Vụ bản đồ quy hoạch “thất lạc”: Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?


Chủ nhật, 06/05/2018 | 08:55


Cơ quan chức năng TP.HCM đang tiến hành tìm kiếm tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cơ quan chức năng TP.HCM đang tiến hành tìm kiếm tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Giả thiết đặt ra, nếu tấm bản đồ này bị mất thì cơ quan nào, người nào phải chịu trách nhiệm?

Nhìn nhận vụ việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Quang Bá (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ, việc không tìm thấy tấm bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm khiến nhiều người bất ngờ. Việc xác định tấm bản đồ này “đi đâu” cũng rất quan trọng.

Các cơ quan chức năng đang vào cuộc “truy tìm” tấm bản đồ quy hoạch này. Phía chính quyền TP.HCM nói rằng, bản đồ này “có”, nhưng lại không “trưng” ra được khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về tính pháp lý cũng như căn cứ để giải quyết khiếu nại của người dân.

Tin trong nước - Vụ bản đồ quy hoạch “thất lạc”: Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?

Nếu bản đồ quy hoạch bị mất, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?

Trong trường hợp nếu tấm bản đồ quy hoạch này có nhưng bị mất thì cơ quan chức năng cần phải yêu cầu các cán bộ có liên quan đến việc bảo quản lưu trữ tại các sở ngành có liên quan giải trình để xem mất từ bao giờ, mất ở khâu nào, bộ phận nào. Mất do lỗi vô ý, do lỗi cố ý của con người, hay trong hồ sơ không có tấm bản đồ 1/5000 này cũng cần phải sớm được xác minh làm rõ.

Theo luật sư Bá, nếu không phải do rơi rớt lúc di chuyển thì người lấy bản đồ là người có hành vi chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Đây là một hành vi phạm tội quy định tại Điều 342, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Điều 268, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009), với tội danh Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Như vậy nếu mất thì phải xác định mất ở khâu nào, bộ phận nào để khởi tố vụ án trong trường hợp không phải mất do rơi rớt, vô ý của con người.

Nếu xác định có bản đồ quy hoạch nhưng bị mất, cơ quan công an có thể vào cuộc điều tra theo quy định hiện hành. Cơ quan công an có thể khởi tố vụ án để điều tra. Ở đây chúng ta phải hiểu, việc khởi tố vụ án là nhằm điều tra đối với những người liên quan, nếu có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố bị can để xử lý theo quy định pháp luật.

Khởi tố vụ án là căn cứ vào Điều 153, Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này”.

Sau khi khởi tố để điều tra, nếu xác định người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can (Điều 179, BLTTHS).

Theo một số chuyên gia pháp lý, nếu trong trường hợp không có bản đồ, hoặc bản đồ bị thất lạc thì chắc chắn đơn vị được giao bảo quản, cất giữ lưu trữ hồ sơ có chứa bản đồ quy hoạch chi tiết này sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Và người đứng đầu cơ quan, đơn vị này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Thông thường, những quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký sẽ được chuyển một bộ hồ sơ sang bộ phận Văn phòng Chính phủ, một bộ lưu ở văn thư lưu trữ và sẽ được chuyển giao cho TP.HCM. Vì thế, nếu ở các cơ quan kể trên mà không tìm thấy tài liệu hồ sơ thì chắc chắn các cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm.

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-ban-do-quy-hoach-that-lac-co-quan-nao-phai-chiu-trach-nhiem-a228672.html