu anh muốn đi cầu duyên thì chỉ cần một búp hương, một gói bánh là được. Nhưng nếu muốn chữa bệnh, xem gia sự, chữa bệnh âm, tìm người thân mất tích... thì phải mang ba que hương đốt cháy một nửa lúc ở nhà, rồi cầm phần còn lại đến và một búp hương khác, một gói bánh. Anh nhớ là không được mua bánh và hương ở quán nào mà gia đình họ vừa mới có đám tang (ma mới) hoặc gia đình đó mới sinh em bé thì “thánh” mới giúp được”.

    Đại đa số người dân trong làng là đồng bào công giáo, chỉ có duy các ông “thánh” là người lương. Vì là trái ngược nhau giữa lương và giáo nên các “thánh” không giúp đỡ cho bà con trong làng được. Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ của “thánh Xuân”, người làng Đông Hà cho biết, trước đây gia đình “thánh Xuân” nghèo lắm. Công việc hàng ngày của ông ấy chủ yếu là làm ruộng, ngoài ra ông Xuân còn là người hay đi đánh cá, mò cua, bắt tép... để sống qua ngày, nuôi vợ con. Trong một lần đi đánh cá ở ngôi chùa Đức Mẫu thuộc xã Sơn Thịnh, đột nhiên ông Xuân hôm đó hóa thành điên dại, mọi người đưa đi bệnh viện chữa trị nhưng bệnh tình không khỏi. Chỉ vài tuần sau đó ông bỗng dưng khỏe mạnh trở lại và bảo “thánh” mẫu trên chùa đã phù hộ, ứng vào để giúp đỡ những người dân nghèo. Họ bảo lúc đầu ông chỉ xem bói, chữa các bệnh về phần âm, cho thuốc để chữa bệnh. Vài năm sau tiếng lành đồn xa, ai ai cũng biết, dần dần “tay nghề” “thánh Xuân” càng siêu phàm hơn, có thể tìm được trẻ con bỏ nhà đi, ai chưa có duyên thì đến cầu là được duyên, nếu mệnh xấu thì “thánh” cho giải hạn....

    “Kể từ ngày trở thành “thánh”, cuộc sống gia đình ông Xuân đã đổi đời. Từ hai bàn tay trắng, vậy mà giờ gia đình ông đã có một tư dinh kếch xù, nhà cửa được xây mới khang trang. Vợ ông không phải làm ruộng nữa,  mà còn nuôi hai người con học đại học ở Hà Nội...”, một người dân cho hay.

    Chuyện người đàn ông “chết đi sống lại” tự “phong thánh”ở Hà Tĩnh
    Người xem phải cúng hương, bánh trước khi vào xem.

    ...và trò bịp được “thánh Mẫu” nhập vào để... phán

    Bà con nơi đây nhiều người vẫn còn mê tín, tin vào chuyện ma quỷ, người âm theo duyên trần, vợ chồng cãi nhau, ốm đau bệnh tật... đa phần họ quan niệm do phần âm, những hồn ma gây vạ nên phải đi giải hạn, cúng bái mới có thể qua được. Họ tin tưởng vào những lời phán xét nhảm nhí của “thánh” và tôn thờ “thánh” một cách mù quáng. Nhận thức người dân còn hạn chế, nghe theo lời đồn thổi và không tự kiểm chứng nên nhiều người tiền mất mà tật vẫn mang cũng do bói toán làm lễ.

    Chị Liễu, một người dân xã Sơn Ninh cho biết: “Thánh Xuân” là người rất giỏi, thành lấy ít tiền hơn chứ không đòi nhiều tiền như các “thánh” cùng làng. Ai đến “thánh Xuân” chỉ cần mang lễ là được, ai có tâm cho “thánh” bao nhiêu thì đặt lên ban thờ. Ngày trước con trai tôi bỏ nhà đi theo đám bạn hư, lúc đó nó mới học lớp 11. Bị bố mắng nên nó bỏ đi biền biệt gần một tuần, không thấy tung tích con trai nên tôi đành phải tìm đến “thánh Xuân” để “thánh” nhờ “thánh Mẫu” tìm giúp. Sau khi làm lễ xong, “thánh Xuân” phán rằng: “Thánh Mẫu” bảo con trai cô vẫn khỏe mạnh, yên tâm đi “thánh” sẽ bắt nó về cho. 6h tối mai là nó sẽ về ngay thôi. Quả đúng như lời “thánh” phán, đúng chiều hôm sau con trai tôi có người đưa về tận nhà”.

    Cũng theo lời chị Liễu thì hồi trước chị và những người hàng xóm mình phải nuôi con nhỏ, mỗi khi con mắc bệnh, hay có triệu chứng lạ là họ nghĩ con mình bị ma quỷ làm hại. Đã không ít người tìm đến “thánh Xuân” để chữa trị cho con. “Thánh” cầu “thánh Mẫu” rồi khấn, đọc tên tuổi, hỏi triệu chứng bệnh để bày cách chữa trị. Mọi người làm theo cách của “thánh” đều thấy linh nghiệm. Những đứa trẻ thầy phán có mệnh xấu thì cần đem đến nhà thầy “gửi” để được bề trên giải hạn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, các đứa trẻ chỉ mắc bệnh thông thường, uống thuốc tây nên khỏe chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào yếu tố tâm linh. Còn chuyện tìm trẻ lạc như lời chị Liễu kể là do con chị giận bố mẹ bỏ sang nhà họ hàng chơi nên chuyện nó trở về là hoàn toàn do sắp đặt của người lớn.

    Theo lời người dân, muốn chữa được nhiều bệnh hoặc nhờ “thánh” giúp nhiều việc thì cần có ba que hương đã cháy một nửa. Do vì đường xa đến nên chúng tôi đành phải cắt đôi những que hương rồi đốt cháy, đem vào bảo “thánh” là mang ở nhà lên. Sau khi vào đến nhà “thánh” có một người đàn ông khoảng 70 tuổi (cậu của “thánh Xuân”) chỉ dẫn, chúng tôi ghi tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ và những việc cần “thánh” giúp vào trong một tờ giấy nhỏ. Sau đó dùng dây chun buộc gọn vào búp hương mới đặt lên ban thờ. 

    Trong khu vườn rộng hàng trăm mét vuông, ở đó có bốn cái điện lớn nhỏ (ban thờ), ai đến đó đều phải thắp hương đủ bốn điện. Theo lời chỉ dẫn của người nhà “thánh Xuân”, chúng tôi làm đầy đủ mọi thủ tục. Chỉ 20 phút sau thì “thánh” xuất hiện. Sau màn hỏi tên tuổi, địa chỉ, ông quay sang chiếc bàn đựng bát hương và đồ lễ khá sơ sài, rồi xì xồ, xì xồ một bài khấn mà cũng không ai hiểu nổi. ông cứ thế tuôn một tràng thông tin về “tín chủ”, về mồ mả tổ tiên, phần âm, rồi đến công danh, sự nghiệp, tình duyên... Người nghe cứ ngờ ngợ chẳng biết đúng sai, vì cái nào thầy cũng phán một cách chung chung.

    Tuy nhiên, đến phần “giải pháp”, sau một hồi “múa máy”, ông Xuân cho rằng, mình đã được “thánh Mẫu” nhập vào. Từ đây, mọi lời nói, cử chỉ của ông Xuân đều là của “thánh Mẫu” và cứ thế, bởi niềm tin vào cõi âm, nhiều người tin răm rắp. Dù không định giá cho một lần xem nhưng hầu như giá đã được người nhà ông Xuân “phím” cho khách là 100.000 đồng/lần xem. Người nào cảm thấy đúng thì cho thêm. Mỗi ngày “thánh Xuân” tiếp hàng trăm người đến xem và không khó hiểu vì sao, gia đình ông hiện nay thuộc vào diện giàu có nhất xã.

    Chuyện người đàn ông “chết đi sống lại” tự “phong thánh”ở Hà Tĩnh
    Nội quy khi đến với “thánh Xuân”.

    Hoạt động mê tín dị đoan

    Ông Lê Đình Châu  - Chủ tịch UBND xã Sơn An cho biết: “Chuyện “thánh Xuân” hoạt động mê tín dị đoan đã diễn ra từ lâu lắm rồi. Tuy nhiên, độ ba năm trở lại đây mới bắt đầu được nhiều người biết đến. Chúng tôi cũng đã vào cuộc, nhất là trong việc không bình xét tiêu chí Gia đình văn hóa cho gia đình ông Xuân dù đủ các tiêu chuẩn khác. Gần đây, nhiều người nơi khác tìm đến để giải quyết những vấn đề tâm linh nên càng làm cho nó phát triển. Chúng tôi đã cử an ninh theo sát và sẽ dẹp toàn bộ nếu ông Xuân có biểu hiện làm mất trật tự an ninh tại địa phương”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoang-duong-chuyen-chet-di-song-lai-roi-tu-phong-thanh-a33760.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan