+Aa-
    Zalo

    Sau lũ, đường về bản còn xa lắm!

    • DSPL
    ĐS&PL Con đường đến trường của các thầy cô huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vốn đã gian nan, nay gian nan nguy hiểm gấp bội.

    Một bên là vách núi, một bên là vực sâu, dưới chân núi là dòng sông cuồn cuộn đục ngầu sau những trận mưa lớn, khiến đường đến trường của các thầy cô huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vốn đã gian nan, nay gian nan nguy hiểm gấp bội.

    Hiểm nguy rình rập

    Theo kế hoạch, vào ngày 20/8, học sinh tỉnh Nghệ An sẽ chính thức tựu trường. Thế nhưng, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua đã khiến nhiều trường học bị hư hỏng nặng. Có những phòng học bị cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn. Trong đó, trường tiểu học Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với ước tính thiệt hại lên đến 940 triệu đồng. Trường nằm ở vùng biên ải Việt – Lào, nên khó khăn chồng chất khó khăn.

    Lên thăm trường trước khi khai giảng, chúng tôi xuất phát từ TP.Vinh lên thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn với quãng đường hơn 200km. Tuy nhiên, đó là giai đoạn “nhàn” nhất của chuyến đi, bởi cả đoàn phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ để vào xã vùng biên Mường Ải, chỉ cách đó khoảng 40km.

    Theo lời cảnh báo của người dân địa phương, nhiều đoạn đường xuất hiện tình trạng sạt lở, gây chia cắt giao thông, con đường duy nhất là men theo đường núi tiến thẳng vào. Mặc dù chính quyền địa phương đã khắc phục bằng nhiều cách và thời tiết cũng bắt đầu ủng hộ khi trời nắng sau nhiều ngày mưa to, thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay xe ô tô vẫn chưa thể vào được. Bởi vậy, chúng tôi đành phải thuê xe máy để di chuyển và chỉ mang những đồ dùng thiết yếu, nhẹ nhất có thể.

    Trận mưa kéo dài đến 10 ngày, kỷ lục trong khoảng chục năm trở lại đây đã khiến kết cấu đất đá trên núi bị suy yếu gây ra sạt lở. Con đường đã nhỏ nay càng bị hẹp hơn, nhiều nơi lòng đường chỉ vừa một xe máy đi qua. Bùn đất nhão nhoét và trơn trượt khiến bất cứ ai không cẩn thận cũng có thể “vồ ếch”, gặp nguy hiểm.

    Không dành cho những người “non tay”

    Tôi tự nhận mình đi xe máy khá cứng tay, thế nhưng mới di chuyển vài km đầu tiên, tôi không dám một phút lơ là, phải nắm chặt lấy tay lái, dù mỏi nhừ cũng không dám nới lỏng, ánh mắt dán thẳng vào phía trước, mồ hôi túa ra như tắm, ướt hết lớp áo.

    Dòng sông Nậm Típ bình thường hiền lành nhưng sau những trận mưa lớn đã trở nên hung dữ, sẵn sàng cuốn trôi bất cứ thứ gì rơi xuống. Nguy hiểm hơn, những vết nứt to bằng ngón chân từ mép bờ sông ăn vào tận chân vách núi. Cảm tưởng như chỉ thêm một trận mưa nữa thì cả tuyến đường sẽ đứt gãy, đổ sập xuống. Đất đá trên núi vẫn tiếp tục sạt lở. Thỉnh thoảng trên đường lù lù những tảng đá to tướng chắn ngang khiến cho mọi người phải tìm mọi cách vượt qua.

    Đất đá từ trên rơi xuống chắn ngang đường

    Sau gần 2 tiếng, bụng tôi quặn lên vì những cú xóc, toàn thân mệt mỏi chỉ ước có một chiếc giường ở đây để ngả lưng dù chốc lát. Bộ phận giảm xóc của chiếc xe kêu kẹt kẹt như phản đối chuyến đi, mùi cao su của lốp khét lẹt khi xuống những con dốc thẳng đứng. Vừa đi tôi vừa thầm cầu khấn, xin đừng xảy ra sự cố, bởi chỉ cần thủng săm ở đây thì chỉ còn cách đứng khóc.

    Cuối cùng điều sợ hãi đó cũng trở thành sự thật, trong một giây phóng xe “lên bậc” thì chiếc bánh phía sau đã bị thủng lốp. Chúng tôi dắt bộ một đoạn dài thì cuối cùng “thần may mắn” đã mỉm cười khi trước mắt là một quán sửa xe, người thợ Nguyễn Hòa, trú xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn xuất hiện như một vị cứu tinh của đoàn.

    Khi biết chúng tôi từ TP.Vinh mới lên, anh Hòa vừa thay săm vừa cho biết, cứ khoảng 10 ngày thì anh lại phải ra thị trấn để lấy thêm phụ tùng xe máy, bởi dù có bảo vệ như thế nào thì những chiếc xe máy ở đây có tuổi thọ rất ngắn. Bình thường một chiếc xe được bảo dưỡng thường xuyên có thể sử dụng cả chục năm, nhưng đã đưa vào Mường Ải thì trung bình chỉ khoảng 3 – 4 năm xe đã xuống cấp. Săm lốp, xích và phanh phải thay liên tục. Mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa thì có tháng phải thay tới mấy lần.

    Trước đây ô tô bán tải vẫn có thể di chuyển vào được thì anh Hòa gửi mua được nhiều thiết bị phụ tùng. Nhưng cách đây mấy ngày, nước lũ dâng cao, xe chở hàng bị rơi xuống sông, may người văng ra rơi gần bờ, còn xe và hàng hóa thì bị nước lũ cuốn trôi. “Hơn nửa tháng nay mưa liên tục khiến đường khó đi, di chuyển xe máy ra thì không lấy được nhiều nên cửa hàng tôi hết lốp, săm chỉ còn vài cái. Dù giá có tăng cao hơn trước nhưng nhiều người vẫn đến hỏi để thay. Hy vọng không mưa nữa để còn nhập hàng chứ nếu không thì đành chịu”, anh Hòa nói.

    Chị Nguyễn Thị Minh, một người bán hàng tại xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Bình thường đi đường này cũng đã khó khăn, nay trời mưa khiến nhiều nơi bị sạt lở thì việc đi lại càng vất vả hơn. Cũng vì thế hàng hóa trở nên khan hiếm, dùng xe máy ra trung tâm huyện thì không chở được nhiều, vì thế mà giá cả nhiều mặt hàng cũng bị tăng lên”.

    Khoan đá, nhồi mìn phá để thông đường

    Sau nhiều vất vả, chúng tôi cũng đến được trung tâm xã Mường Ải. Ông Lữ Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Mường Ải cho biết: “Do mưa kéo dài nên kết cấu đất đá trên núi yếu đã xảy ra sạt lở, một khối lượng đất đá lớn đổ xuống đường gây chia cắt, cô lập nhiều bản làng trong xã. Cách đây 1 tuần con đường từ trung tâm huyện vào xã cũng bị chia cắt. May mà mưa dứt, trời hôm nay bắt đầu hửng nắng nên con đường mới thông được”.

    Việc thông đường có nghĩa là người dân có thể di chuyển qua lại, nhưng lại vô cùng khó khăn. Ông Hưng cho biết thêm: “Đường vào các bản đã cơ bản thông nhưng đoạn từ giáp ranh giữa xã Mường Ải và Mường Típ do sạt lở nặng, một tảng rất lớn rơi xuống, án ngữ ngang đường, chỉ cách vực khoảng 50cm, xe cộ đi qua hết sức nguy hiểm”.

    Không thể trông chờ sự giúp đỡ của huyện do khoảng cách từ thị trấn Mường Xén vào đến xã Mường Ải hơn 40km. Vì vậy, sau khi suy tính, UBND xã Mường Ải đã huy động cán bộ, nhân viên cùng với đoàn thanh niên, ban công an xã, với sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng và cán bộ Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 đang đóng trên địa bàn cùng nhau tìm cách phá đá. “Do tảng đá nặng hàng chục tấn, nên chúng tôi quyết định dùng máy khoan phá một phần để người dân đi qua an toàn hơn thôi. Vì không có phương tiện nên không thể giải quyết được hoàn toàn”, một cán bộ cho hay.

    Thế nhưng, chỉ riêng việc khoan đá cũng khiến cho toàn bộ lực lượng toát hết mồ hôi. Chỉ có một chiếc máy duy nhất nên mọi người phải thay nhau làm việc, những người còn lại dùng cuốc, xẻng để san cào, đẩy những viên đá nhỏ cản lối để việc đi lại được thuận tiện. Phải hơn 1 ngày, công việc mới hoàn tất. Tuy nhiên, ở trên đỉnh có một tảng đá mồ côi nằm chênh vênh, nếu tiếp tục mưa lớn nhiều ngày có khả năng sẽ rơi xuống bịt kín lối đi hoàn toàn.

    “Điều khiến chúng tôi lo nhất là sắp đến ngày tựu trường, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến các thầy cô giáo và các em học sinh. Mùa mưa thì vẫn còn chưa kết thúc, rất nhiều công tác vẫn còn phải hoàn thành nên hy vọng trời không mưa nữa”, ông Hưng cho hay.

    Anh Ngọc

    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 97

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-lu-duong-ve-ban-con-xa-lam-a240562.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan