+Aa-
    Zalo

    Từ vụ Mercedes gây tai nạn chết người ở Hà Nội: Nên cấm sử dụng giày cao gót lái xe?

    • DSPL
    ĐS&PL Trước vụ việc nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến nữ tài xế đi giày cao gót, đạp nhầm chân ga, dư luận dấy lên tranh cãi có nên cấm phụ nữ đi giày cao gót...

    Trước vụ việc nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến nữ tài xế đi giày cao gót, đạp nhầm chân ga, dư luận dấy lên tranh cãi có nên cấm phụ nữ lái ô tô, xe máy đi giày cao gót.

    Ngày 20/11, bà Vũ Thị Hồng Thái (quận Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển xe Mercedes gây tai nạn liên hoàn tại ngã tư Lê Văn Lương- Nguyễn Ngọc Vũ. Vụ tai nạn khiến 1 người tử vong, 3 người bị thương.

    Tại cơ quan công an, bà Thái khai do đi giày cao gót, lại mất bình tĩnh nên đạp nhầm chân ga, gây tai nạn đáng tiếc.

    Hình ảnh nữ tài xế Mercedes hốt hoảng sau khi gây tai nạn. Ảnh: Dân Trí

    Được biết đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc phụ nữ đi giày cao gót lái xe gây tai nạn. Trước sự việc, dư luận xôn xao việc có nên cấm phụ nữ đi giày cao gót khi lái xe.

    Chia sẻ với PV báo VnExpress, chị Nguyễn Thị Hoa (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội)- người có kinh nghiệm 10 năm lái ô tô cho hay, giày cao gót có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý chân phanh, chân ga không được mềm mại. Tuy nhiên, tai nạn xảy ra cũng có nhiều nguyên nhân, tùy từng trường hợp phải điều tra thì mới khẳng định được. Theo chị Hoa, cũng có nhiều vụ tai nạn xảy ra do tài xế lơ đãng, nghe điện thoại, tay lái non, xử lý lúng túng trong khi trang phục, giày dép không phù hợp.

    Chị Hoa cũng chia sẻ, chị luôn để sẵn một đôi giày đế thấp ôm chân để sử dụng khi lái xe. "Đi loại giày này tạo cảm giác tốt, không bị mỏi cổ chân và mũi chân, xử lý các tình huống thuận tiện hơn", chị Hoan cho hay.

    Anh Nguyễn Đức Đẩu - người có hơn 20 năm đào tạo lái xe tại trung tâm sát hạch lái xe ở ngoại thành Hà Nội cho biết, việc sử dụng giầy cao gót bị cấm với các học viên ở trung tâm này. "Giày gót cao nhọn, đế rất nhỏ, sẽ khiến bàn chân không được vững khi xử lý các tình huống, hơn nữa gót chân bị chống lên, mũi bàn chân dốc và cổ chân căng do vậy các thao tác vào côn, phanh, ga sẽ gặp khó khăn", anh Đực nói.

    Liên quan đến vụ việc, trao đổi trên tờ Gia đình Xã hội, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, đừng đổ lỗi cho chiếc giày cao gót mà hãy nhìn nhận ở góc độ chủ quan là do ý thức người tham gia giao thông. Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần phải có sự chuẩn bị, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra. Do đó việc đi giày cao gót trong khi lái xe tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, càm nhận lực không tốt, quai giày vướng vào chân ga, chân phanh đè nặng tâm lý người điều khiển, gây ra tình trạng không kịp xoay sở trong các tình huống khẩn cấp, luống cuống trong cách xử lý và có thể dẫn đến vi phạm giao thông.

    Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, ở nhiều nước trên thế giới, giày cao gót không bị cấm nhưng được khuyến cáo không nên sử dụng khi điều khiển các loại phương tiện khi tham gia giao thông.

    Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng. Ảnh: Gia đình & Xã hội

    Luật sư Hùng cũng cho rằng, việc ban hành luật cấm người điều khiển đi giày cao gót khi tham gia giao thông có thể mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc ban hành luật là một vấn đề rất quan trọng, các nhà làm luật phải cẩn trọng khi ban hành về quy định, chế tài. Bởi lẽ, hiện nay số lượng phụ nữ đi giày cao gót là rất lớn, trong khi không phải ai cũng mang theo một đôi giày cao gót và một đôi giày bệt để tham gia giao thông, vì thế có thể gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận

    Đưa ra quan điểm trên báo Vietnamnet, luật sư Bùi Quang Thu- Đoàn luật sư Hà Nội cho hay, việc phụ nữ lái xe ô tô đi giày cao gót gây tai nạn thảm khốc là sự việc đau lòng, vô cùng đáng tiếc.

    Phụ nữ lái ô tô đi giày cao gót đúng là không an toàn bằng việc đi giày bệt. Bởi lẽ, đi giày đế bệt, đế thấp sẽ thoải mái hơn khi vận động và dễ dàng điều khiển ô tô theo ý của người lái. Tuy nhiên, việc đạp nhầm chân phanh thành chân ga còn phụ thuộc vào kỹ thuật lái xe ô tô là chính, không phải do đi giày cao gót. Bởi dù đi giày cao gót hay không thì khi đạp nhầm chân ga lúc muốn phanh đều có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.

    Theo luật sư Thu, chúng ta nên khuyến cáo phụ nữ khi lái xe, trước tiên phải tập lái thuần thục trên đường (kể cả người đã có bằng lái xe) rồi mới điều khiển ô tô tham gia giao thông. Khi đã lái thuần thục, người lái xe sẽ tự tin lái ô tô theo ý muốn của mình, đúng quy định pháp luật.

    Trước sự việc, trao đổi với PV báo VnExpress, Đại tá Đỗ Thanh Bình- Cục phó CSGT (bộ Công an) cho hay, hiện chưa có điều luật cấm phụ nữ lái xe đi giày cao gót. Tuy nhiên, qua thực tiễn và trong giáo trình về lái xe đều có nội dung về việc đi giày cao gót lái xe sẽ tiềm ẩn rủi ro.

    Lãnh đạo Cục CSGT khuyến cáo khi lái xe, nữ tài xế cần phải kiểm tra kỹ chân phanh, chân ga, thao tác trước xem giày sử dụng có thoải mái và dễ xử lý khi lái xe không, khi nào đảm bảo sự chắc chắn và đủ lực nhấn phanh, ga mới khởi hành.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-mercedes-gay-tai-nan-chet-nguoi-o-ha-noi-nen-cam-su-dung-giay-cao-got-lai-xe-a301944.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan