+Aa-
    Zalo

    Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam chính thức khai mạc, quy tụ hàng trăm sản vật đặc trưng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sự kiện quy tụ các sản vật đặc trưng của 56 tỉnh thành, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý, an toàn vệ sinh thực phẩm...

    Sự kiện quy tụ các sản vật đặc trưng của 56 tỉnh thành, có nguồn gốc xuất xứ, có chỉ dẫn địa lý cùng hàng trăm mặt hàng tiêu biểu của các làng nghề Thủ đô.

    Tối 21/11, tại Trung tâm thương mại Mega Mall, Royal City (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Hội chợ "Đặc sản vùng miền Việt Nam" 2018 và Triển lãm "Mỗi làng một sản phẩm" đã chính thức khai mạc.

    Hội chợ “Đặc sản Vùng miền Việt Nam” là sự kiện thường niên, do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) là đơn vị chủ trì thực hiện. Đây là lần thứ 5 chương trình được tổ chức, với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ 6 quốc gia trên thế giới, trưng bày sản phẩm tại hơn 300 gian hàng. Điểm mới của Hội chợ năm nay là sự kết hợp với Triển lãm "Mỗi làng một sản phẩm" quy tụ gần 100 gian hàng của trên 20 làng nghề tiêu biểu của Thành phố Hà Nội.

    Các loại bánh, quà vặt luôn thu hút, hấp dẫn người tiêu dùng. Ảnh: Báo Nhân dân

    Hàng trăm sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền quy tụ tại chương trình lần này gồm: Thủy hải sản, bánh kẹo, chè, cà phê, hoa quả tươi, đồ uống, thực phẩm chế biến, nông sản, nhóm sản phẩm gia vị… Riêng Hà Nội sẽ giới thiệu một số sản phẩm đặc sản như: Cốm làng Vòng, bánh cốm, giò chả Ước Lễ, nem Phùng, mứt hạt sen trần, kẹo lạc Sơn Tây, chè lam Thạch Thất, Bánh cuốn Thanh Trì …

    Những sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền gồm: Thủy hải sản, bánh kẹo, chè, cà phê, hoa quả tươi, đồ uống, thực phẩm chế biến, nông sản. Ảnh: Lao động Thủ đô

    Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của Hội chợ, Ban tổ chức đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, Ban tổ chức đã yêu cầu doanh nghiệp tham gia hội chợ phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là đặc sản của địa phương; Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện VSAT Thành phố do Sở Công thương các tỉnh, thành xác nhận; Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa.

    Ở Triển lãm "Mỗi làng một sản phẩm", các nghệ nhân Hà Nội sẽ trưng bày, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: Gốm sứ Bát Tràng, Giang Cao, lụa Vạn Phúc, sơn mài Bối Khê, Duyên Thái...

    Sự kiện năm nay được kỳ vọng sẽ tạo thành một hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch lớn vào dịp cuối năm tại Hà Nội, với mong muốn gìn giữ, quảng bá, xây dựng các thương hiệu sản phẩm đặc sản của các vùng miền, sản phẩm các làng nghề Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài.

    Hội chợ và triển lãm kéo dài đến hết ngày 25/11.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoi-cho-dac-san-vung-mien-viet-nam-chinh-thuc-khai-mac-quy-tu-hang-tram-san-vat-dac-trung-a252214.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan