+Aa-
    Zalo

    Học viên phi công bị bỏ rơi ở Mỹ: Trách nhiệm của ai?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Hơn 70 học viên phi công được đưa sang học tập tại Trung tâm huấn luyện Ahart (California, Mỹ) và bị "bỏ rơi". Đến nay vụ việc đã được giải quyết ra sao?

    (ĐSPL) - Hơn 70 học viên phi công được đưa sang học tập tại Trung tâm huấn luyện phi công Ahart (California, Mỹ) và bị "bỏ rơi".  Đến nay vụ việc đã được giải quyết ra sao?

    Liên quan vụ việc hơn 70 học viên Việt Nam bị bỏ rơi tại Mỹ, mới đây, trả lời Báo Đời sống & Pháp luật, ông Lại Xuân Thanh (Cục trưởng Hàng không Việt Nam) cho biết, hiện nay, Vietnam Airlines và Vietjet Air đã nhận một số trường hợp để tiếp tục đào tạo theo chương trình xã hội hoá đào tạo phi công cơ bản.

    Trước đó, hơn 70 học viên Việt Nam được đưa sang học tập tại Trung tâm huấn luyện phi công Ahart (California, Mỹ). Tuy nhiên, những học viên này bị bỏ rơi khi Trung tâm này bị Cục Hàng không Liên bang Mỹ đình chỉ hoạt động vào tháng 9/2014.

    Ông Cục trưởng cho hay, về quản lý nhà nước, Cục hàng không Việt Nam không có trách nhiệm trong việc xử lý mối quan hệ giữa học viên và các đơn vị nhận học viên đưa đi để đào tạo là Trung tâm huấn luyện phi công Ahart. Tất cả được giải quyết theo đường dân sự.

    Tuy nhiên, sau cuộc gặp mặt của Bộ trưởng Đinh La Thăng với gia đình các học viên, Vietnam Airlines và Vietjet Air đã nhận một số trường hợp để tiếp tục đào tạo theo chương trình xã hội hoá đào tạo phi công cơ bản.

    Cục trưởng Hàng không cho biết thêm, có thể việc các hãng hàng không ở Việt Nam thay đổi phương thức tuyển dụng phi công theo hướng xã hội hóa đào tạo phi công cơ bản (tức là học viên tự chi trả cho quá trình học cũng như sinh hoạt tại các trường được Cục Hàng không VN phê chuẩn) nên dẫn đến việc gặp rủi ro như vậy. Chẳng hạn như trước đó, Vietnam Airlines tuyển dụng học viên khi vừa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng theo ngành nghề này, sau đó Vietnam Airlines đưa các học viên đi đào tạo.

    Sau khi chuyển sang phương thức xã hội hóa, Vietnam Airlines sẽ tuyển những người đã được đào tạo tại các trung tâm đã có bằng lái, đã tốt nghiệp. Do vậy, nảy sinh các công ty có mối liên kết với các trung tâm đào tạo ở nước ngoài. Gia đình tự bỏ tiền và sang nước ngoài du học thông qua công ty đó.

    Cũng theo ông Thanh, Trung tâm huấn luyện phi công Ahart của Công ty Đức Minh không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện (gọi là cung cấp dịch vụ hàng không có điều kiện) để Cục hàng không cấp giấy phép.

    Về phương án xử lý cuối cùng, ông Thanh cho biết, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị các Hãng hàng không Vietjet, Vietnam Airlines xem xét đến hoàn cảnh gia đình các học viên, xem xét học lực của các học viên nếu đủ thực lực thì tạo điều kiện được tiếp tục đào tạo mà không bị mất đi phần các em đã bỏ tiền ra để đào tạo.

    Hãng hàng không Vietjet Air.

    Theo thông tin báo chí từng đăng tải, trong hơn 70 học viên Việt Nam đang theo học tại Ahart, có 21 học viên là do Hãng hàng không Vietjet gửi sang học.

    Sau khi Trung tâm Ahart đóng cửa, hãng này đã cử bốn đoàn công tác sang tận nơi để giải quyết vụ việc. Hiện tại, các học viên đã được giải tỏa rời khỏi trường. Hãng hàng không Vietjet cũng đã hỗ trợ 10 nghìn USD cho mỗi học viên.

    Cũng theo thông tin báo chí đăng tải trước đó, ông Nguyễn Đức Minh, chủ trường, cũng là người ký hợp đồng trực tiếp với các học viên, nay đã bỏ trốn.

    Trả lời Báo Đời sống & Pháp luật, đại diện truyền thông của Hãng hàng không Vietjet Air cho hay, các học viên được đưa ra nước ngoài theo hợp đồng với một doanh nghiệp đào tạo độc lập. Vietjet chỉ hứa hẹn sẽ nhận những học viên đủ tiêu chuẩn sau khi hoàn thành khóa học. VietJet không đứng ra ký hợp đồng hay đào tạo học viên như nội dung được phản ánh.

    "Tất cả các học viên kí kết hợp đồng với Công ty Đức Minh và một số công ty khác." - Đại diện VietJet cho hay.

    Ông Cục trưởng Hàng không cũng cho biết, một số trường hợp đã kiện ra tòa dân sự để giải quyết. Tuy nhiên kết quả ra sao, Cục Hàng không chưa rõ.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...

    THIÊN AN

    [mecloud]jAZ7qVJbo2[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-vien-phi-cong-bi-bo-roi-o-my-trach-nhiem-cua-ai-a116238.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.