+Aa-
    Zalo

    Học phí tiểu học thì bao cấp, sao giá SGK lại thả nổi?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đây là băn khoăn của PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) - khi bàn về câu chuyện nên áp giá trần cho sách giáo khoa.

    Đây là băn khoăn của PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) - khi bàn về câu chuyện nên áp giá trần cho sách giáo khoa (SGK) xã hội hóa hay là cứ thả nổi theo giá thị trường.

    Học sinh nghèo không cần SGK in đẹp

    Ông Ngô Trí Long là một chuyên gia nghiên cứu về thị trường giá cả , quanh năm tôi thấy ông đi bàn bạc về giá điện, giá nước, giá xăng dầu, phí BOT… Hôm nay, khi được hỏi quan điểm về việc có nên kiểm soát giá SGK hay không, vị chuyên gia đã chia sẻ với chúng tôi những nhận định rất đáng suy ngẫm.

    “Xã hội hóa” là những ngành, những lĩnh vực nào mà Nhà nước thiếu nguồn lực thì vận động các thành phần xã hội khác cùng tham gia đấu thầu. Đấu thầu nghĩa là cạnh tranh, giá cả do thị trường quyết định. Về cơ bản, xã hội hóa là tốt, nó giúp tận dụng nhiều nguồn lực để thực hiện lợi ích chung, mang đến cho người dân nhiều lựa chọn. Anh có tiền thì anh khám bệnh viện cao cấp, cho con học trường quốc tế, còn không có tiền thì sử dụng dịch vụ bình dân.

    “Tuy nhiên lựa chọn khâu nào của Giáo dục để xã hội hóa mới là vấn đề quan trọng”, ông Long nhận định; đồng thời bày tỏ quan điểm rằng, Nhà nước ta hàng năm chi nhiều tiền ngân sách cho Giáo dục, vừa rồi vay Ngân hàng Thế giới đến mấy chục triệu đô-la để làm SGK, như vậy không đến nỗi phải dựa hoàn toàn vào tư nhân mới có SGK cho học sinh.

    “Để ra đời một cuốn SGK thì phải trả các chi phí biên soạn, in ấn, phát hành và quản lý. Theo tôi, chỉ nên xã hội hóa các khâu in ấn, phát hành và chi phí quản lý, còn biên soạn phải là nhiệm vụ chính trị của ngành Giáo dục và phải được bảo trợ vì SGK là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng đến mọi người, mọi gia đình.

    Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính).

    Xã hội hóa để cho ra những cuốn SGK chất lượng nhưng giá phải rẻ chứ không phải chất lượng chưa biết thế nào mà giá bán đã tăng 3 – 4 lần. Học sinh nghèo, học sinh miền núi chưa có điều kiện dùng những cuốn SGK in ấn quá đẹp. Tại sao trẻ 6 tuổi trở xuống được khám chữa bệnh miễn phí, học phí tiểu học được bao cấp mà giá SGK tiểu học lại thả nổi?” – ông Long đặt vấn đề.

    Cùng chung quan điểm phải kiểm soát giá SGK, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong – cho rằng, chúng ta đang có hàng triệu học sinh trên cả nước phải sử dụng SGK, trong đó có nhiều gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, nếu giá SGK cao thì sẽ trở thành gánh nặng đối với người dân.

    “Nhất thiết phải đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá (tức là áp giá trần - PV) hoặc bình ổn giá (Nhà nước hỗ trợ giá) chứ không nên để các nhà xuất bản tự ý kê khai giá” – TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

    Chính vì thế, Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 “Về đồi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” của Quốc hội có ghi rõ: “Kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do ngân sách Nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội…”, ngoài ra không có dòng nào nói rằng phải xã hội hóa toàn bộ quy trình sản xuất SGK.

    Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong.

    Bình ổn giá SGK dễ hơn bình ổn giá lợn

    Theo lộ trình giáo dục phổ thông tổng thể do bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, năm học 2020 - 2021, khối lớp 1 sẽ triển khai đầu tiên chương trình và sách giáo khoa mới.

    Đến thời điểm hiện tại, bộ GD&ĐT đã phê duyệt, tuyển chọn 5 bộ SGK các môn học bắt buộc và 7 cuốn SGK môn Tiếng Anh tự chọn lớp 1 của 3 đơn vị là Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, NXB Đại học Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm TPHCM.

    Sau hai lần kê khai giá SGK mới (lần thứ hai kê khai theo yêu cầu của Bộ Tài chính đề nghị rà soát, tiết giảm chi phí), các NXB được tuyển chọn vẫn đưa ra mức giá khá cao so với giá SGK lớp 1 của năm học 2019 - 2020.

    Lấy ví dụ, cuốn sách Tiếng Việt tập 1 cũ chỉ có giá 14.000 đồng nhưng sau khi “xã hội hóa”, NXB Sư phạm TPHCM bán với giá 36.000 đồng, NXB Giáo dục, trong 4 bộ sách theo 4 chủ đề khác nhau, tính giá dao động từ 34.000 đồng đến 39.000 đồng. Cuốn sách Toán tập 1 cũ chỉ có giá 13.000 đồng nhưng đã tăng vọt lên 35.000 đồng (của NXB Sư phạm), 22.000 đồng đến 28.000 đồng (NXB Giáo dục) sau khi xã hội hóa. Sách Tự nhiên và Xã hội cũ chỉ 6.000 đồng thì bây giờ tăng gấp hơn 4 lần, giá cao nhất lên tới 28.000 đồng.

    Trao đổi với PV ĐS&PL, lãnh đạo một nhà xuất bản có SGK xã hội hóa được lựa chọn nêu quan điểm: “Nếu Nhà nước can thiệp vào giá bán SGK do tư nhân sản xuất là vi phạm nguyên tắc cạnh tranh của quá trình xã hội hóa. Nhà xuất bản bán SGK giá phải cao hơn SGK do bộ GD&ĐT làm, lý do vì không được ngân sách hỗ trợ, sản xuất lần đầu lại phải chi phí nhiều cho nhuận bút biên soạn, quảng bá…”.

    Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong lại cho rằng, định giá (hoặc bình ổn giá) SGK không vi phạm gì nguyên tắc cạnh tranh của thị trường. Luật Giá 2012 có sẵn rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản thông qua là có thể bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá (hoặc bình ổn giá). “Bình ổn giá SGK còn dễ hơn bình ổn giá lợn, vì giá lợn còn chịu tác động từ thị trường bên ngoài chứ SGK chỉ trong nước dùng nên hoàn toàn can thiệp được” - ông Phong nói.

    Trao đổi thêm về cách tháo gỡ Nhà nước kiểm soát giá SGK, TS Ngô Trí Long nhận định: “Bây giờ có cái khó ở chỗ nhiều hạng mục trong khâu biên soạn rất khó định giá theo thị trường. Ví dụ nhuận bút cho tác giả thì bao nhiêu là vừa? Nhuận bút tác giả A không thể bằng tác giả B, v.v…”

    “Nhưng không phải là không có cách”, ông Long nói, đồng thời gợi ý rằng, vẫn trên cơ sở xã hội hóa, Nhà nước vận động những tập đoàn kinh tế lớn hỗ trợ kinh phí cho khâu biên soạn SGK, các khâu còn lại thì để các nhà xuất bản tự cạnh tranh.

    “Về nguyên tắc, nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp, vậy bây giờ muốn kiểm soát ngược lại quy trình đó thì ta dùng máy bơm để bơm nước từ chỗ thấp lên chỗ cao. Để Nhà nước kiểm soát giá SGK thì cần một cái nghị định bổ sung cho quy định hiện hành chứ không thể tự nhiên can thiệp vào giá cả của mặt hàng đã xã hội hóa được” – vị chuyên gia chốt lại vấn đề.

    Cần nhớ, năm học 2019 – 2020, SGK do NXB Giáo dục (đơn vị trực thuộc bộ GD&ĐT) ban hành đã được điều chỉnh tăng 16.9% so với năm học trước. Với tỷ lệ tăng đó, Tổng cục Thống kê đã tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bị ảnh hưởng tăng theo 0,07%. Nếu Nhà nước không kiểm soát giá SGK, với đà tăng gấp 3-4 lần thế này thì không biết CPI các năm tới sẽ còn tăng thế nào?

    Giá SGK phải “liệu cơm gắp mắm”

    Một anh bên nhà xuất bản bảo tôi rằng SGK anh ấy in đẹp lắm, giấy đẹp lắm..., tôi bảo sách đẹp thì trẻ em thích nhưng phải căn cứ vào khả năng thanh toán của bố mẹ chúng. Cần chất lượng và giá cả hợp lý là được. Ở các nước phát triển, thu nhập cao như vậy mà người ta còn áp dụng cho không, cho thuê hoặc mượn SGK. Nhiều người Việt Nam còn nghèo, cho con đi học là gánh theo nhiều chi phí, vì thế giá SGK phải “liệu cơm mà gắp mắm”.

    Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

    Minh Minh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 118

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-phi-tieu-hoc-thi-bao-cap-sao-gia-sgk-lai-tha-noi-a332133.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan