+Aa-
    Zalo

    Học online: Phụ huynh lo lắng con thành game thủ, tính nết thay đổi

    • DSPL
    ĐS&PL Học online, tiếp cận với máy tính thời gian dài, không ít học sinh tìm đến trò chơi trực tuyến kể cả trong và ngoài giờ học, thậm chí mất kiểm soát.

    Phụ huynh “sốc” khi con nghiện game

    Sau thời gian học trực tuyến kéo dài do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chia sẻ với PV, không ít phụ huynh phàn nàn về kết quả học tập của con bị giảm sút, ngồi học không tập trung..., thậm chí nhiều phụ huynh đã "tá hỏa" khi biết con đã trở thành game thủ.

    Chị Thủy (Kim Đồng, Hà Nội) chia sẻ, cả hai vợ chồng đều bận rộn với công việc nên chuyện học hành của con đều nhờ cả vào ông bà nội. Nhưng chỉ sau hơn một tuần, cô giáo chủ nhiệm đã trao đổi về việc con mất tập trung khi học, thường xuyên không hoàn thành bài tập cô giao.

    “Hôm đó, tôi được nghỉ nên có thời gian ngồi học cùng con. Vô tình, tôi phát hiện con vừa học online vừa mở nick rủ các bạn chơi game. Tôi thật sự rất sốc, con trai tôi đã mê mẩn các trò chơi trên mạng sau một thời gian học trực tuyến”, chị Thủy nói.

    hoc online phu huynh lo lang con thanh game thu tinh net thay doi 02
    Nhiều phụ huynh lo ngại con trở thành game thủ sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh minh họa

    Theo lời kể của chị Thủy, hàng ngày, cứ sau giờ học là các con lại cùng rủ nhau chơi game. Trung bình cũng 3-4 tiếng/ngày. “Cứ tình hình học trực tuyến kéo dài thêm vài tháng thì sớm muộn các con cũng thành game thủ hết", chị Thủy lo lắng.

    Cùng chung tâm trạng, chị Thu Hương (Linh Đàm, Hà Nội) buồn rầu nói: “Sau một thời gian học trực tuyến, cô giáo chủ nhiệm đã 2 lần trao đổi về việc con gái tôi không tập trung khi học, cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình để con học tập tốt hơn”.

    “Học không tập trung, dù có nhắc nhở thường xuyên nhưng không phải lúc nào vợ chồng tôi cũng kè kè bên con được. Con gái tôi học lớp 4 nhưng con bé chơi game lúc nào vợ chồng tôi không hề hay biết. Cháu lén tải rất nhiều game chơi trong lúc học và học theo rất nhiều câu từ khiếm nhã có trong Tiktok”, chị Hương chia sẻ.

    Trao đổi với ĐS&PL, BS. Đinh Hữu Uân- Thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ, nguyên bác sĩ Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương I cho rằng, chơi game có thể giảm căng thẳng cho học sinh khi phải học quá lâu hoặc bị hạn chế ra ngoài trong điều kiện dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên khi chơi game đến mức độ nghiện, trở thành bệnh lý thì việc điều trị rất kỳ công, đòi hỏi nỗ lực lớn của bản thân trẻ, cha mẹ và người thân xung quanh.

    “Trẻ nghiện game sẽ dẫn đến các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi. Điều đáng lo ngại, game tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ đang phát triển”, bác sĩ Uân cảnh báo.

    Bác sĩ Uân khuyến cáo, cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho con; thay vì cấm đoán, đánh mắng, cha mẹ hãy chơi cùng con, khuyên nhủ con nhẹ nhàng để con không bị tách biệt bởi thế giới ảo từ game online.

    Theo khuyến cáo của các chuyên gia tâm lý, việc trẻ ôm máy tính hàng nhiều giờ đồng hồ dẫn đến kiệt quệ cả về tinh thần và sức khỏe, không kiểm soát được hành vi, phát sinh ảo giác.

    hoc online phu huynh lo lang con thanh game thu tinh net thay doi 01

    Cần nhận ra những biểu hiện sớm của tổn thương tâm lý

    Thực tế cho thấy, có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra để lại hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội. Đơn cử như vụ việc bé trai 5 tuổi (ở Nghệ An) được phát hiện tử vong tại căn nhà hoang trong tư thế bị trói 2 tay vào đầu tháng 6/2020 khiến dư luận bàng hoàng. Nghi phạm ra tay sát hại nạn nhân chính là một học sinh đang học lớp 11, nghiện game và muốn thực hiện theo các hành động trong game.

    Dưới góc nhìn xã hội học, một chuyên gia cho rằng, nghiện game là một hiện tượng xã hội gần gũi với hiện tượng tội phạm. Bởi lẽ nếu nghiện game sẽ có thể phát sinh vô vàn những tình huống: Không có tiền chơi game sẽ nghĩ ra cách để có tiền (như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người). Khi bố mẹ không cho chơi có thể dẫn đến cáu gắt, khó chịu, chửi bới. Khi mua bán các vật dụng liên quan đến các trò chơi có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột giữa các cá nhân, nhóm... dẫn đến những hậu quả khó lường.

    Vì vậy, theo các chuyên gia, để bảo vệ sức khỏe của học sinh, cần có những nghiên cứu để quyết định thời gian tối đa ngồi trước màn hình đối với từng cấp học. Bên cạnh đó, phụ huynh cần nhận ra những biểu hiện sớm của tổn thương tâm lý và tinh thần khi học trực tuyến tránh hệ lụy về sau.

    Trao đổi với báo chí, Ths.Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Trung tâm Tư vấn - Trị liệu tâm lý SHARE cho rằng: "Không thể phủ nhận những lợi ích của việc học online trong thời đại ngày nay và đặc biệt là trong quãng thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, việc học online kéo dài, thay thế hoàn toàn việc đến trường học truyền thống đã được chứng minh là có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của các em học sinh.

    Những tác động đó có thể bao gồm sự thiếu đi những hoạt động giáo dục khác ở trường bên cạnh việc học kiến thức cùng với sự thiếu đi những tương tác thường xuyên giữa những bạn học với nhau khiến cho trẻ không có bạn bè để trò chuyện và mất cơ hội xây dựng tình bạn mới. Xây dựng tình bạn là một chức năng rất quan trọng đối với trẻ em vì điều này mang lại cho trẻ sự an toàn và lòng tự trọng, mang lại cho các em cảm giác thân thuộc.

    Thêm nữa, hoạt động giáo dục thể thao và các lớp học ngoại khóa cũng đã dừng lại, các tiếp xúc bị hạn chế tối đa... Phần lớn, các bậc cha mẹ đều đi làm và đứa trẻ ở một mình trong nhà, không có cách nào để bọn trẻ có thể tiếp xúc với bất kỳ ai. Điều đó khiến cho trẻ cảm thấy hụt hẫng, mệt mỏi, cô đơn, tách biệt, căng thẳng kéo dài, cảm giác bất lực...".

    Minh Vy

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (173)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-online-phu-huynh-lo-lang-con-thanh-game-thu-tinh-net-thay-doi-a517687.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan